Bên bờ hạnh phúc

Yến sào là một trong những loại sản phẩm đắt giá trên thị trường vì giá trị dinh dưỡng của nó. Ngày xưa, do chỉ khai thác từ tự nhiên nên yến sào được xem là loại quý và hiếm, chỉ vua chúa hay gia đình quý tộc mới có cơ hội thưởng thức món ăn này.Ngày nay thì đã khác rồi, dù giá vẫn còn đắt lắm nhưng mọi người đều có thể có cơ hội dùng được yến sào vì người ta đã biết cách nuôi yến.

 

Một điều thú vị nữa là nhiều nơi ở đất liền, trong đó có ĐBSCL được chim yến kéo về làm tổ ,và vì vậy nghề nuôi này cũng ngày càng phát triển khá mạnh.

Những năm gần đây, từ khi người ta học được kỹ thuật dẫn dụ nuôi chim yến trong nhà, những ngôi nhà cao tầng dành cho yến bắt đầu mọc lên ngày càng nhiều. Nếu như yến sào từng được biết đến như một đặc sản quý của các hòn, các đảo thuộc vùng biển Nam Trung Bộ, thì hiện nay, sản phẩm này còn được biết đến bởi nhiều địa danh khác ở đất liền, trong đó có vùng ĐBSCL.

Nghe nói ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang  có nhiều nhà nuôi yến và thương hiệu Yến sào ở đây cũng khá nổi tiếng, chúng tôi thực hiện một chuyến du hành về đây, để tìm hiểu những câu chuyện về nghề nuôi yến – một nghề khá mới và có phần lạ lẫm ở vùng này.

Hai khu vực tập trung nhiều căn nhà nuôi yến nhất ở đây là Thị xã Gò Công và xã Long Bình, huyện Gò Công Tây.



 

Chúng tôi đến thăm làng yến Long Bình.

Trên con đường từ Thị xã Gò Công đến xã Long Bình chưa đầy 10 cây số, nhưng đã có mấy chục ngôi nhà yến cứ hiện ra trước mắt chúng tôi.

Đến khu vực chợ Long Bình vào bất cứ giờ nào, người ta cũng có thể nghe được tiếng chim yến gọi đàn inh ỏi. Đó là âm thanh phát ra từ những chiếc loa mắc trên nóc những ngôi nhà yến.

 Đây cũng là nơi tập trung nuôi yến nhiều nhất. Hiện nay, đã có trên 40 hộ tham gia nghề này, và cũng chừng ấy căn nhà yến được dựng lên. Có lẽ, cầu Long Bình là vị trí thích hợp nhất để phóng tầm mắt quan sát khung cảnh làng yến ở đây.

 

Tuy có nhiều nhà yến như vậy, nhưng nếu muốn tìm hiểu chuyện nghề không phải ghé vào nhà nào cũng được. Một mặt, người nuôi rất thận trọng trong việc cho người lạ vào tham quan; mặt khác, đa số những ngôi nhà yến ở đây là của các Công ty hay những đại gia nuôi yến từ nơi khác đến, mà nhiều nhất là từ TP HCM, nên thường không có chủ ở nhà. 

Phải là người của địa phương mới có cơ may gặp được. Chúng tôi được giới thiệu đến thăm hộ của ông Nguyễn Văn Dành, một trong những hộ nuôi yến khá hiệu quả ở đây.

Ông bắt đầu vào nghề từ 5 năm nay, có 2 căn nhà yến, một căn xây mới, một căn được nâng cấp từ ngôi nhà cũ, và đã đi vào khai thác khoảng 3 năm nay. Sản lượng còn ít nên mỗi năm thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Con số này, tuy không lớn nhưng  cũng đủ để hấp dẫn nhiều người nhảy vào đầu tư.

Đến làng yến Long Bình này, hầu như ai cũng được nghe câu chuyện mà nhiều người biết và kể lại. Đó là chuyện về người đầu tiên và cũng là người nuôi chim yến nhiều nhất ở đây, ông Trần Văn Thiết, còn gọi là Mười Thiết.

 

Thật ra yến đã vào nhà của ông ở từ những năm trước giải phóng, nhưng lúc đó còn ít và gia đình ông cũng chưa biết được giá trị thương phẩm của yến sào.

Sau một thời gian, đến năm 1986, kinh tế hội nhập, ông mới biết tổ yến có thể bán được, nhất là xuất sang nước ngoài. Từ đó, gia đình mới dành một phần căn nhà cho yến ở.

Đến năm 2006, nhiều khách thập phương biết Long Bình có đặc sản yến sào, nên đã thu hút nhiều giới đầu tư, nhanh chóng phát triển thành làng yến như hiện nay.

Riêng ông Mười Thiết, hiện đã có 3 căn nhà yến đi vào khai thác ổn định, hàng tháng có thể thu hoạch gần 10kg yến sào, doanh thu vài trăm triệu đồng. Hiện ông đang đầu tư xây mới công trình nhà yến với diện tích trên 1.0002, dự tính đến năm 2012 mới xong, với tổng vốn đầu tư vài chục tỷ đồng.

Thế mới hiểu, người ta ví nghề nuôi yến giống như việc đi “xây mỏ vàng trắng” là không sai. Bởi nghề này cần vốn đầu tư rất lớn, mà đến khi có sản phẩm rồi thì lãi cũng rất cao. Vấn đề là thời gian nhanh hay chậm và kinh nghiệm của nghề…

Ông Mười Thiết cho biết, xây nhà dẫn dụ yến vào ở đã khó, tạo môi trường cho chim yến sinh sôi, nảy nở lại càng khó hơn. Và sự thành công của người nuôi yến được quyết định bởi tốc độ tăng đàn trong ngôi nhà yến của mình. Yến ở nhiều, sinh sản nhanh thì có nhiều tổ yến, mà điều này cần khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm trở lên. Những người có vốn ít, cầm cự thời gian lâu không nổi, rất dễ phải bỏ cuộc. Và ở đây cũng có vài hộ mới xây nhà yến xong đã phải bán lại cho người khác do thiếu vốn.

Phải nói thêm rằng, từ khi nghề nuôi chim yến được hình thành, người ta bắt đầu phân chia chim yến thành 2 loại khác nhau là yến đảo và yến nhà.

Yến nhà là thành tựu của những  quốc gia nuôi yến hàng đầu trên thế giới như Indonexia, Malayxia, Thái Lan,…trong việc thuần dưỡng và dẫn dụ yến đảo về nuôi trong đất liền. Ở Việt Nam, công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng thành công việc nuôi yến nhà. Từ đó, các tỉnh, thành khác cũng bắt đầu phát triển nghề nuôi này. Tuy nói rằng nuôi yến không dễ thành công, nhưng vì lợi nhuận hấp dẫn, nên nghề này vẫn cứ phát triển với tốc độ khá nhanh.

Mặc dù nuôi yến chỉ dành cho những người có tiền tỷ, nhưng thật ra những hộ nghèo, ít vốn ở đây cũng kiếm sống được quanh năm từ những nghề phụ xung quanh nghề yến này. Những người làm nghề phụ hồ, những nhà thầu xây dựng nhỏ cũng có cuộc sống ổn định hơn nhờ nhận xây nhà yến.

Đến Long Bình vào ban ngày sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh tương tự như thế này.

Mục đích cuối cùng của việc nuôi yến là để lấy tổ. Tổ yến được làm từ dãi của chim yến và là một loại thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao.

Sẽ thiếu sót nếu chúng ta nói đến nghề nuôi yến mà không nhắc đến những chuyện liên quan đến yến sào. Chúng tôi được ông Mười Thiết giới thiệu cơ sở sơ chế yến sào của gia đình tại Thị xã Gò Công.

Nuôi yến tại xã Long Bình, nhưng hơn 10 năm nay, gia đình ông đã dời về cơ ngơi mới tại Thị xã Gò Công. Mỗi ngày 2 lượt đi về , ông cùng các con luân phiên ra Long Bình trông coi những ngôi nhà yến. Ông cho biết, mỗi tháng định kỳ thu hoạch tổ yến 3 lần, mỗi lần cách đều nhau 10 ngày để tránh làm kinh động đến chim yến. Tổ yến của gia đình được bán dưới 2 dạng, tổ yến thô, chưa làm sạch và tổ yến đã làm sạch. Giá cả cũng chênh nhau khá xa. Cụ thể như, tổ yến thô giá khoảng 42 triệu/kg, thì tổ yến sạch trên 55 triệu/kg.

Tổ yến màu trắng như thường thấy gọi là yến quan, loại này rốt phổ biến. Riêng yến huyết thì rất hiếm gặp, và vì hiếm nên giá của chúng cũng rất cao, có thể gấp rưỡi tổ yến bình thường.

 Tổ yến tuy đắt tiền nhưng rất nhẹ, mỗi tổ thường nặng khoảng 7-8gram, có loại  trên 10gram. Do đó, khi mua 100gram cũng thấy nhiều tổ yến lắm. Vì vậy, theo tính và hiện nay thị trường đang nhanh chóng được mở rộng.

 

 Bản thân yến sào đã là thực phẩm bổ dưỡng, không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chưng cách thủy với đường phèn là có thể dùng được. Với giá trị dinh dưỡng được lưu truyền từ cổ chí kim, yến sào ngày càng được ưa chuộng trong ẩm thực cũng như trong y học, nên hiện nay nghề nuôi yến được xem là nghề đầy tiềm năng. 

Riêng tại Long Bình, chính quyền và bà con nơi đây đã có ý tưởng hình thành nên làng nghề nuôi chim yến kết hợp với du lịch sinh thái, để du khách về đây có cơ hội thưởng thức món yến sào tại chỗ, được xem đời sống của chim yến hàng ngày, cũng như được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh khai thác tổ yến…, mà trước đây phải ra tận đảo xa.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *