Bên bờ hạnh phúc

Ở miền quê nghèo thuộc vùng sông nước Miệt thứ, tỉnh Kiên Giang, hầu hết những đứa trẻ sinh và lớn lên ở đây đều thành thục trong việc cắm câu, giăng lưới từ rất sớm để phụ giúp gia đình. Chỉ cần chịu khó lặn lội đi nhiều cánh đồng, hay những con rạch xa xôi, vậy nên việc kiếm cá không quá khó khăn, thế nhưng chuyện học hành đối với các em thì không hề dễ. Đường đến trường thì xa xôi và vì bận mưu sinh mà nhiều em hoàn toàn không có khái niệm đi học, hay có em phải dang dở việc học giữa chừng.

Video clip chương trình Thắp sáng niềm tin – Kỳ 305: Em Nguyễn Văn Mộng

Khi chúng tôi tìm đến ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, thuộc huyện An Biên theo lời ngỏ của Ban giám hiệu trường THPT An Biên để tìm hiểu về câu chuyện vượt khó của em học sinh nghèo Nguyễn Văn Mộng, thì em vừa hoàn thành xong kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia của mình và đang chờ xét tuyển vào Đại học. Với nhiều học sinh, để vượt qua cột mốc quan trọng này sau 12 năm đèn sách đã là một nỗ lực đáng khen, thì với cậu học trò này, sự nỗ lực của em phải gấp nhiều lần trong điều kiện khó khăn như vậy.

Đầu tiên phải kể đến những ngày Mộng bắt đầu làm quen với con chữ. Đó là khi ở địa phương mở lớp phổ cập chống mù chữ cho những đứa trẻ quê và Mộng chính thức bước vào lớp 1 ở cái tuổi 14. Nhưng việc học chưa bao giờ là muộn với những ai có niềm say mê và quyết tâm. Quá trình tiếp theo đó, Mộng đã tự mình vượt qua biết bao gian nan, vất vả khi hằng ngày em phải vừa học, vừa đi cắm câu để kiếm thêm. Điều kiện học tập cũng thiếu thốn trăm bề vì quãng đường từ nhà đến trường gần 20 cây số, hay nhiều đêm phải học bài dưới ánh đèn dầu vì lúc đó nhà chưa có điện. Thế nhưng, em vẫn nỗ lực học tốt tất cả các môn, là học sinh đặc biệt được thầy cô cho học vượt lớp nhiều lần. Và kết quả: chỉ duy nhất có Mộng là học sinh phổ cập, xóa mù chữ ở xã Tây Yên trúng tuyển vào trường THPT công lập của huyện An Biên. Khoảng thời gian rèn luyện tiếp theo ở những năm cấp 3 cũng là lúc gia đình rơi vào cảnh thắt ngặt, nhưng rồi Mộng cũng mạnh mẽ vượt qua theo cách riêng của mình.

Giăng câu, lội ruộng, nhận đất thùng…tất cả Mộng đều thành thạo bởi em sớm phải lao động, giúp đỡ gia đình

Căn bệnh tâm thần mãn tính đã hành hạ em gái của Mộng nhiều năm qua. Em không tự chủ trong hành động của bản thân nên phải có người cận kề chăm sóc. Vì muốn thoát nghèo, có lúc vợ chồng ông Nguyễn Văn Dừa – ba mẹ của Mộng – dự định theo người quen lên Bình Dương làm công nhân để tích góp một số vốn khi trở về, nhưng vì không ai chăm sóc con gái nên đành ở nhà và quanh quẩn với những công việc làm thuê. Dù không ngại nặng nhọc nhưng việc ở quê thì không thường xuyên nên cuộc sống cứ bấp bênh, cái nghèo, cái khó vẫn mãi đeo bám gia đình.

Đến từng tuổi này, bản thân ông Dừa và bà Khanh đều không biết đến một chữ cắn đôi, do đó, ước mơ lớn nhất trong đời của ông bà là cho con được đi học. Mỗi tấm giấy khen về thành tích học tập của Mộng, mỗi lời khen ngợi của thầy cô dành cho em đều là niềm tự hào của người làm mẹ làm cha này, dù có lúc, ông bà cũng gần như rơi vào bế tắc vì không biết làm sao để có tiền cho con đi học, không biết sức khỏe có còn gắng gượng được đến đâu khi mấy năm nay, ông Dừa bị chứng bệnh thần kinh tọa hành hạ khiến hai chân teo nhỏ không thể lao động nặng.

Bắt đầu đi học rất muộn nhưng Mộng luôn có thành tích tốt và nhiều lần được xét vượt lớp

Nhớ lại khoảng thời gian đầu ở lớp phổ cập, môn học ấn tượng nhất với Mộng là môn Toán. Vì từ đó mà em ý thức được rằng mọi việc trong cuộc sống tương tự một bài toán, nếu tính sai ngay từ những phép tính đầu tiên, thì những bước sau đó đều bị ảnh hưởng. Trước những lựa chọn cho tương lai, em đã xác định: con đường vươn lên bằng học tập là phép tính đúng đắn nhất để em từng bước thực hiện ước mơ của mình. Lựa chọn tiếp theo của Mộng là được vào học ngành Sư phạm, trường ĐH An Giang vì phù hợp với hoàn cảnh gia đình lúc này và trường cũng gần nhà, để em có điều kiện chăm sóc cho ba mẹ và em gái.

Gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần và là động lực cố gắng của Mộng trong suốt thời gian qua, ngược lại, bắt đầu từ năm học lớp Bốn, khi ba phát bệnh thì Mộng đã thay ba làm chỗ dựa cho các thành viên trong gia đình. Ngoài việc đi bắt cá, Mộng còn đi làm đất cho người ta để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo chạy chữa bệnh cho ba cùng em gái. Nhiều lần chứng kiến Mộng bị ngất xỉu trong giờ học vì cơ thể suy nhược do lao động và ăn uống thiếu thốn, thầy cô, bạn bè ở trường đều xót xa nhưng từ đó cũng thầm cảm phục ý chí phấn đấu, miệt mài trong lao động và học tập của cậu học trò nghèo. Tất cả mọi người đều mong rằng, những điều tốt đẹp sẽ đến với em. 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Văn Mộng, học sinh lớp 12A7, trường THPT An Biên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Đ/c: ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *