Bên bờ hạnh phúc

Ông Lê Văn Đông

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, vú sữa Lò Rèn có được hương vị đặc trưng, xếp vào loại trái ngon. Với lợi thế đó, loại cây này đang được tỉnh Tiền Giang đầu tư để phát triển thành vùng chuyên canh vú sữa (khoảng 3.000 ha) vào năm 2010, trong đó tập trung nhiều tại 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang. Ông Lê Văn Đông, ngụ tại ấp Long Trị, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là một trong những nhà vườn có trên 20 năm gắn bó với cây vú sữa. Cũng từ loại cây đặc sản này, cuộc sống gia đình ông khá giả hơn trước.

Vú sữa Lò Rèn có hương vị đặc trưng, thời gian cây cho trái khoảng 3 năm

Không phải ngẫu nhiên mà ông Đông lại gắn bó lâu dài với loại cây này. Hành trình đến với cây vú sữa của ông cũng lắm gian truân. Vào năm 1973, được gia đình cho 2 công ruộng và 2,5 công vườn tạp để làm kế sinh nhai, vợ chồng ông ra sức cải tạo đất để trồng lúa và một số loại cây có múi như cam, bưởi, quýt… Tuy nhiên, hơn 10 năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thành quả mà vợ chồng ông gặt hái được chỉ tạm đủ nuôi 3 đứa con chứ không có dư. Nhận thấy các loại cây đang trồng khó có hiệu quả cao trên vùng đất này, năm 1986, khi phong trào trồng vú sữa bắt đầu xuất hiện tại địa phương, ông cùng nhiều người dân vay vốn ngân hàng để lên liếp trồng 4,5 công vú sữa. Thời gian chờ cây cho trái khá lâu, khoảng 3 năm. Do vậy, để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình, ông trồng xen một số loại cây ngắn ngày như đu đủ, ớt, dưa leo và đậu đũa… Vợ ông chăn nuôi và may vá thêm, từ đó cuộc sống cũng tạm ổn.

Trồng vú sữa theo tiêu chuẩn GAP đòi hỏi nhà vườn phải đáp ứng nhiều tiêu chí

Trong vụ thu họach đầu tiên, vợ chồng ông thu lãi được vài triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước. Tín hiệu vui từ cây vú sữa làm cho vợ chồng ông càng quyết tâm gắn bó với loại cây này hơn. Và, sau gần chục năm canh tác, vợ chồng ông đã tích lũy tiền mua thêm 7 công vườn, mở rộng diện tích trồng vú sữa lên 11,5 công. Gia đình có cuộc sống sung túc hơn. Năm 2005, ông cải tạo lại vườn vú sữa đã bị lão hóa. Nhận thấy mình không thể trồng và tiêu thụ nhỏ lẻ như trước đây nữa, năm 2008, ông đăng ký tham gia Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Từ đây, việc trồng vú sữa của ông gặp nhiều thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Ông được tham dự các buổi tập huấn, nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào việc trồng vú sữa theo tiêu chuẩn GAP.

Vú sữa Lò Rèn bán được giá cao hơn so với các giống vú sữa khác

Vú sữa của ông được hợp tác xã thu mua với giá ổn định và không còn bấp bênh như trước. Theo ước tính, hàng chục công vú sữa của ông khi cho trái đều, năng suất sẽ đạt từ 15 – 18 tấn, hứa hẹn một nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Ngoài vú sữa là cây trồng cho thu nhập chính trên mảnh vườn của mình, cái hay của ông Đông là ông còn tận dụng diện tích để trồng xen sầu riêng, dừa và cây kiểng, cho thu nhập gần trăm triệu mỗi năm.

Với sự cần cù, siêng năng, chịu khó, cùng với việc không ngừng học tập, cải tiến khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nói chung và cây vú sữa Lò Rèn nói riêng, ông Đông đã đạt được kết quả đáng phấn khởi trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện và nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông xứng đáng là một trong những nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.

Mỹ Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *