Bên bờ hạnh phúc

Trong nhiều năm qua, mặc dù ngành Giáo dục Vĩnh Long và các ban, ngành hữu quan đã có nhiều nỗ lực duy trì sĩ số, kẻo giảm tỉ lệ học sinh bỏ học nhưng năm học qua, toàn tỉnh vẫn còn trên 3.000 học sinh bỏ học, chiếm tỉ lệ trên 7% tổng số học sinh trong tỉnh.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp trên đường vào một lò gạch ở xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm là một đứa trẻ gầy còm, bé xíu nhưng lại oằn mình bưng từng lốc gạch từ trên lò xuống chiếc ghe tải đậu ở bến sông. Đó là em Trần Văn Lý, 14 tuổi, quê ở Tam Bình. Em đã bỏ học và theo cha mẹ đến đây làm nghề gạch này hơn một năm nay. Công việc chính của em là bưng gạch chín từ trên lò xuống ghe tải. Những lúc không bưng gạch chín thì em đẩy xe gạch mộc từ chỗ cối cắt gạch ra ngoài sân phơi trước khi đưa vào lò nung. Một ngày của em (cũng như đa số các em nhỏ khác làm mướn ở đây) đều bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều, hôm nào ghe tải vào lò chở gạch vào ban đêm thì em cũng phải tham gia như mọi người.

Đến làng nghề bánh tráng thuộc xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, chúng tôi cũng gặp những trường hợp như vậy. Em Nguyễn Hoàng Nhi (14 tuổi) đã nghỉ học để theo cha bán vé số. Mẹ em làm cỏ mướn cho bà con trong xóm. Gần đây, mẹ Nhi lại bị bệnh nên việc làm thuê, kiếm tiền bị hạn chế. Do vậy, sau khi đi học về nhà, em phải miệt mài với việc bắt ốc, hái rau để kiếm tiền ăn sáng đi học. Do không ai kiểm soát được việc học của em và cũng không có sự ưu tiên nào cho việc học này nên kết quả học tập của em năm nào cũng bị xếp vào loại yếu, kém. Từ đó, em Nhi mỗi sáng tay xách nách mang, một túi đựng cả trăm tờ vé số, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẹp để đi bán vé số kiếm sống.

Tình trạng học sinh nghèo bỏ học hiện nay là một vấn đề nan giải ở Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung

So với em Lý (làm mướn ở lò gạch) và em Nhi (bán vé số) thì trường hợp bỏ học mà chúng tôi sắp đề cập đến khó ai tin, bởi lẽ, nhà em ở Phường 8 – ngay trong lòng Thành phố Vĩnh Long. Cha mẹ em không có cơ sở gì để làm ăn nên phải sống nghề phụ hồ. Mỗi ngày, không thể tính được bao nhiêu giọt mồ hôi, công sức, nhưng thu nhập thì không vượt qua con số 50.000 đồng/người. Số tiền ấy phải trang trải cho bốn miệng ăn và chi phí học hành của hai đứa con. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn lo toan của cha mẹ, đứa bé này phải bỏ học để ở nhà lo việc bếp núc, nhà cửa, kể cả việc lội mương, tát vũng bắt cua, bắt cá kiếm tiền giúp cha mẹ. Trước tình hình đó, cán bộ giáo viên trường đã nhiều lần đến động viên gia đình và học sinh, miễn giảm các khoản học phí, tặng quần áo, tập vở, nhưng em vẫn không chịu trở lại trường.

Nhìn chung, các em mà chúng tôi đã gặp còn rất nhiều điều đáng lo. Tuổi còn nhỏ nhưng các em vẫn phải làm những công việc nặng nhọc của người lớn mà tiền cũng chẳng kiếm được là bao. Từ đó, kết quả học tập của các em giảm sút hẳn so với các bạn cùng lớp. Các em cũng không theo kịp bạn bè bởi sau một buổi đến trường, buổi còn lại phải làm việc quần quật, lấy đâu thời gian mà học tập, huống chi là vui chơi.

Em Sơn Thị Ngọc Trinh – 13 tuổi, học sinh lớp 7, Trường THCS Thới Hòa, Trà Ôn – còn đeo đuổi được việc học là một cố gắng lớn của gia đình. Bởi gia đình em là một hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo trong xã. Nhà em có 5 thành viên, gồm cha mẹ và anh em Trinh. Nhà không ruộng vườn, hàng ngày, tiền làm thuê, làm mướn của cha mẹ không thể lo cho hai chị em Ngọc Trinh ăn học. Có lần, em Sơn Thị Bụp Pha – chị của Ngọc Trinh – có ý định bỏ học đi theo cha mẹ làm mướn để tạo mọi điều kiện cho em mình được học đến nơi đến chốn. Hay tin này, Chi đội trường Thới Hòa đã tổ chức phong trào "Vòng tay bè bạn", thành lập Đội Thanh niên xung kích, vận động tặng chị em Ngọc Trinh – kể cả những em có nguy cơ bỏ học – những dụng cụ học tập cần thiết. Từ đó, mà phong trào ở đây dần dần lớn mạnh, có quỹ của Liên đội, nuôi heo đất hằng năm để tặng các em có hoàn cảnh khó khăn.

Em Trương Thị Kim – 21 tuổi, ở ấp Hiệp Thạnh, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn – hiện đang là sinh viên năm thứ 3, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Cần Thơ. Trước đây, khi còn là học sinh cấp II cấp III, mỗi ngày, em phải lội bộ khoảng 6 – 7 km mới đến được trường. Khi về nhà, ngoài chăm lo việc nhà, em còn phải làm thêm nghề may thảm xơ dừa. Hôm nào làm thong thả thì được tám miếng, làm cố gắng thì được mười miếng, mỗi miếng được tám trăm đồng. Với khoảng thu nhập ít ỏi này, không thể mua được chiếc xe đạp như em hằng mơ ước. Thấy vậy, thầy Trần Thành Trung – giáo viên Trường THCS Thới Hòa, cộng tác viên báo Vĩnh Long – viết giới thiệu một tấm gương học trò nghèo hiếu học đăng lên báo. Khi báo phát hành, em được nhà hảo tâm Nguyễn Thành Hổ – ở Tân An Luông – đến trợ giúp em Kim chiếc xe đạp, quần áo và các dụng cụ học tập. Sau đó, nhà hảo tâm này vận động một doanh nghiệp ở thành phố cấp cho em một học bổng thường xuyên (900.000 đồng/quý). Và cũng nhờ sự tiếp sức này mà nay em đã là sinh viên năm thứ 3 lên 4 – Trường Đại học Cần Thơ.

Thầy Trần Thành Trung, giáo viên Trường THCS xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, có hơn 6 năm làm công tác vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, cho biết : Không thể vận động học sinh bỏ học trở lại lớp là do hoàn cảnh kinh tế gia đình của các em quá khó khăn. Ngoài giờ học, các em phải làm thuê, làm mướn, phụ giúp cha mẹ. Các bậc phụ huynh “đầu tắt mặt tối” với công việc nên cũng bỏ phế việc học của con em mình. Do vậy, để tạo điều kiện cho các em có cơ hội để học, thầy Trung – cùng những nhà hảo tâm khác – kết hợp với ngành giáo dục và chính quyền địa phương – thực hiện một số biện pháp để các em học sinh năng lực học thuộc diện yếu kém… thiết tha với chuyện học hành.

Tình trạng học sinh bỏ học ở ĐBSCL, đặc biệt tại những vùng khó khăn, ngày càng “nóng” hơn. Nhiều giải pháp cải thiện đã không phát huy được hiệu quả bởi một khi học sinh đã bỏ học thì việc vận động trở lại lớp rất khó khăn. Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Chính vì vậy, cần tăng cường vai trò giáo viên, kịp thời phát hiện những học sinh yếu, học sinh lơ là học tập, kết hợp cùng gia đình tìm nguyên nhân và kịp thời bồi dưỡng kiến thức cho các em. Đối với các gia đình nghèo, địa phương và ban, ngành, đoàn thể phải có những biện pháp hỗ trợ vốn để họ làm ăn, có chính sách hỗ trợ phương tiện học tập, có học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thường xuyên vận động phụ huynh quan tâm đến việc học hành của con em mình… Những giải pháp trên, nếu được thực hiện sớm và đồng bộ mới hy vọng giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *