Bên bờ hạnh phúc

Trong quy luật vận động của đất trời, hết Đông tàn rồi đến Xuân sang. Trong vòng tuần hòan của “Thập nhị địa chi”, Tân Mão ra đi thì nhường ngôi cai quản thời gian lại cho Nhâm Thìn.

Năm 2012 là năm cai quản của Rồng

Từ truyền thuyết “ Con Rồng cháu Tiên”, từ giấc mơ Rồng bay lên, từ kinh đô 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Rồng vàng đã đi vào tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt. Đó là biểu tượng của sức mạnh , của sự hân hoan và những khát vọng tốt đẹp trong cuộc sống. 

Rồng là một loài vật huyền thoại xuất hiện trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Nếu đối với phương Tây, rồng là loài quái thú, tượng trưng cho sức mạnh, thì ở phương Đông, rồng xem như một linh vật trong bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.

Rồng ở các nước châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Hình tượng của rồng bao gồm các loài: thân rắn, đùi cá sấu, móng vuốt của chim ưng, sừng hươu, vẩy cá, bờm sư tử , bieát bay vaø có thể phun ra lửa hoặc nước.

Về khía cạnh sinh học, theo hình dáng và cách sinh sống thì có thể đây là những con khủng long của thời kỳ tiền sử còn sót lại, là loài thằn lằn khổng lồ sống trong hang động, vùng biển hay các thung lũng, cánh rừng mà con người ít đặt chân đến.

Trên thực tế, một số loài sinh vật cũng được gọi tên "rồng" dù chúng chỉ là loài bò sát, ví dụ như loài Rồng Komodo. Chúng là loài thằn lằn lớn nhất còn tồn tại trên Trái đất từ thời cổ đại. Một số con có thể đạt chiều dài thân tới 3m và trọng lượng tối đa khoảng 135 kg. Đây là một loài sinh vật thuộc họ kỳ đà. Thức ăn của chúng phong phú đa dạng, từ các loại côn trùng cho đến các loại thú như: dê, trâu rừng, lợn lòi hoang dã…

Rồng Komodo từng suýt tuyệt chủng, nhưng ngày nay, chúng là loài được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện số lượng của chúng chỉ còn khoảng 2.500 con. Đây là động vật có khả năng sinh sản, nhiều con sống tới 100 năm. Tại một hòn đảo mang tên Komodo ở đất nước Indonesia, con người sống thân thiện với rồng. 

Vậy, rồng có thể xuất phát từ một lồi sinh vật có thật, rồi trí tưởng tượng của con người tô vẽ thêm, nhưng cũng có thể chỉ là sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng khi con người trực tiếp đối diện với sức mạnh siêu nhiên trong tự nhiên như bão tố, núi lửa phun trào, động đất… 

Có thời, nhiều người nghĩ rằng, rồng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Thế nhưng, một số công trình nghiên cứu khoa học gần đây lại khẳng định, rồng xuất phát từ văn hóa Bách Việt cổ. Đó là cộng đồng cư dân sống từ hạ lưu sông Dương Tử đến Bắc Đông Dương, trong đó có tổ tiên Lạc Việt của dân tộc ta.

Trong truyền thuyết Phương Đông, Rồng có chín con với hình dáng và sở thích hòan tòan khác nhau, bao gồm: Bị hí, Li vẫn, Bồ Lao, Bệ ngạn, Thao thiết, Công phúc, Nhai xế, Toan nghê và Tiêu đồ. Bên cạnh, còn có một số họ Rồng khác như: Tù ngưu, trào phong, phụ hí. 

Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất của Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Hình tượng Rồng thời đại Hùng Vương là một linh vật thân dài, có vẩy như cá sấu, nó thường được chạm trên các đồ đồng, đặc biệt là trống đồng Đông Sơn.

Đối với người Việt Nam, con rồng ra đời từ thời Hồng Bàng với truyền thuyết Con Rồng – cháu Tiên đầy huyền thoại. Tiên và Rồng là một cặp đôi – vật tổ, theo lối tư duy từ triết lý âm – dương mà có để giải thích cội nguồn tổ tiên của người Việt. Trong đó, Tiên được trừu tượng hóa từ giống chim để rồi Mẹ Âu Cơ đẻ trứng, còn Rồng là con vật được trừu tượng hóa từ hai con vật phổ biến ở Đông Nam Á là rắn và cá sấu, xuất phát từ tính cách của nền văn minh lúa nước. Con cá sấu đã biến thành con rồng cao quý và hiền lành, phù hộ, giúp đỡ cho người nông dân.

Từ con rồng biểu trưng cho cội nguồn nòi giống, người Việt đã sử dụng hình ảnh rồng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ dân dã đến ngôi cao chín bệ, từ trong văn hóa vật thể đến đời sống tâm linh.

Hằng năm, trên dòng sông Hòang Long, cư dân cố đô Hoa Lư của Đại Việt xưa thường tổ chức lễ hội Rước nước (Lấy nước sông Hòang Long mang về đền Vua Đinh), để bày tỏ lòng nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu gíup vị Hồng Đế nhà Đinh xây dựng cơ nghiệp vững vàng và từ đây ra chiếu dời đô về Đại La.

Tương truyền rằng, khi Nhà vua ngự thuyền Rồng ra đến La Thành, Ngài mộng thấy rồng vàng bay lên trời, nên đổi tên Đại La thành Thăng Long thành.

Năm 2010, dân tộc ta đã tổ chức đại lễ mừng 1000 Thăng Long – Hà Nội. Rồng Vàng trở thành biểu tượng khát vọng 1000 năm kể từ khi dân tộc Đại Việt rời rừng núi Hoa Lư hiểm trở, tiến ra giữa đồng bằng sông Hồng để dựng đô, gầy nghiệp lớn, mở ra kỷ nguyên độc lập, cường thịnh và phát triển rực rỡ của nền văn minh Đại Việt.

Mặc dù, Rồng là con vật được người đời tưởng tượng đầy tính siêu nhiên, nhưng trải qua mấy nghìn năm, Rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt. Nó là biểu tượng của sức mạnh, của quyền năng thiên biến vạn hóa, là sự kết tinh những ước vọng tốt đẹp nhất của nhân sinh.

Tổ tiên ta đã tạo ra biểu tượng Rồng như là một biểu tượng của khát vọng vươn lên chinh phục thiên nhiên và chinh phục chính mình. Theo lịch sử phát triển của xã hội, con người đã thiên biến vạn hóa biểu tượng rồng và sử dụng chúng theo những mục đích khác nhau. Song, chính những gía trị tốt đẹp của rồng trong tâm thức con ngừời đã đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nó. 

Nếu như con rồng thời Hùng Vương còn gần với nguyên mẫu con cá sấu thì rồng thời Lý đã có sự kết hợp hài hòa của cá sấu và rắn với thân hình uốn lượn uyển chuyển, biểu trưng cho sự ổn định của xã hội và sự mềm mại, hiền từ, phù hợp với tinh thần Phật giáo và vị vua đức độ, giàu lòng vị tha. 

Rồng thời Trần uốn lượn có phần thoải mái, linh hoạt hơn, phản ánh sự phát triển năng động của thời đại.

Thời Lê, khi Nho giáo đã trở thành “quốc giáo”, một xã hội có “kỷ cương” hơn, uy lực của nhà vua lên đến tột đỉnh, thì hình dáng con rồng trở nên dũng mãnh.

Rồng biểu trưng cho sức mạnh của các triều đại phong kiến nên được trang trí một cách phổ biến trên mọi công trình kiến trúc ở cung đình. Trong cuộc khai quật với quy mô lớn Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật có từ thời Lý – Trần – Lê gắn liền với biểu tượng rồng. Chẳng hạn, những lá đề nóc mái bằng đất nung có hình hai con rồng; chiếc vảy rồng bằng gốm, mày và đầu rồng bằng đất nung thời Trần; phù điêu rồng men xanh lục trang trí trên gạch thông gió thời Lê Sơ thế kỷ XV… Rồng còn là một mô típ quan trọng xuyên suốt trong nền nghệ thuật tạo hình cổ, trên gốm sứ Việt Nam. 

Trong bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng thì rồng thường nổi trội hơn cả, vì Rồng đã được ghi danh trong 12 con giáp. Nó được con người tôn sùng và thỏa sức sáng tạo , thỏa sức thưởng thức và gửi gấm ước mơ khát vọng. 

Ngày nay Rồng không còn là sự sở hữu đặc quyền của vua chúa như ngày xưa nữa. Rồng đã đi vào đời sống tâm linh của các tầng lớp cư dân, đi vào sinh họat văn hóa cộng đồng. Nhiều lễ hội văn hóa dân gian, rồng xuất hiện mang đến cho mọi người niềm hân hoan và nhiều ước mơ tốt đẹp. 

Những nghệ nhân hoa kiểng càng hào hứng hơn khi chào đón Tết Rồng. Bằng bàn tay tài hoa, bằng niềm đam mê nghệ thuật và cả sự ngưỡng mộ rồng, các nghệ nhân đã dành nhiều thời gian để tạo dáng, để thổi hổn vào sinh vật cảnh  tạo nên nhiều hình tượng rồng sinh động, như múa may, bay lượn giữa mùa xuân. 

Rồng còn là một trong 12 con vật tương ứng với Thập nhị Địa chi trong lịch âm dương mà người Việt đang dùng.Trong sinh hoạt bình thường của người dân, con rồng gắn liền với ước mong phồn thực, với biểu tượng cầu mưa. Bởi với cư dân nông nghiệp lúa nước, mưa thuận gió hòa là yếu tố hàng đầu, cho nên hình ảnh con rồng thường đi kèm với mây trời, sông nước. Ngày xưa, dân ta cho rằng, hiện tượng gió lốc cuốn nước ngoài biển khơi là hình ảnh con rồng thị đầu xuống uống nước để lên trời làm mưa tưới xuống ruộng đồng. 

Con Rồng chẳng những là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực, mà còn là hình ảnh quen thuộc và gần gũi trong đời sống dân dã. Trong văn hóa truyền thống của người Việt có lẽ không có con vật nào mà chức năng đã được biến hóa một cách linh họat như con rồng. 

Từ một con vật trong huyền thọai của nền văn minh nông nghiệp xa xưa (Long của Trung Hoa, Makara của Ấn Độ, Rồng của Lạc Việt) nó đã được ghi lại trong cổ thư, rồi từ chữ nghĩa trong sử sách, con rồng lại bay ra khỏi trang giấy để hiện hình lên các công trình kiến trúc và đi vào đời sống văn hóa – xã hội của nhân dân ta.

Con Rồng Việt đã ra đời từ thời Hồng Bàng với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” chứa đầy màu sắc huyền thọai. Nó ẩn phục mấy ngàn năm, rồi vụt bay lên vào năm 1010, nơi vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long cho Đại Việt. Từ ấy, Rồng Vàng Việt Nam bay mãi theo mỗi chặng đường phát triển của dân tộc.

Bằng giấc mơ rồng bay lên, bằng sức mạnh 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bằng nhiều địa danh mang biểu tượng rồng trải dọc dài theo dãy đất hình chữ S, và bằng cả khát vọng hưng thịnh của vùng đất Chín Rồng, hy vọng năm con Rồng sẽ tạo ra một sự chuyển mình tốt đẹp để tương lai không xa, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những con rồng mạnh mẽ ở châu Á. 

Tư Duy

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *