Bên bờ hạnh phúc

“Chợ chuột đồng” ở ấp Bình Thắng, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hình thành cách đây đã hơn 40 năm qua và trở thành chợ chuột nhộn nhịp nhất ĐBSCL.

Chợ chuột đồng Bình Long của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang là một trong những chợ lạ và độc đáo nhất đồng bằng sông Cửu Long bởi chợ này chỉ bán toàn thịt chuột đồng. Đây cũng là chợ đầu mối, chuyên cung cấp chuột giá sỉ cho bạn hàng bán chuột ở các chợ khác trong vùng…

Ở một số chợ khác cũng có người bán chuột, nhưng không nhiều và tập trung thành một xóm nghề như ở chợ chuột Bình Long này.

Chợ chuột Bình Long

 

Hỏi thăm về lịch sử hình thành chợ chuột này, những người chuyên nghề bắt chuột lâu năm cho biết, chợ chuột bắt đầu từ vài gia đình trong xóm đi bắt và bán chuột thịt từ mấy chục năm trước, khi mà vùng này được khai hoang và canh tác lúa mùa, mỗi năm 1 vụ, vì vùng này, vào mùa lũ, nước ngập như sông… Lúc đó, chuột đồng xuất hiện và phát triển nhanh, phá hại lúa rất nhiều nên bà con trong xóm nghĩ ra nhiều cách đi bắt chuột đồng, vừa để ăn, vừa để bán.

Một công, nhưng hai, ba chuyện có lợi. Thịt chuột vừa ngon, vừa rẻ, bổ sung thêm đạm cho bữa ăn, vừa mang lại nguồn thu nhập, lại vừa tiêu diệt được mầm mống gây hại hoa màu của nhà nông…Vậy là nghề săn bắt và mua bán chuột chuyên nghiệp hình thành ở cái ấp nhỏ nằm dọc dòng kênh Phù Dật này. Từ đó đến nay đã hơn 50 năm.

Bất kể già hay trẻ, thanh niên, phụ nữ… ai cũng tham gia làm chuột được vì công việc khá đơn giản từ khâu đập chuột, chặt bỏ đầu đuôi, lột da và ướp đá giữ lạnh… Mỗi ngày, người dân xung quanh chợ chỉ cần chờ xe chuột về để làm vài tiếng đồng hồ là có được vài chục ngàn đồng. Ngày nào cũng vậy, khoảng 1 giờ chiều và 7 giờ tối là giờ các xe tải đưa chuột từ các nơi về, chợ lại nhộn nhịp suốt đêm để kịp ướp đá và chuyển đi cho thịt được tươi ngon. Giá thịt chuột dao động từ 30 – 50.000 đồng/ký.

Ít có ai tin rằng, nhiều gia đình ở chợ chuột đã sắm được xe tải để đi chở chuột từ Kiên Giang, Cà Mau, biên giới Campuchia. Trung bình mỗi ngày, sức tiêu thụ của chợ khoảng từ 3 – 4 tấn. Cao điểm, có khi 7 – 8 tấn một ngày. Hiện tại, có khoảng 20 xe gắn máy – bà con gọi là “xe đầu”- chuyên đi chở thuê chuột về chợ. Mỗi xe chở được khoảng 200 ký chuột…

Săn bắt chuột đồng làm món ăn vừa là biện pháp diệt trừ sinh vật gây hại ruộng đồng vừa thể hiện nét văn hóa độc đáo lưu truyền từ thuở cha ông ta khai cơ, lập nghiệp. Giờ đây, bắt chuột lại trở thành một nghề sinh sống cho cả một xóm nghề và khu chợ.

Bà con cho biết, khu vực này có rất nhiều chuột vì ngày nay, các đồng lúa vùng biên giới nước ta trồng đến 3 – 4 vụ một năm. Bên nước bạn Campuchia, hầu hết người dân chỉ trồng lúa mùa. Hết mùa lúa, chuột di cư sang biên giới tìm thức ăn. Một nguyên nhân khác là do dòng sông Mê Kong bị các quốc gia đầu nguồn ngăn đập, mùa lũ năm vừa qua, nước không về nhiều nên chuột sinh sôi rất nhanh. Chúng vượt qua những dòng kênh biên giới, bơi qua sông ào ạt như “vịt chạy đàn” khiến cho nông dân ở vùng biên giới Hà Tiên, Giang Thành…tổn thất khá nhiều.

Một nghề mới cũng hình thành vài năm qua trong chợ chuột Bình Long là nghề làm bẫy chuột mà bà con gọi là “ rập chuột”. Ở chợ chuột Bình Long hiện có khoảng 4 hộ chuyên sản xuất loại bẫy chuột bằng lưới kẽm. Mỗi ngày, một gia đình có thể làm hơn 400 lồng nên thu nhập khá ổn định.

Từ những đoàn người đi ghe bắt chuột đường xa, đến đoàn xe tải, xe “đầu” chở chuột và những người chuyên làm thịt chuột…tổng công có hơn hai trăm người tham gia lao động và thu nhập ổn định ở chợ chuột Bình Long, góp phần giải quyết khá tốt số lao động dư thừa ở địa phương.

Thịt chuột đồng là một trong những món ăn ngon thuộc vào loại “đặc sản” của ĐBSCL. Nguồn thức ăn chính của chuột đồng là lúa gạo và hoa màu theo mùa vụ của bà con nông dân. Vì vậy, chuột đồng chỉ có 2 loại là chuột cơm và chuột cống nhum. Chuột cơm có lông hơi vàng, đượm màu lúa chín. Còn chuột cống nhum to gấp 3 lần chuột cơm, lông đen mượt, nhưng thịt không ngon bằng chuột cơm…

Trong những món ăn Trung Quốc thời xưa có món “sâm thử”, tức là chuột con được nuôi lớn bằng sâm để làm món ăn cho vua chúa. Ngày nay, chuột là món ăn bình dân có ở khắp đồng bằng sông Cửu Long.

Quách Nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *