Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, hoạt động nuôi, sinh sản động vật hoang đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều loài đã được các cơ sở gây nuôi thành công và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đối với tỉnh Vĩnh Long, tuy việc gây nuôi động vật hoang dã chỉ mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây, qui mô còn ở phạm vi nhỏ lẻ, số lượng chưa nhiều, nhưng ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các qui định về điều kiện gây nuôi động vật hoang dã, cấp giấy chứng nhận đăng ký và sổ theo dõi đối với các trại có đủ điều kiện, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác quản lý động vật hoang dã gây nuôi trên địa bàn tỉnh

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 62 cơ sở, hộ dân nuôi động vật hoang dã, trong đó có 10 trang trại lớn, số còn lại nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, với số lượng gần 1.100.000 con. Có 3 doanh nghiệp chuyên nuôi ba ba, 15 cơ sở chuyên nuôi cá sấu, 2 hộ gia đình nuôi rắn ri voi, 10 hộ chuyên nuôi nhím, 3 hộ nuôi kỳ đà, 5 cơ sở nuôi heo rừng lai, 1 tổ hợp tác nuôi trăn. Còn lại là nuôi hỗn hợp với nhiều loại động vật hoang dã từ nhóm 1 đến nhóm 2 và nhóm 3 theo phân loại của CITES. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 14 con gấu, 11 con nai, 48 con đà điểu và 70 heo rừng được nuôi tại hộ gia đình hoặc trong các khu du lịch sinh thái . Đa số các hộ nuôi với muc đích thương mại, chỉ có 3 cơ sở đăng ký nuôi để phục vụ khách tham quan giải trí.

Hoạt động nuôi động vật hoang dã ở Vĩnh Long mới bắt đầu sôi động mấy năm nay, nên số hộ nuôi chưa nhiều, qui mô còn nhỏ lẻ nhưng các hộ nuôi đều cơ bản chấp hành tốt

 

Trong những tháng cuối năm 2010, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh, thực hiện đợt kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật nuôi sinh sản, sinh trưởng và quản lý động vật hoang dã ở các cơ sở và hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là công việc thường niên theo định kỳ, từ đó nắm rõ tình hình, số lượng vật nuôi bị hao hụt cũng như phát triển tổng đàn trong quá trình nuôi, đồng thời phát hiện và uốn nắn kịp thời những sai phạm về các qui định đối với điều kiện gây nuôi động vật hoang dã, nhằm giúp các hộ nuôi khắc phục và đảm bảo khu vực nuôi an toàn, không nguy hiểm cho cộng đồng.

Công ty THHH Tầm Du ngụ ở ấp Hòa Thành, xã Thành Trung, huyện Bình Tân. Trang trại của công ty đang nuôi 45 con cá sấu theo hình thức bán hoang dã và 8 con gấu nuôi nhốt trong chuồng lồng. Ngoài ra, trang trại còn nuôi thêm nhím, ngựa vằn, đà điểu. Do đây là những loài hung dữ, nên được xây dựng hàng rào khá chắc chắn, cách ly với khu dân cư xung quanh. Song do thổ nhưỡng và điều kiện nguồn nước nơi đây không đảm bảo, nên một số động vật hoang dã không thích nghi, phải chuyển sang chỗ nuôi nhốt khác. Theo chi cục Kiểm lâm Vĩnh Long, qua kiểm tra thực tế, việc quản lý gây nuôi động vật hoang dã nơi đây khá tốt, dù chưa qui mô về số lượng cũng như chủng loại.

Còn ở hộ anh Nguyễn Văn Ngọc – ở ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân – nuôi gần 50 con cá sấu và 11 con nhím. Hộ này tuy mới nuôi được 2 năm nay, nhưng đã chấp hành đúng theo qui định về quản lý gây nuôi động vật hoang dã. Song do diện tích hẹp, số lượng nuôi nhốt nhiều nên khá chật, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường và nguồn nước thải, mặc dù đã có qua hệ thống ao xử lý nhưng chưa thật tốt. Ngành chức năng đề nghị hộ nuôi phải đầu tư mở rộng chuồng trại và xử lý môi trường nuôi tốt hơn nữa, tránh gây ô nhiễm xung quanh.

Có thể nói, hoạt động nuôi động vật hoang dã ở Vĩnh Long mới bắt đầu sôi động mấy năm nay, nên số hộ nuôi chưa nhiều, qui mô còn nhỏ lẻ nhưng các hộ nuôi đều cơ bản chấp hành tốt. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết hộ nuôi đều thực hiện đúng các qui định đối với nuôi động vật hoang dã, các trại đều đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ và ít ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, các điểm nuôi đều có hàng rào chắn cách ly với hộ dân cư. Các chủ nuôi nhốt động vật hoang dã đều thực hiện đúng cam kết đăng ký với ngành chức năng.

Hiện thời, những trang trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phần lớn là nuôi từ 2 – 3 loài trở lên, thậm chí có hộ nuôi đến 6 – 7 loài với số lượng khá đông. Riêng về nuôi gấu, trong tổng số 14 con, chỉ có 2 con được gắn chíp theo dõi, các chủ nuôi cho rằng không biết thông tin gắn chíp của ngành chức năng qui định. Do nghề nuôi động vật hoang dã mới phát triển trên địa bàn tỉnh trong vòng vài năm nay nên những hộ nuôi còn vướng phải những thiếu sót trong quá trình nuôi và quản lý. Do vậy, để đảm bảo quản lý động vật hoang dã ngày càng tốt hơn, cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở nên tăng cường đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố hơn để đáp ứng được nhu cầu phát triển và quản lý động vật hoang dã, nhất là động vật có tính chất nguy hiểm. Đồng thời , phải xử lý môi trường tránh gây ô nhiễm xung quanh.

Xác định gây nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên ngày càng có nhiều hộ dân trong tỉnh đầu tư vào loại hình chăn nuôi này. Vì vậy, việc quản lý nuôi động vật hoang dã cần được quan tâm thực hiện đúng quy định chuyên ngành. Tuy các hộ nuôi đều có ý thức chấp hành và thực hiện tốt các qui định của nhà nước về gây nuôi sinh sản, sinh trưởng và bảo vệ đông vật hoang dã nhưng không thể chủ quan, lơ là. Ngành chuyên môn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn về kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn làm thủ tục quản lý đúng qui định đến tận hộ nuôi. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát và phát hiện xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân lợi dụng giấy phép gây nuôi để buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Cơ quan chức năng cần chú trọng phổ biến các nội dung pháp lý liên quan, giúp người dân có ý thức cao trong việc phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý động vật hoang dã, để vừa đảm bảo quyền lợi của người nuôi trong lĩnh vực này, vừa đưa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã ngày càng vào nề nếp.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *