Bên bờ hạnh phúc

Trong cuộc hành trình tìm về tỉnh Bến Tre, Vượt qua thử thách đã đến thăm xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm và khâm phục trước sự sáng tạo cùng ý chí lao động bền bỉ của bà con nơi đây với nghề thủ công đan giỏ nhựa. Gắn bó nhiều năm bên những sợi dây thô cứng cùng dao kéo sắt nhọn, 2 người phụ nữ mạnh mẽ của chương trình luôn chịu thương chịu khó làm lụng để thay chồng gồng gánh trách nhiệm trụ cột.

Video chương trình Vượt qua thử thách – Kỳ 232 (10/06/2016)

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, ấp 1, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

3 năm nay bà con ở ấp 1 đã quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ hiền lành, ngày ngày bên chiếc xe máy cũ đi giao giỏ nhựa gia công cho chủ để chăm lo cho cả gia đình.

Từng đi may xí nghiệp ở thành phố Bến Tre nhưng công việc bấp bênh nên chị Hạnh trở về nhà mưu sinh bằng gánh tàu hủ nơi góc chợ. Thế nhưng chuyện mua bán mưa nắng thất thường một lần nữa khiến chị gác lại và chọn nghề đan giỏ nhựa để có thể vừa làm tại nhà, vừa có thời gian chăm sóc cho chồng và con.

Buổi đầu vất vả với dây nhựa cứng cùng bao mối nan phức tạp nhưng người thợ này vẫn kiên nhẫn từng chút để những đường đan được đều và chặt. Vượt qua những trầy trật ban đầu, nhủ lòng phải nâng cao tay nghề hơn nữa, chị tiếp tục hoàn thiện thêm những kỹ thuật đan khó, tạo nên những mẫu mã ưa mắt, khiến người mua chuộng dùng.

Không chỉ tỉ mỉ trong việc làm quai giỏ mà chị còn bện và bính phần dây thừa rất khéo léo. Ngồi cả ngày mới làm xong được 3 chiếc giỏ, nhưng thành phẩm nào ra đời cũng khiến chủ thuê hài lòng vì chị gửi gắm cả cái tâm của người làm nghề vào từng mối dây, nan thắt. Luôn tay với công việc là vậy, tuy nhiên vài ba chục ngàn kiếm được mỗi ngày chỉ đủ để chị trang trải chuyện thuốc thang cho người chồng đang lâm bệnh ngặt nghèo.

Anh Nguyễn Thành Vũ, chồng chị, 2 năm nay luôn phải chịu đựng những lần co giật và tê cứng ở vùng lưng vì căn bệnh thoái hóa cột sống. Tranh thủ lúc khoẻ, anh vay tiền mua dê giống về chăn nuôi, hi vọng chia sẻ phần nào với vợ nỗi lo áo cơm cùng chuyện học hành của Thành Duy và Thành Danh không phải dang ở vì cảnh nghèo khó.

Thương chồng bệnh tật và hai đứa con nhỏ dại, chị Hạnh tranh thủ hoàn thành chuyến hàng gia công thật nhanh, để cuối tuần kịp giao cho chủ. Cuộc sống mưu sinh không hề dễ dàng với người phụ nữ trụ cột nhưng hi vọng với tay nghề đan giỏ cùng niềm tin vào ngày mai vượt khó, rồi mai đây đoạn đường chị bước sẽ thôi gập ghềnh và chông gai.

Hoàn cảnh gia đình chị Phan Thị Hạnh, ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh BếnTre.

Vất vả, lẻ loi từ sau hôn nhân tan vỡ, chị Phan Thị Hạnh luôn vững vàng niềm tin vào tay nghề đan giỏ nhựa để nuôi con khôn lớn.

Đứng dậy sau đổ vỡ hôn nhân hơn 7 năm nay, chị Hạnh bôn ba lên TP HCM tìm việc làm. Thế nhưng cơ hội bấp bênh, chị trở về quê vừa tiện chăm sóc hai con, vừa vun vén lại mái ấm nhỏ khỏi quạnh quẽ, đìu hiu sau bao mùa mưa gió.

Thành Nhân, đứa con trai lớn đang học lớp 7 ước mơ trở thành thầy giáo, còn Chúc Ly – học lớp 4, luôn noi gương anh siêng năng, chăm chỉ mỗi ngày. Hai đứa trẻ thơ đã sớm hiểu được sự thiếu thốn khi không có cha cận kề nên lúc nào cũng ngoan ngoãn để mẹ yên lòng làm lụng.

Luôn nghĩ về con để làm niềm tin vượt khó, chị Hạnh mạnh dạn nhận nan nhựa về gia công để lấy đồng lời cho 2 con ăn học. Tuy sức khỏe yếu ớt vì chứng suy nhược cơ thể nhưng người thợ này vẫn ngồi hàng giờ để luồn dây, siết nút kĩ lưỡng. Bởi hơn ai hết chị hiểu rằng, mái ấm giờ chỉ còn chị là điểm tựa duy nhất.

Từ khâu đan thắt đến cắt dây, ở công đoạn nào chị cũng thật cẩn thận để sản phẩm làm ra không bị lỗi, móp méo hay lỏng vành. Tận tụy làm việc không ngơi nghỉ nhưng những đợt hàng gia công thường xuyên không đều đặn, nên nguồn thu nhập hai, ba chục ngàn mỗi ngày khiến đời sống 3 mẹ con lâm vào chật vật.

Ngôi nhà không có bàn tay người đàn ông trụ cột càng khốn khó hơn khi một mình chị phải lo lắng trong ngoài. Thế nhưng bằng tình yêu thương và sự mạnh mẽ của một người mẹ chưa bao giờ đầu hàng nghịch cảnh, chị Hạnh tin rằng, nỗi đau nào rồi cũng sẽ chóng qua, mái lá dột xiêu nào rồi cũng sẽ lành lại, quan trọng nhất là chị luôn miệt mài cùng nghề đan giỏ trên chặng đường vượt khó ở tương lai.

Tài Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *