Bên bờ hạnh phúc

Những năm gần đây, đời sống vật chất tinh thần đồng bào Khơ-me tỉnh Vĩnh Long đã được nâng lên đáng kể. Đây không chỉ là kết quả từ sự đầu tư kinh phí của nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cho các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống mà còn là sự nỗ lực lớn của tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động hỗ trợ giúp đỡ xóa đói giảm nghèo trong đồng bào Khơ-me.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 4.800 hộ gia đình người dân tộc Khơ-me, với gần 24.000 nhân khẩu, chiếm 2,26 % dân số. Đây cũng là dân tộc thiểu số có số người đông nhất tỉnh. Đồng bào Khơ-me sống tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu thuộc 4 huyện : Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh và Vũng Liêm nên cuộc sống đa phần đều gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khơ-me chiếm trên 53%. Trong đó có 5% hộ gia đình không có đất ở, 2% hộ không có nhà ở và trên 18% hộ không có đất sản xuất. 

 

 
Đời sống đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao hơn. Ảnh minh họa

Từ khi chương trình “Xóa đói giảm nghèo” được triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thì đời sống bà con Khơ-me của Tỉnh đã có sự chuyển biến đáng kể. Tổ chức mặt trận và các đoàn thể, mà nòng cốt là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đã thành lập rất nhiều tổ, nhóm tương trợ giúp nhau làm kinh tế  gia đình. Nhiều hộ nghèo đã được các đoàn thể bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đồng thời còn được hướng dẫn cách thức làm ăn có hiệu quả. Như trường hợp anh Sơn Thoen. Do không có vốn làm ăn nên trước đây gia đình anh luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi Hội Nông dân ấp Phù Ly 1 bảo lãnh cho anh được vay 7 triệu đồng để chăn nuôi bò thì cuộc sống gia đình anh không còn khó khăn như trước.

Ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, huyện Bình Minh có 343 hộ gia đình người dân tộc Khơ-me. Hai năm trước, trong ấp có gần phân nửa số hộ thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, chưa biết phương cách làm ăn. Nhưng đến nay, toàn bộ số hộ này đã vươn lên thoát nghèo, ổn định được cuộc sống nhờ sự tương trợ giúp đỡ từ hội nông dân. Đây cũng là ấp Khơ-me đầu tiên được công nhận đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới. Trong đó, tiêu chí xóa đói giảm nghèo luôn được tổ chức mặt trận và các đoàn thể quan tâm thực hiện.

Hai năm qua, các đoàn thể tỉnh Vĩnh Long đã bảo lãnh cho hơn 5.000 lượt hộ Khơ-me nghèo được vay, với tổng số vốn trên 4 tỷ đồng để làm kinh tế gia đình. Tổ chức Mặt trận và các đoàn thể còn vận động bà con thay đổi tập quán canh tác từ 1 vụ lúa chuyển sang hai vụ kết hợp với trồng màu, đồng thời hỗ trợ bà con mở rộng chăn nuôi, trồng nấm rơm, phát triển các ngành nghề truyền thống, như đan đát, làm cốm dẹp.. Bằng những hoạt động gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân, các tổ chức đoàn thể đã được đồng bào Khơ-me tin tưởng.

Công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc còn được tỉnh Vĩnh Long lồng ghép với việc triển khai thực hiện chương trình 134 của Chính phủ về hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào Khơ-me. Trước đây, cả nhà anh Thạch Thiêng phải nương náu trong một căn chòi dột nát, siêu vẹo, trong khi gia đình thì không đủ tiền sửa chữa. Qua bình chọn, đề xuất của tổ chức Mặt trận và các đoàn thể xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, mới đây, anh được cất một căn nhà đại đoàn kết khang trang.

Đối với số hộ không có đất cất nhà, tổ chức Mặt trận và các đoàn thể cũng vận động thân tộc theo phương châm “nhường cơm xẻ áo” tặng 148 nền nhà cho đồng bào Khơ-me nghèo với diện tích hơn 7.500 mét vuông. Một mặt, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí 340 triệu đồng mua nền nhà và bố trí cho bà con vào ở trong khu dân cư vượt lũ. Căn nhà Anh Thạch Ruôl – ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn – cũng được cất lên từ nghĩa cử cao đẹp “nhường cơm xẻ áo”. Giờ thì gia đình anh không còn cái cảnh ở nhờ, ở đậu nhà người khác.

Trên 2.779 hộ gia đình Khơ-me nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được tỉnh xây cất nhà đại đoàn kết với tổng chi phí lên đến 19 tỷ đồng. Mỗi căn nhà được hỗ trợ 7 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng, vốn địa phương hỗ trợ 2 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức Mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ cũng tham gia hỗ trợ cất thêm hàng ngàn căn nhà đại đoàn kết cho bà con. Nhờ vậy, đến nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết dứt điểm nhà dột nát cho đồng bào Khơ-me. Kết quả đáng phấn khởi này không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là sự nỗ lực lớn của tổ chức mặt trận và các đoàn thể đã tích cực tham gia điều tra, khảo sát nắm hộ nghèo, tổ chức bình nghị đúng đối tượng được thụ hưởng chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở của nhà nước.

Các cấp chính quyền, tổ chức Mặt trận và các đoàn thể tỉnh Vĩnh Long cũng luôn chú trọng chăm lo đời sống, sinh hoạt của người dân Khơ-me. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã tập trung đầu tư 17 tỷ đồng xây dựng 4 trạm cấp nước tập trung ở các Tân Mỹ, Trà Côn thuộc huyện Trà Ôn, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình và xã Đông Bình, huyện Bình Minh với công suất mỗi trạm từ 600 đến 960 mét khối/ ngày đêm. Tổng chiều dài đường ống của các công trình này hơn 98 km, đảm bảo cung cấp nước máy cho gần 70.000 hộ dân, trong đó có gần 45.000 hộ đồng bào Khơ-me. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép thực hiện một số dự án nước sinh hoạt của các tổ chức phi chính phủ, xây dựng 5 trạm cấp nước tập trung với kinh phí 3,4 tỷ đồng, hỗ trợ lu chứa nước cho hơn 960 hộ sống phân tán với kinh phí gần 482 triệu đồng. Bên cạnh đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước tập trung từ phía chính quyền, tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền vận động đồng bào Khơ-me thay đổi tập quán không sử dụng nước kênh rạch ô nhiễm mà sử dụng nước máy trong sinh hoạt hợp vệ sinh hơn. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ dân tộc Khơ-me toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt trên 80%.

Mấy năm gần đây, số hộ nghèo trong vùng dân tộc Khơ-me đã giảm dần. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo còn 39%. Đời sống vật chất tinh thần bà con Khơ-me đã được nâng lên. Bộ mặt nông thôn các xã, các ấp có đông đồng bào Khơ-me sinh sống ngày càng được đổi mới. Chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khơ-me nói riêng, là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương này đang được thực hiện có hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Long.

Trong quá trình nỗ lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào Khơ-me, tổ chức Mặt trận và các đoàn thể ngày càng được củng cố. 100% ấp khóm trong vùng đồng bào dân tộc đều có các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đang phát huy và nâng cao được vai trò của mình. Sự đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động của tổ chức Mặt trận và các đoàn thể đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Kết quả đánh giá năm 2009, có trên 80% tổ chức Mặt trận, đoàn thể ở các xã có đông đồng bào dân Khơ-me đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức yếu kém. Cán bộ mặt trận, đoàn thể đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cho thực lực chính trị ở các xã có đông đồng bào Khơ-me ngày càng vững mạnh.

Có thể nói, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tổ chức Mặt trận và các đoàn thể đã tập hợp được đông đảo đồng bào Khơ-me tham gia. Đây là nguồn lực to lớn tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Bằng mọi phương cách, mọi nỗ lực của mình, tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Vĩnh Long đang quyết tâm ra sức nỗ lực phấn đấu, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cao hơn chương trình giảm nghèo trong đồng bào Khơ-me, để làm cho phum sóc ngày càng khởi sắc.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *