Bên bờ hạnh phúc

Ở Vĩnh Long, khi nhắc đến vùng chuyên canh củ sắn, nhiều người biết đó chính là xứ cù lao Mây, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn. Đã lâu lắm rồi, cuộc sống của bà con nông dân xứ này gắn bó nhiều với cây sắn.

Hiện nay, vùng màu cù lao Mây có hàng trăm hecta đất trồng củ sắn và cũng có không ít hộ nông dân đã vươn lên khá, giàu từ nghề trồng sắn. Điển hình như hộ của ông Nguyễn Văn Huệ, ở ấp Mỹ Thạnh A. Cây sắn gắn bó với ông mấy chục năm nay rồi, bây giờ, đến các con cũng nối nghiệp ông.

Ông Nguyễn Văn Huệ bên ruộng sắn của gia đình

 

Trước giải phóng, khi còn là thanh niên trai trẻ, ông Huệ dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù ông là con trai duy nhất trong nhà. Sau năm 1975, ông tham gia công tác ở địa phương. Tuy nhiên, vài năm sau đó, ông xin nghỉ về nhà phụng dưỡng mẹ già và cùng vợ gánh vác chuyện gia đình. Nghỉ việc nhà nước, về lại căn nhà lá nghèo xơ xác với chỉ vỏn vẹn nửa công đất, ông Huệ không biết làm gì hơn là đi làm mướn để sinh sống.

Thời điểm đó, hễ ai thuê mướn việc gì thì ông đều nhận làm, miễn sao có thu nhập là được. Tích góp nhiều năm, vợ chồng ông mua được 4 công đất canh tác. Có thể nói, những công đất đầu tiên đó chính là bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời ông sau này.

Mua được đất đai, ông Huệ bắt đầu trồng sắn. Thật ra, lâu nay, ông đã từng trồng trên đất nhà mặc dù diện tích không là bao, nhưng với hiệu quả của chúng, ông Huệ rất có niềm tin.

 

Ông Huệ chia sẻ, nhờ có khoa học kỹ thuật mới đến tay người nông dân nên những năm qua, năng suất và chất lượng củ sắn nơi đây đã tăng lên đáng kể. Nếu trồng sắn mùa thuận, thường là vụ Đông Xuân, thì năng suất từ 10 đến trên 11 tấn/ công. Với giá bán hiện nay khoảng 2.200 đồng/ kg thì bà con thu lời trên 10 triệu đồng/ công/ vụ. Tuy nhiên, nếu bà con trồng sắn lúc nghịch vụ hay còn gọi là sắn sớm, thường rơi vào vụ Thu Đông, thì lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều do bán được giá khá cao.

Gia đình của ông Huệ, sau thời gian trồng sắn, đã tích góp mua thêm hàng chục công đất, một số ông lên liếp, lập vườn, phần còn lại ông dành đê trồng sắn luân canh hoa màu khác. Hiện tại, hàng năm, ông thường trồng 4 công sắn vào vụ thuận, vụ còn lại ông trồng mía, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nếu tình hình năm nào thuận lợi, ông Huệ tiến hành trồng sắn sớm và sắn mùa nối đuôi nhau, lợi nhuận đạt cao hơn nhiều lần.

Với những kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng sắn, kết hợp với những kiến thức mới mà ông thường xuyên cập nhật, ông Huệ được xem là một trong những nông dân trồng sắn giỏi bởi năng suất cây sắn ông trồng lúc nào cũng ở mức cao, phẩm chất đạt yêu cầu của thương lái. Ngoài ra, ông còn tận dụng đất để làm sắn giống, tiết kiệm chi phí hạt giống cho mỗi công từ 5 – 6 triệu đồng, góp phần tăng giá trị lợi nhuận trên diện tích trồng sắn của gia đình.

Sắn là cây trồng mang lại thu nhập khá cao cho nhà nông

 

Mặc dù hiện nay, giá cả sắn thương phẩm còn thiếu ổn định, nhưng nhìn chung, bà con vẫn yêu thích trồng sắn. Hiện nay, mô hình này được nhân ra những xã khác của huyện Trà Ôn như Tích Thiện, Thiện Mỹ… Điều đó cho thấy, đây vẫn là cây trồng mang lại thu nhập kinh tế khá cao cho nhà nông.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *