Bên bờ hạnh phúc

Hình ảnh những triền sông xanh ngát lục bình đã quá thân thuộc với bà con miền Tây. Tận dụng tất cả giá trị mà loài cây vùng sông nước này mang lại, những người thợ lành nghề đã gia công, chặt, phơi, đan thắt để tạo ra từng chiếc lon, chậu, thảm lục bình đẹp mắt. Nghề đan lục bình, từ đó đã trở thành phương kế mưu sinh cho đông đảo bà con vùng sông nước.

Video clip chương trình Vượt qua thử thách – Kỳ 213 (29/01/2016)

Hoàn cảnh gia đình chị Phạm Thị Hoa, ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp 

Lớn lên nhờ vào phù sa ngọt mát của sông nước miền Tây, cây lục bình như một vật phẩm mà thiên nhiên mang đến cho con người để cải thiện đời sống còn lắm khó khăn, thăng trầm. Vận dụng nguồn lợi tự nhiên này, người dân nơi đây đã phát triển nghề đan lục bình thành cứu cánh cho phần đông lao động ở nông thôn, trong đó có chị Hoa. Với đôi chân khiếm khuyết vì cơn sốt bại liệt thuở nhỏ, chị Hoa cố lòng bền vững trong từng bước chân, để làm điểm tựa cho cả nhà bằng tay nghề đan lục bình mà mình học được từ thời con gái.

Đã qua rồi buổi đầu trầy trật với mối thắt ngược xuôi, giờ đây đôi bàn tay khéo léo này đang tỉ mỉ với từng sợi lục bình, cho ra một tấm thảm đẹp mắt trong từng chi tiết. Dây lục bình khô héo, tưởng chừng như vô tri thế nhưng bằng đôi tay nhỏ bé của mình, người thợ khiếm khuyết này đã tạo nên một vật dụng hữu ích cho bao người như một cách chị mang lại niềm tin vững vàng nhất cho cả nhà khi chồng bệnh và 2 con còn thơ dại.

Khéo léo là thế nhưng nghề đan lục bình vẫn chưa mang lại cho gia đình chị Hoa một cuộc sống bớt vất vả hơn bởi nguồn thu nhập bấp bênh và sự đại trà trong công việc của người dân nơi đây. Một ngày mệt mọc vì đôi chân yếu tê cứng và phần lưng đau nhức đổi lại 5 tấm thảm hoàn chỉnh, chị chỉ nhận về cho mình gần 30 ngàn tiền công. Dù ít ỏi, túng thiếu nhưng người mẹ này vẫn bền bỉ với nghề, chỉ mong việc đến trường của Hoa Xuân và Chí Tài sẽ không dang dở ở bước đường tương lai.

Ước mơ nhỏ nhoi của người vợ ấy những ngày đầu dựng xây tổ ấm vẫn chưa thực hiện được vì 10 năm nay anh Như – chồng chị phải đối diện với căn bệnh mụt thịt khắp người. Từng là điểm tựa vững chắc cho vợ con nhưng giờ đây, sự hành hạ của bệnh tật trước hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện để thuốc thang như cắt thêm vào lòng anh những vết thương vì anh chỉ có thể lặn lội để bắt từng con ốc nhỏ kiếm chút tiền phụ vợ vào những ngày cơ thể bớt đau nhức.

Cuộc sống vẫn còn lắm khó khăn nhưng sức khỏe yếu của chồng hay đôi chân tật nguyền của chị không là rào cản để gia đình cùng hướng về một tương lai mới. Hơn ai hết, chị Hoa hiểu rằng, phải đủ nắng thì lục bình mới cho ra những tấm thảm đều màu, bền đẹp cũng như giữa những vất vả hôm nay, phải đủ niềm tin và sự mạnh mẽ thì chị mới có thể đưa gia đình vượt qua cơn khốn khó

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Mai ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Hơn mười lăm năm gầy dựng tương lai nơi mảnh đất Cao Lãnh, vợ chồng chị Mai chỉ mong bằng những ngày băng đồng lội ruộng để bươn chải mưu sinh sẽ giúp gia đình vơi bớt phần nào túng thiếu. Thế nhưng giờ đây, mái tranh nghèo vẫn còn nặng trĩu âu lo bởi 6 năm nay, cháu Nhã Vi – đứa con trai sinh ra với bao niềm mong mỏi bị bệnh bại não nằm liệt một chỗ. Không nói, không cười kể cả tiếng khóc của đứa trẻ lên 6 cũng hiếm hoi càng làm đắng lòng người làm cha mẹ. Cố chạy chữa thuốc thang vậy mà bệnh tình của con vẫn chưa tiến triển thì bất hạnh cứ như con sóng dữ ùa vào mái nhà trống trước hở sau khi anh Lợi – chồng chị Mai sau những năm tháng vất vả mưu sinh khiến căn bệnh thoái hóa cột sống càng thêm trở nặng.

Thương chồng con bệnh tật thế nên dù bị chứng mất ngủ hơn 6 năm ròng phải uống thuốc dài hạn ở bệnh viện tâm thần nhưng chị Mai vẫn gắng gượng dốc hết sức chặt từng khóm lục bình kiếm tiền lo chén cơm manh áo. Suốt ngày lặn lội ở những bến sông, chị nào ngại ngần cái lạnh của những ngày cuối năm khiến da thịt tê buốt mà chỉ mong kiếm được thật nhiều lục bình mang về để dành đan giỏ gia công – công việc mà chị đã học được từ hơn 4 năm nay từ những người hàng xóm tốt bụng.

Bắt đầu với những khó khăn khi sức khỏe không ổn định, việc đan đát còn vụng về khiến những mối thắt còn lỏng lẻo, chưa đều nhưng bằng bàn tay chăm chỉ, siêng năng, giờ đây, chị Mai đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt theo đúng yêu cầu của chủ cơ sở từ những cọng lục bình bé nhỏ. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở việc đan giỏ với kích thước nhỏ, chị mạnh dạn nhận những mặt hàng với kích thước lớn, nhiều kiểu dáng hơn mong nâng cao tay nghề vừa có thêm thu nhập lo chi phí thuốc thang, vừa vun đắp ước mơ học hành cho đứa con gái lớn Như Ý đang bước vào những năm cuối cấp.

Ấp ủ ước mơ thoát nghèo nên dẫu những cơn đau đầu liên tục kéo đến khiến sức khỏe chị Mai ngày một suy giảm nhưng người vợ, người mẹ này vẫn gắng gượng vượt qua bệnh tật của bản thân để gồng gánh gia đình. Trên chiếc xe đạp cũ với vài ba giỏ lục bình được chất ngay ngắn để kịp giao cho chủ, từng vòng xe vẫn lặng lẽ quay đều như chính những cố gắng không mệt mỏi của người phụ này trên chặng đường hướng đến tương lai. Dẫu còn sóng gió, dẫu còn không ít những trắc trở khi chị Mai và chị Hoa đảm đương trọng trách chăm lo cho cả gia đình nhưng còn đó tay nghề và niềm tin là hai chị còn cho mình sức mạnh để vượt qua mọi chập chùng thử thách.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Chị Phạm Thị Hoa, ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp

2/ Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

3/ Chương trình Vượt qua thử thách", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT:0706.250555

4/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Kim Thơ – Tài Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *