Bên bờ hạnh phúc

 Năm nay lũ về sớm…

 Tranh thủ con nước rằm tháng tám âm lịch, chúng tôi thực hiện một cuộc hành trình về phía thượng nguồn Cửu Long. Sau nhiều năm lũ kiệt, năm nay lũ sớm, được nhiều người đón nhận như là một tín hiệu vui.

Những năm qua do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đồng bằng sông Cửu Long không có lũ hoặc lũ về không đúng chu kỳ,  khiến không ít người dân vùng lũ lao đao. Mùa lũ năm nay được kỳ vọng là một mùa lũ đẹp. Nhưng, trong điều kiện môi trường mới và biến đổi khí hậu như hiện nay, những diễn biến của ma lũ ẩn chứa nhiều bất thường .

Con nước rằm tháng tám, chúng tôi có mặt ở huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang. Lũ về đã từ một tháng trước. Nhìn đâu cũng mênh mông biển nước. Trên những con sông, những cánh đồng hứa hẹn có một mùa bội thu.



 

Từ khi đề án 31 của tỉnh An Giang được triển khai vào năm 2002, đã giúp cư dân vùng ngập lụt có điều kiện khai thác tài nguyên, sản vật và lợi thế do mùa nước lũ mang lại, làm ăn sinh sống theo phương châm: Sống chung với lũ. 

Thực tế cho thấy lũ ở đồng bằng sông Cửu Long không dữ dội và tàn phá như lũ ở miền Trung hay miền Bắc. Nếu không có những cơn thịnh nộ đột biến của thủy thần thì chỉ là lũ hiền hòa. Vì vậy, mùa lũ còn được người vùng lũ gọi bằng cái tên rất đặc trưng và gần gũi là : mùa nước nổi.

Xưa nay, mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn lên xuống theo chu kỳ hàng năm. Các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, Đồng Tháp có đến 1/3 thời gian trong năm bị ngập lụt. Chính vì thế, quá trình đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên cũng là quá trình tìm con đường sống chung với lũ.

Từ rất lâu , người dân nơi đây đã biết khai thác lợi thế từ mùa nước nổi. Không chỉ là tìm phương kế sinh nhai mà còn trong đấu tranh gìn giữ cỏi bờ. Đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ , không ít lần quân dân ta đã biến khó khăn, thách thức của mùa nước nổi thành lợi thế, thành sức mạnh tổng  hợp- thiên thời địa lợi, bất ngờ phản những đòn trí mạng tiêu diệt kẻ thù.

Nước lũ về mang theo nhiều tôm cá, sản vật dồi dào, như một sự tạ lỗi của thiên nhiên trước những khó khăn mà hiện tượng thời tiết nầy mang lại.

 Có thể nói cá linh chính là món quà được nhiều người chờ đợi, vì vài năm gần đây nó đã trở nên khan hiếm. Nước lũ về , mọi người  đón mùa cá linh với ít nhiều chộn rộn .

 Cùng các người bạn mới quen ở Phòng Nông nghiệp huyện An Phú, chúng tôi đến thăm  hàng đáy của anh Tạ Văn Chỉ ở xã Phước Hưng. Được biết, để được đóng đáy ở địa điểm thuân lợi nầy ,anh và vài người thân đã phải đấu thầu đến bốn, năm trăm triệu đồng.

Bắt cá linh có nhiều cách, nhưng có lẻ cách bắt nầy là được nhiều cá nhất. Anh Chỉ nói lúc nầy chưa phải thời điểm cá rộ, nhưng khoảng nửa tiếng đồng hồ thì mỗi miệng đáy cũng cho được 4-5 ký cá. Tuy không nhiều như trước kia nhưng so với năm 2010 thì cũng làm ăn được.

 

Năm rồi nước lũ không về, những người làm nghề hạ bạc lao đao. Con cá linh là thứ cá dành cho người nhà nghèo , lại trở thành đặc sản với giá bán cả trăm ngàn đồng một ký. Vào thời điểm nầy giá cá linh làm mồi bán tại chổ chỉ khoảng trên dưới 10.000đ.

 Sau khi dỡ đáy, cá được rọng ngay vào môi trường tự nhiên, vì nhược điểm lớn nhất của con cá linh là rất mau chết khi lên khỏi mặt nước. Anh Chỉ cho biết, những năm lũ đẹp trúng mùa , hàng đáy của anh có nguồn thu sống được…

Những cánh đồng vừa cho thu hoạch xong vụ lúa hay vụ màu, giờ trở thành môi trường thuận lợi cho tôm cá về trú ngụ, tạo thêm cơ hội mưu sinh cho người dân. Ở đây, người ta bắt cá bằng cách đặt dớn, đặt lờ… thu hoạch mỗi ngày cũng được vài chục ký….Những năm không có lũ, dân nghèo có nguy cơ thiếu đói. Chính vì thế, ngày nay không ai sợ lũ về, ngược lại còn vui mừng vì tìm được nguồn sống từ lũ. Tất nhiên , đó là khi mực nước lũ vẫn nằm trong khả năng điều tiết của con người.

 Khi màn đêm còn chưa tan ,chúng tôi đã xuống vỏ lãi tham gia thả lưới cùng gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Quốc Thái. Trăng 16 lung linh soi bóng nước. Chúng tôi đi giữa đồng mà tưởng chừng giữa biển nước mênh mông.Còn gì thú vị hơn là được một lần đi bắt cá đêm trăng. Tuy vậy , cũng có phần âu lo hồi họp. Trời mà nổi dông gió bất thình lình thì không biết phải xoay sở ra sao khi mà ghe đã xa bờ khoảng hơn cây số. Nhìn đâu cũng thấy toàn là nước. Nghe kể mới vài hôm trước đây, có hai mẹ con bị lật xuồng và không kịp vào bờ trong cơn dông gió lớn. Không chỉ riêng chúng tôi mà ngay cả người dân từng sống chung với lũ cũng lo ngại chuyện nầy. Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi xem như may mắn vì thời tiết thuận lợi. Đúng hơn là đã xem kỹ dự báo thời tiết từ tối qua.

Khuya nào cũng vậy, cứ khoảng 4 giờ sáng là anh Hoàng và những người thân lại ra khơi. Giống như nhiều gia đình khác, hay tin nước lũ về , gia đình anh  mua sắm ngay các loại ngư cụ phù hợp với địa bàn  và loại thủy sản muốn đánh bắt , chuẩn bị cho cuộc làm ăn mùa lũ. Công việc nầy giúp anh và nhiều người vừa có nguồn cá để làm mắm, phơi khô, vừa kiếm thêm thu nhập. Sau khi thả lưới xong ,anh Hoàng và đứa cháu lại thay phiên nhau cuốn phần lưới đã thả đêm hôm trước để kịp bán buổi chợ sáng nay. Đứa cháu của anh Hoàng chừng 12, 13 tuổi cũng rất thành thạo công việc, khi thì cuốn lưới, lúc lại giữ lái ghe cho anh Hoàng.

Công việc của họ tuy không nặng nhọc, nhưng có phần vất vả. Tuy là tặng phẩm của thiên nhiên nhưng cũng đâu dễ ngồi không mà có được.

Một buổi sáng ở vùng nước lũ với những hình ảnh thật nhiều cảm xúc. Chúng tôi quay vào bờ khi mặt trời đã mọc phía trời xa.Ngược hướng chúng tôi, có một nhóm người lại tiếp tục ra khơi.Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhiều người còn tranh thủ mùa nước nổi để nuôi cá, nuôi tôm, nuôi lươn v.v..

Gia đình anh Dũng ở Vĩnh Hội Đông không có đất đai nhiều, chỉ khoảng vài trăm mét vuông mặt nước cũng thả nuôi được vài ngàn con cá lóc . Ước tính kiếm lãi được vài triệu. Nguồn thức ăn  trong vụ cá mùa nước nổi nầy chính là cá linh. Những năm lũ kiệt, cá linh trở thành đặc sản trong nhà hàng thì người  nuôi cá lóc cũng gặp nhiều khó khăn. Năm nay cá linh theo nước lũ về nhiều, cũng là điều kiện thuận lợi giúp nhiều hộ nuôi có thêm hy vọng.

Vào mùa nước nổi, nhiều người dân tận  dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng các loài thủy canh như bông súng, rau nhút, ấu, sen…Không phải chỉ vùng Đồng Tháp Mười mới có nhiều sen. Ở đây, chúng tôi bắt gặp những đồng sen  mênh mông đang vào mùa thu hoạch.

 

          Những người dân ở địa phương chống xuồng đưa chúng tôi đi thu hoạch sen. Nhìn cách người ta chống xuồng, chúng tôi liên tưởng đến những hình ảnh trong phim Cánh đồng hoang của đạo diển Hồng Sến. Nhưng điều khác biệt là chúng tôi không phải đi giữa cánh đồng hoang trong tầm quần thảo của máy bay địch, mà là giữa rừng hoa sen ngan ngát hương thơm.

        Một phong cảnh thật đẹp và yên bình.

          Ngoài những nguồn lợi và lợi thế trên, lũ về đúng chu kỳ sẽ ngăn chặn được tình trạng xâm nhập mặn, bồi đắp phù sa, rửa sạch  ruộng đồng …Điều đó lý giải vì sao người đồng bằng lại mong lũ về đến vậy . Khi mực nước lũ còn trong vòng kiểm soát , mọi công tác ứng phó với lũ được chủ động thực hiện, các phương án bảo vệ đê bao, hoa màu được chuẩn bị chu đáo,  thì sống chung với lũ là giải pháp khôn ngoan của cư dân đồng bằng.

         Tuyết Mai 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *