Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, nhờ những tiến bộ kỹ thuật và những kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nhiều bà con chăn nuôi đã thuần dưỡng và cho sinh sản thành công khá nhiều loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao. Trang trại nuôi cua đinh của bà Trịnh Thị Nguyệt ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là một trong những điển hình như thế.

Bà Trịnh Thị Nguyệt đã mở đường cho phong trào nuôi cua đinh ở miền Tây

 

Hiện nay, đàn cua đinh của trong trại của bà Nguyệt đã lên đến hàng ngàn con và được xem là trang trại nuôi cua đinh lớn nhất ĐBSCL.

Cách nay nhiều năm, bà Trịnh Thị Nguyệt đã từng nổi tiếng khắp vùng vì thành công trong việc nuôi và cho ba ba sinh sản. Bà con gần xa đến học hỏi kinh nghiệm ngày càng nhiều. Riêng tại xã Thạnh Hòa, mô hình này cũng được nhân rộng khá nhanh. Hiện, có vài chục hộ nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản để cải thiện đời sống kinh tế gia đình.

Đối với gia đình bà Trịnh Thị Nguyệt, sau hơn 10 năm gắn bó với con ba ba, hiện nay, bà vẫn đang phát triển tốt mô hình này và mở rộng quy mô thành trang trại. Không những vậy, người phụ nữ có tính cần cù và thích nghiên cứu này còn phát triển mô hình nuôi cua đinh.

Bà Nguyệt cho biết, năm 2004, một số thương lái quen bán cho bà vài chục con cua đinh để nuôi thử. Bà Nguyệt không ngần ngại tiến hành thử mặc dù giá con giống lúc đó rất cao và tốn khá nhiều chi phí đầu tư ban đầu.

Trong quá trình nuôi, bà Nguyệt nhận thấy, tập quán sinh sống của cua đinh không khác nhiều so với ba ba, thậm chí còn dễ nuôi hơn, tăng trọng rất nhanh khi chúng đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg trở lên. Từ đó, bà Nguyệt thử làm chuồng và tạo điều kiện cho chúng sinh sản để tìm cách nhân rộng và duy trì loài động vật vốn ngày càng hiếm ở ngoài tự nhiên này.

Năm 2008, bà Nguyệt thành công trong việc nhân giống cua đinh

 

Sau 4 năm nuôi và nghiên cứu, năm 2008, bà Nguyệt thành công trong việc nhân giống cua đinh. Ban đầu, chỉ vài chục trứng nở thành con, nhưng đó cũng là một kết quả đáng mừng cho những người quan tâm đến loài động vật hoang dã này.

Theo tính toán của bà Nguyệt thì khi nuôi cua đinh, sau 3 năm, người nuôi mới có lời. Năm đầu tiên, cua đinh chỉ tăng trọng vài trăm gram, hết năm thứ hai,  chúng có thể đạt từ 1,2 – 1,5 kg và hết năm thứ ba, nếu được chăm sóc tốt, chúng đạt từ 5 – 6 kg. Với giá bán như hiện nay, mỗi con cua đinh, bà thu được gần 3 triệu đồng; bỏ chi phí giống và thức ăn, người nuôi cũng còn lời khoảng 40%.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều bà con cho rằng, nuôi cua đinh hiệu quả chưa cao bởi thời gian thu hồi vốn khá lâu, vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là cho con giống rất cao. Do đó, hiện nay, cua đinh vẫn còn là loài vật nuôi của "nhà giàu", có dư vốn đầu tư chứ không phải dành cho những người nuôi để thoát nghèo.

Sau năm 2008, đàn cua đinh trong trang trại của bà Nguyệt cứ tăng dần, quy mô trang trại cũng được mở rộng trị giá hàng tỷ đồng. Hiện, tổng đàn cua đinh đã lên đến vài ngàn con, trong đó có trên 300 con bố mẹ sinh sản và gần 900 con hậu bị. Năm 2010, bà cho xuất bán khoảng 200 con giống, thu về gần 1 tỷ đồng.

Sau 3 năm, người nuôi cua đinh mới thu được lợi nhuận

 

Hiện nay, do giá con giống cua đinh còn đứng ở mức cao nên chỉ có vài người có trang trại lớn mới đến mua con giống của bà, lượng bán ra còn khá ít. Tuy vậy, bà Nguyệt vẫn còn muốn tăng đàn càng nhiều càng tốt.

Với những thành công của bà Nguyệt, nhiều hộ lân cận đã đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển nghề này và địa phương cũng đã vận động thành lập Câu lạc bộ nuôi động vật hoang dã của ấp Phú Khởi do bà Trịnh Thị Nguyệt làm chủ nhiệm. Hiện, đã có trên 20 hộ tham gia câu lạc bộ này.

Nhờ có đầu ra khá ổn định, bà Nguyệt đã hỗ trợ cho nhiều bà con trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, là người nuôi lâu năm, nhiều kinh nghiệm, bà cũng sẵn lòng giúp những hộ khác về kỹ thuật nuôi. Điều này đã tạo những bước đi thuận lợi cho sự hợp tác, liên kết tốt trong Câu lạc bộ nuôi động vật hoang dã. Hiện nay, Thạnh Hòa đã hình thành nên xóm làng nuôi ba ba, cua đinh được nhiều thương lái ở xa biết và tìm đến. Tất cả những điều đó sẽ là tiền đề tốt để nghề nuôi này phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *