Đến thăm gia đình ông Trương Phú Quốc – ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang – chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên và khâm phục bởi tinh thần cần cù lao động của vợ chồng ông.
Ông Trương Phú Quốc |
Xuất thân trong gia đình nông dân, tuy nhiên, vợ chồng ông đều là nhà giáo. Lương công chức thời bao cấp không đủ để ông bà gánh vác gia đình có đến 5 đứa con. Được cha mẹ 2 bên cho 5 công ruộng, ông bà nghỉ công tác, bắt tay làm nghề nông. Vừa làm ruộng, vừa nuôi heo để tăng gia sản xuất, đến năm 1990, ông mở dịch vụ sấy lúa, vậy là gia đình có thêm một nguồn thu nữa. Cứ thế dành dụm, mua thêm đất đai, đến nay, gia đình ông Quốc đã có gần 60 công ruộng. Trong đó, 5 ha dùng sản xuất lúa, hơn 8 công còn lại nuôi cá rô đầu vuông, lợi nhuận hàng năm rất khá.
Vài năm trước, thấy nhiều nơi bà con nuôi cá rô thu nhập cao, mau làm giàu, ông Trương Phú Quốc cũng đào ao nuôi cá rô. Lúc đó, ông chỉ nuôi giống cá rô thông thường như bao người khác, nhưng nuôi 3 vụ thì có một vụ lỗ vốn, lãi ít – lỗ nhiều. Trong lúc muốn bỏ nghề, tình cờ ông gặp một người bạn tại địa phương nuôi một loại cá rô vừa lớn nhanh, vừa ít hao hụt, ông đến mua gần 100 con về làm giống nuôi thử. Nuôi càng lớn thì mới thấy rằng phần đầu của cá hơi vuông, khác với cá rô thông thường. Từ đó, bà con gọi đó là cá rô đầu vuông.
Nuôi cá rô đầu vuông cho hiệu quả kinh tế khá |
Tháng 6 năm 2009 là thời điểm ông Quốc bắt đầu nuôi cá rô đầu vuông và cho nhân giống. Do được học qua lớp đào tạo nghề nông thôn về phương pháp nhân giống, ông Quốc cho cá sinh sản rất thành công, thu được nguồn con giống đạt yêu cầu với số lượng khá lớn. Đầu năm 2010 là vụ thứ 2 ông thả nuôi với diện tích mặt nước khoảng 6.000 mét vuông. Sau gần 4 tháng đã đến ngày xuất bán, theo ước tính của ông sẽ thu về trên 20 tấn cá thịt. Với giá thị trường hiện nay, ông thu lãi vài trăm triệu đồng là chuyện trong tầm tay. Đó là chưa kể đến việc ông tuyển những con đạt tiêu chuẩn cá bố mẹ để bán con giống cho nhiều hộ nuôi khác từ khắp các tỉnh trong khu vực.
Hiện nay, bước đầu có thể nhận thấy, cá rô đầu vuông đang có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con. Ở địa phương, ban đầu chỉ vài hộ nhưng hiện thời đã có hàng trăm hộ nuôi loại cá này. Ngành Nông nghiệp địa phương đang tiến hành đăng ký thương hiệu độc quyền con cá rô đầu vuông này với tên gọi “cá rô Hậu Giang”. Vậy là nhà nước và nhà khoa học đang vào cuộc, giống cá rô đầu vuông có hy vọng được bảo tồn và phát triển chất lượng con giống tốt hơn, ổn định hơn.
Mỹ Hạnh