Bên bờ hạnh phúc

Mùa lũ 2011 ở ĐBSCL đã diễn ra hơn 01 tháng qua. Mực nước cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây đã gây nhiều thiệt hại đối với đời sống và sản xuất của bà con nông dân. Hiện lũ  ở các tỉnh đầu nguồn đang có xu hướng xuống chậm, trong khi đó lũ kết hợp với triều cường đang làm cho mực nước ở các tỉnh hạ nguồn dâng lên rất cao, ngành chuyên môn dự báo đỉnh điểm của mùa lũ ở các tỉnh hạ nguồn sẽ diễn ra xung quanh con nước 30/9 âm lịch này.

 

Là địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ và cả triều cường, ngành chức năng và người dân Vĩnh Long đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động ứng phó và giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm nay.

Mùa lũ 2011 ở Vĩnh Long chính thức diễn ra vào thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10/2011, tức là xung quanh con nước 30/8 âm lịch. Mực nước đạt đỉnh điểm vào ngày 29/9 tại trạm Cần Thơ cao hơn báo động III là 0,21m, tại trạm Mỹ Thuận trên sông Tiền vượt báo động III 0,15m. Mực nước đã vượt qua các đỉnh lũ lịch sử từng được ghi nhận từ 0,04-0,08m, vượt xa dự đoán của ngành chức năng.

Nếu như trong năm 2010, Vĩnh Long hầu như không có lũ thì năm 2011 này, ngay từ con nước đầu tiên lũ đã gây ra rất nhiều thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân. Chỉ trong vòng 07 ngày, từ ngày 27/9 đến ngày 03/10, tổng thiệt hại do lũ đã gây  ra đã trên 130 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là các công trình thủy lợi bị tràn hoặc sạt lở, tổn thất hơn 58 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp ước thiệt hại trên 32,5 tỷ đồng. Phần thiệt hại còn lại là từ ngập hoặc sạt lở các công trình giao thông, nhà ở và các công trình công cộng như nhà ở, trạm y tế.

 

Theo thông báo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn Vĩnh Long, mực nước cao nhất ngày 26/10 trên sông Tiền tại Trạm Mỹ Thuận là1,93m vượt báo động III 0,13m. Đặc biệt, mực nước trên sông Hậu đã lên mức 2,12m, trên báo động III 0,22m, vượt qua đỉnh điểm của mực nước ngày 29/9 0,01m. Cùng lúc này thì mực nước tại các trạm nội đồng ở Vĩnh Long cũng đồng loạt tăng lên bằng hoặc vượt qua đỉnh điểm của mực nước ngày 29/9.

Cụ thể , tại trạm Ba Càng huyện Tam Bình, mực nước đo được vào ngày 26/10, tức 29/9 âm lịch, là 1,72m, trên báo động III 0,12m. Tại Trạm Phú Đức – Long Hồ, mực nước cao nhất được ghi nhận trong ngày là 1,70m, vượt báo động III 0,1m. Trong khi đó thì Vĩnh Long cũng đang bị ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc (hay còn gọi là gió chướng) có cường độ mạnh dần. Theo dự báo của ngành chức năng, trong những ngày tới mực nước trong tỉnh sẽ tiếp tục lên theo triều, nhiều khả năng mực nước trên sông lớn và nội đồng sẽ còn lên cao hơn hiện nay từ 0,1 đến 0,15m.

Trước những diễn biến của tình hình hiện tại, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn Vĩnh Long đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm gia cố đê bao, bảo vệ các công trình thủy lợi để ngăn lũ tràn vào nhà dân và khu vực sản xuất nông nghiệp. Một trong những trọng điểm đó là vùng chuyên canh cây ăn trái ở các cù lao trên sông Tiền và sông Hậu.



 

Trên sông Tiền, tập trung chủ yếu là 04 xã cù lao của huyện Long Hồ gồm Đồng Phú, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước, An Bình và 02 xã của huyện Vũng Liêm là Thanh Bình và Qưới Thiện. Trên các địa phương này nhờ hệ thống đê bao kết hợp với các công trình giao thông do tỉnh đầu tư nên hiện nay vẫn khá an toàn với mực nước hiện tại. Tuy nhiên, ở những khu vực chưa khép kín, hệ thống đê bao cá nhân đã có nhiều nơi bị sạt lở. Theo số liệu cập nhật đến ngày 26/10 thì trên địa bàn của xã Đồng Phú huyện Long Hồ đã có 02 đập, 02 bờ bao bị vỡ do con nước ngày 26 và 27/10. Đặc biệt có 01 cồn nuôi cá tra đã bị vỡ đê hoàn toàn. Tại xã An Bình đã có 02 tuyến đê bao bị sạt lở và xã Qưới Thiện của huyện Vũng Liêm cũng đã có 02 đập bị nước tràn. 

Có thể nói, hệ thống các cù lao trên sông Hậu gồm khu vực cồn Sừng và 02 xã Phú Thành, Lục Sĩ Thành của huyện Trà Ôn là những vị trí đang bị nước lũ uy hiếp nghiêm trọng nhất ở Vĩnh Long. Do chưa được đầu tư hệ thống đê bao kiên cố nên hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở đê bảo, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Với mực nước năm nay, nguy cơ tràn và vỡ đê ở đây còn tăng lên rất nhiều lần.

Cụ thể như tại khu vực Cồn Sừng, thuộc xã Mỹ Hòa – Bình Minh và xã Ngãi Tứ – Tam Bình. Hiện nay chênh lệch giữa mực nước bên ngoài và bên trong đê khi nước lớn là từ 2-2,5m. Tuy nhiên, hệ thống bờ bao ở đây chủ yếu được làm bằng đất và nằm ngay sát sông lớn nên độ vững chắc rất kém. Mặt khác, cao trình của hệ thống đê bao này chỉ có khả năng ngăn được mực nước ở mức báo động III. Khi nước đã vượt qua báo động III thì nhiều nơi đã bị tràn, sạt lở gây ngập úng trên diện rộng. Ngay trong ngày 25/10, ở đây đã bị vỡ 01 con đập, làm ngập nhiều ha bưởi đang cho trái. Mặc dù đã cố gắng gia cố, tôn cao hệ thống đê bao nhưng người dân nơi đây đang ngày đêm ăn ngủ không yên với đỉnh triều vài ngày tới. Theo ngành chức năng huyện Bình Minh, nếu mực nước đạt đỉnh điểm như dự báo thì hàng chục ha bưởi năm roi, chôm chôm đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại do nước lũ.



 

Ngoài vấn đề bảo vệ vườn cây ăn trái thì chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2011-2012 cũng là nội dung trọng tâm của công tác phòng chống lụt bão ở Vĩnh Long. Theo lịch thời vụ thì trong con nước mùng 10/10 ÂL tới đây toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 45.000ha trên tổng số 65 ngàn ha lúa ĐX. Ngành chuyên môn dự báo, thời điểm này nhiều khả năng sẽ bị tác động mạnh của triều cường kết hợp với mưa bão kéo dài nên nguy cơ ngập úng là rất cao. Trong đó, khu vực Bắc quốc lộ 1A của các huyên Tam Bình và Bình Tân đang bị ngập sâu, việc rút nước đảm bảo tiến độ xuống giống dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện các địa phương này đang tăng cường gia cố cống, đập và chuẩn bị các phương tiện bơm tát hỗ trợ khi cần thiết. Đối với các địa phương khác cũng cần có kế hoạch bơm tát, chống úng và dự trữ nguồn lúa giống để đảm bảo vụ lúa ĐX 2011-2012 diễn ra đúng tiến độ.

Với những diễn biến của tình hình hiện tại, cho thấy công tác phòng chống lụt bão ở Vĩnh Long trong thời gian tới sẽ còn có nhiều khó khăn. Mong rằng với những giải pháp đã được ngành chức năng triển khai cùng với sự hợp tác chặt chẽ của người dân, sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trong mùa lũ năm nay.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *