Bên bờ hạnh phúc

Vất vả tha phương tìm nơi làm việc bằng nghề mát- xa, 2 mảnh đời khiếm khuyết vô tình gặp nhau giữa đất Sài Gòn hối hả. Để rồi, anh Nguyễn Văn Lượm và chị Nguyễn Thị Cẩm Duyên cùng nhau xây dựng tổ ấm trong căn phòng nhỏ nương nhờ chùa Kỳ Quang tại quận 12 với niềm hy vọng mở cửa tiệm xoa bóp cho riêng mình.

Đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng từsau cơn sốt phát ban khiến tuổi thơ anh Lượm đong đầymặc cảm. Đến tuổi 15, anh rời quê Tây Ninh lên Sài Gòn học chữ nổi nhưng chưa đầy 2 năm sau cha mẹ lần lượt qua đời… Phận mồ côi không nơi bám víu, anh đành tiếp tục nương nhờ chùa,cũng là nơi dạy nghề đáng tin cậy cho người khuyết tật ở TPHCM, gắng sức theo học công việc mat- xa với ước vọng tự nuôi thân. Được học bài bản từng đường di tay, bấm huyệt từ các bác sĩ ở đại học Y dược TP HCM mà chùa nhờ đến giảng dạy, thêm bản tính sáng dạ nên chỉ sau 3 tháng, anh Lượm đã được cấp chứng chỉ. Hơn mười năm gắn bó với nghề, dù làm cho cơ sở hay đi mát- xa dạo, anh đều ân cần giúp khách hàng hết cơn đau nhức nhờ thao tác thuần thục khi kết hợp xoa, ấn và đấm bóp đầy nhịp nhàng của mình.

Cùng đam mê tìm tòi đường huyệt đặc trị từng chứng mệt mỏi riêng, chị Duyên theo đuổi nghề mat-xa từ thời còn con gái tại trường khuyết tật An Giang. Theo gia đình lên Sài Gòn kiếm sống, bao nhiêu buồn tủi vì đôi mắt khiếm khuyết như được bù đắp khi chị tìm thấy người chồng hiền lành. Dù gặp trở ngại vì không xin được việc làm nhưng nhờ sự tỉ mỉ của mình mà chị vẫn được khách hàng quen tìm đến nhà.

Từng gom góp thuê một chỗ trọ riêng nhưng thu nhập từ việc mat- xa dạo của 2 vợ chồng quá bấp bênh, 1 năm nay anh chị đành quay về chùa xin tá túc tại ngôi nhà chung sống với nhiều gia đình khác. Tranh thủ tận dụng nghề đàn hát học được từ bạn bè thời trẻ, anh Lượm đi đàn hát ban đêm, bán kẹo kéo kiếm thêm đồng lời. Gia tài chỉ có cây ghi- ta cũ và mấy bài hát học lời từ radio cùng với ý chí vượt khó, anh Lượm dặn lòng phải là trụ cột vững chắc cho gia đình.

Với vợ chồng nghèo, có được 1 căn phòng tránh mưa tránh nắng đã là may mắn nhưng nơi ở chật hẹp đến xoay trở, nấu nướng còn khó khăn thì làm sao anh chị dám mơ ước đến việc mở tiệm mat- xa riêng, hay trang bị những thứ đắt đỏ như đồ giác hơi, giường nệm, máy lạnh để làm hài lòng khách hàng.

Không quản đêm muộn, đường xa, mỗi ngày anh Lượm vào trung tâm thành phố đàn hát nhưng đồ nghề hiện tại chỉ vỏn vẹn 1 cây đàn thùng cũ kỷ, anh không thể cạnh tranh với những người có dàn âm thanh tiên tiến. Chưa kể việc phụ thuộc nhiều vào người bạn cho đi nhờ vì anh không có xe, thêm thời tiết thất thường, đồng lời anh Lượm gom góp mỗi đêm đàn hát được chẳng là bao.

Giữa chuỗi ngày tăm tối, nặng lòng vì bài toán mưu sinh, thứ ánh sang duy nhất soi rọi để anh chị thêm sức mạnh không gì khác ngoài tình vợ chồng cùng nhau nương tựa. Bởi họ tin rằng, chỉ cần cố gắng bằng chính đôi bàn tay mình thì tương lai tươi sáng hơn sẽ sớm mở lối…

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Văn Lượm, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *