Trở lại An Giang vào những ngày cuối tháng 8, những người thực hiện chương trình TTGC đến thăm 1 huyện vùng biên thuộc khu vực Tứ giác Long Xuyên – huyện Tri Tôn. Trở mình mạnh mẽ từ vùng đất hoang hóa, phèn chua, giờ đây Tri Tôn đã khoác lên mình màu áo mới…
Thế nhưng nơi đây đâu đó vẫn còn những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi, khiếm khuyết và trong đó có gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, người đàn ông khuyết tật 2 chân, cột sống cong vẹo từ sau căn bệnh sốt bại liệt năm 3 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước.
Miệt mài học tập suốt 2 năm, anh Toàn nhận về cho mình chứng chỉ nghề loại giỏi. Mang niềm yêu thích mạnh mẽ với nghề, anh trở về nhà mở tiệm điện tử nhỏ những mong gánh vác phần nào gánh nặng áo cơm cho gia đình. Thế nhưng đôi chân yếu ớt phải trụ nạng, lại thêm vùng quê nghèo thưa dân, vắng khách, đã khiến hành trình lập nghiệp của chàng thanh niên nhiệt huyết này gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Phải đóng cửa tiệm điện tử tâm huyết vì số vốn lập nghiệp ban đầu đã cạn, anh Toàn quyết định đi làm thuê cho một công ty điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và cũng chính tại nơi đây, bằng ý chí phấn đấu và cần cù trong lao động đã giúp anh Toàn gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với chị Bùi Thị Mỹ Ngọc Hương, người phụ nữ tật nguyền cùng cảnh ngộ.
Hạnh phúc đơm hoa khi con gái Hồng Hạnh chào đời khỏe mạnh, bình an. Đây chính là động lực lớn giúp 2 vợ chồng anh Toàn, chị Hương miệt mài làm lụng không mệt mỏi, cùng nhau vun vén lo cho tổ ấm nhỏ. Thế nhưng biến cố ập đến, năm 2020 mẹ già ở quê đột ngột phát bệnh tai biến rồi qua đời, anh chị quyết định khăn gói trở về An Giang để cận kề chăm sóc cha già ngày càng gầy yếu. Và cũng từ đây anh Toàn bắt đầu hành trình lập nghiệp lại từ công việc sửa điện tử.
Những tưởng khó khăn trong lần trở lại quê nhà làm nghề sẽ khiến anh Toàn chùn lòng nản chí, bởi số tiền dành dụm, chắt chiu của cả 2 vợ chồng suốt hơn 5 năm bôn ba làm công nhân đã chẳng còn, vì phải lo chạy chữa bệnh tình cho mẹ. Thế nhưng bằng quyết tâm trở thành trụ cột gánh vác gia đình, anh Toàn kiên trì bám trụ với nghề và không ngại vất vả, anh đổi mới cách làm để có thêm nguồn khách
Anh Toàn có công việc sửa chữ dạo tạm ổn để duy trì cuộc sống thế nhưng con đường mưu sinh của chị Hương thì lại gặp không ít khó khăn, chị mãi vẫn chưa thể tìm được công việc phù hợp. Thỉnh thoảng chị nhận các công việc thuê mướn gần nhà với hi vọng phụ giúp chồng vơi đi phần nào vất vả.
Vậy là đều đặn mỗi ngày, trên cung đường quen thuộc dọc bờ kênh T5, bà con ở ấp Vĩnh Thành đã quen với hình ảnh một người thợ khuyết tật nghèo gắn mình bên chiếc xe 3 bánh cũ mòn để nhận sửa điện tử dạo mưu sinh, lo cho gia đình.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, đồ nghề hơn 10 năm vẫn chưa một lần được thay mới, con gái nhỏ lại đang tuổi ăn, tuổi học, sức khỏe của cha già ngày càng sa sút và hơn hết mái nhà tôn che mưa, tránh nắng của gia đình hơn 20 năm đã xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng tin rằng chỉ cần anh Toàn luôn giữ cho mình niềm tin yêu với nghề, và ý chí không đầu hàng nghịch cảnh thì khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời và phía trước của gia đình sẽ là con đường đầy nắng ấm.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ Anh Nguyễn Văn Toàn, vui lòng liên hệ theo địa chỉ:
1. Anh Nguyễn Văn Toàn (1987), Bùi Thị Mỹ Ngọc Hương (1982), ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. 2/ Chương trình Thần tài gõ cửa – Đài PTTH Vĩnh Long, 50 Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo: Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long Số TK: 111.000.034.669 tại NHTMCP Công thương Chi nhánh Vĩnh Long |
Kim Pha