Bên bờ hạnh phúc

Cá rô đồng là một loài thủy sản có giá trị kinh tế khá cao, và hiện đang được nuôi rộng rãi ở ĐBSCL. Trong vài năm trở lại đây, tại tỉnh Hậu Giang đã tuyển chọn ra một giống cá rô có đặc điểm tăng trưởng mạnh, thích hợp để phát triển theo hình thức nuôi thâm canh, nhiều người gọi giống cá rô này là cá rô đầu vuông.

Cá rô là loài thủy sản có khả năng thích nghi với môi trường cao, sống được trong môi trường nước tĩnh nên rất thích hợp nuôi trong các ao hồ. Thức ăn của cá rô khá đa dạng, gồm cả thực vật và động vật. Trong tự nhiên, cá thích ăn động vật phù du, tôm, tép, cá con, giun, côn trùng. Khi nuôi với mức độ thâm canh cá có thể sử dụng cả thức ăn công nghiệp vẫn cho khả năng tăng trưởng tốt.

Cá rô đầu vuông có thời gian tăng trưởng tương đối nhanh

 

Cá rô đồng có tốc độ tăng trưởng khá chậm, trong điều kiện nuôi nhốt thường 5 – 6 tháng nuôi mới có thể đạt trọng lượng trung bình từ 60 – 100 g/con. Do đó, khi nuôi thương phẩm thường cho hiệu quả không cao. Từ các mô hình nuôi cá rô đồng, nông dân Hậu Giang đã tuyển chọn ra được một giống cá rô có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, sau 3 – 4 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng từ 100 – 125 g/con.

Do là loài có khả năng thích nghi tốt nên cá rô đồng rất thích hợp để nuôi ở nhiều vùng đất khác nhau ở ĐBSCL. Để việc chăm sóc, nuôi dưỡng cá thuận lợi nên chọn ao nuôi gần nguồn nước, thuận tiện giao thông, tránh bị xâm hại bởi những nguồn nước ô nhiễm từ các khu công nghiệp, khu dân cư. Tốt nhất là chọn những vùng đất không bị nhiễm phèn, mặn, có kết cấu không tơi xốp, loại đất thích hợp nhất để thiết kế ao nuôi là đất thịt pha sét. Nếu xây dựng ao trên vùng đất nhiễm phèn thì không nên đào ao quá sâu mà nên làm ao nổi, gia cố thêm bằng gạch hoặc bằng bạc để tránh hiện tượng xì phèn ảnh hưởng đến cá. Qua các mô hình thức tế thì ao nuôi cá nên thiết kế theo dạng hình chữ nhật, có chiều dài gấp 2-3 lần so với chiều rộng. Khi nuôi thâm canh nên xây dựng ao có diện tích từ 500 – 3000 mét vuông, mực nước trong ao sâu từ 2.5 – 3m.

Hiện nay, nguồn cá giống nuôi thương phẩm bà con nông dân có thể mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống hoặc tự ương cá giống từ cá bột. Để tiết giảm chi phí, nên nuôi dưỡng từ cá bột làm giống sau đó tuyển chọn nuôi thương phẩm. Mật độ thả cá bột từ 700 – 1000 con/mét vuông. Sau khi nuôi dưỡng cá bột từ 40 – 45 ngày, lúc này, trọng lượng cá bình quân đạt khoảng từ 180 – 250 con/kg là có thể tiến hành nuôi thương phẩm. Trong lúc này cần phải chọn lọc cá thể có kích thước đồng đều để tránh hao hụt trong quá trình nuôi. Qua các mô hình thực tế, mật độ thả cá phổ biến của người dân hiện nay khá cao, trung bình khoảng 80 con/mét vuông. Theo các cơ quan chuyên môn, bà con chỉ nên thả với mật độ từ 40 – 60 con/mét vuông là thích hợp.

Nuôi cá rô thâm canh sử dụng thức ăn viên có hàm lượng đạm từ 28 – 30%. Các loại thức ăn cho cá rô có mặt trên thị trường khá nhiều, bà con nên chọn những công ty có uy tín để đảm bảo chất lượng. Hệ số chuyển hóa thức ăn cho cá dao động từ 1.4 – 1.6 tùy vào kỹ thuật nuôi. Trong quá trình nuôi cần lưu ý theo dõi lượng thức ăn cá sử dụng hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh cho cá ăn dư làm ô nhiễm môi trường nuôi. Việc xác định lượng thức ăn cho cá cần căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng và tình hình bắt mồi của cá. Cần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá mỗi tháng 02 lần để điều chỉnh lượng thức ăn cần cung cấp. Ngoài ra, người nuôi cần phải thưỡng xuyên theo dõi lượng thức ăn mà cá sử dụng hàng ngày để thay đổi cho phù hợp.

Ao nuôi cá rô thương phẩm cần giữ mực nước tối thiểu đạt từ 2 – 2.5m. Luôn giữ màu nước xanh, duy trì mật độ tảo thích hợp. Bình quân mỗi tuần thay nước khoảng 2 – 3 lần, tùy vào tình hình thực tế. Nếu nước bị ô nhiễm, cần phải thay nước liên tục cho đến khi nước sạch lại mới thôi. Để duy trì chất lượng nguồn nước, hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi, bà con có thể đưa thêm các loại chế phẩm sinh học, men xử lý ao nuôi. Trong quá trình nuôi, cá có thể nhiễm một số loại bệnh do kí sinh trùng như bệnh hoặc do nhiễm khuẩn gây ra. Đây là những loại bệnh liên quan đến mật độ thả, chất lượng nguồn nước, lượng thức ăn. Do đó, để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn cá bà con nông dân cần phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, ngay từ khi chuẩn bị ao nuôi.

Trung Hiếu
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *