Bên bờ hạnh phúc

Rời đồng bằng, Chuyến xe nhân ái vượt hơn 100 cây số tìm đến một huyện miền núi – thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nằm gần biên giới Tây Nam, Ba Chúc là thị trấn vùng biên có nhiều đồi núi, đất đai cằn cỗi nên mỗi năm chỉ trồng được mấy vụ sắn, khi được giá khi thất mùa. Dừng chân ở nơi đây, Chuyến xe nhân ái đã gặp gỡ và chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó có 4 hộ gia đình khó khăn nhất do biến cố tai nạn, bệnh tật, mất mát người thân hay làm ăn thua lỗ.

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 278: Thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Gia đình bà bà Huỳnh Thị Ấu ở khóm An Định A

Bà Huỳnh Thị Ấu ở khóm An Định A năm nay đã bước sang tuổi 60 nên anh Đoạn – con trai bà – trở thành lao động duy nhất trong gia đình. Tuy nhiên, sau lần gặp tai nạn giao thông, anh đã không còn sức làm lụng, sức khoẻ dần suy yếu.

Từng vất vả đi làm thuê để nuôi mẹ già, cho đến khi bị tai nạn xe không còn sức làm lụng, anh Đoạn chuyển qua chăn vịt chạy đồng khắp nơi, để gởi tiền về cho mẹ nuôi 2 đứa cháu nhỏ là con của người chị đi làm ở xa. Tất cả số tiền có được từ công việc làm thuê anh đều gửi về cho gia đình. Trong thâm tâm, anh luôn ấp ủ một ước mơ một ngày nào đó có thể dành dụm được một số tiền, nuôi được bầy vịt của riêng mình…nhưng biết đến bao giờ.

Gia đình anh Chau Hanl, khóm An Bình

Vợ chồng anh Chau Hanl là người dân tộc Khơ Me. Tuy chí thú làm lụng nhưng sau nhiều lần làm ăn thất bát thì gia đình anh Hanl lâm vào cảnh trắng tay. Cảnh nhà khó khăn nhưng chưa một lần nghĩ phải cho con thôi học, vợ chồng anh Hanl luôn hy vọng tương lai của con sẽ không còn cơ cực như đời mình.

Gia đình Dương Văn Thừa khóm An Bình

Vợ chồng anh Thừa chị Đễ ra riêng không vốn liếng, anh Thừa lại khuyết tật chân vì sốt bại liệt, nên chặng đường khởi nghiệp của đôi vợ chồng này luôn trắc trở, gian nan. Thời gian đầu, anh Thừa lặn lội lên chợ Ba Chúc học sửa xe đạp rồi về quê nhà mở ra cái tiệm sửa xe đạp từ số tiền vay mượn của bà con hàng xóm cùng tiền dành dụm từ công việc làm thuê của chị Đễ. Thời gian sau hết vốn, hết phụ tùng để thay thì tiệm sửa xe của chồng ngày một ế ẩm vì thiếu vốn nên công việc đi làm mướn bấp bênh của chị Đễ, trở thành nguồn thu nhập chính trang trải trong nhà và lo cho 2 đứa con thơ dại.

Ao ước có tiền mở rộng tiệm sửa xe để công việc làm ăn ổn định hơn lo cho 2 con, chính là động lực để đôi vợ chồng này bươn chải nhiều hơn trên chặng đường mưu sinh phía trước.

Gia đình Bùi Thị Sang, khóm Thanh Lương

Chị Bùi Thị Sang ở khóm Thanh Lương là một người mẹ đơn thân, hằng ngày lam lũ bên công việc bán giấy tiền vàng mã nơi sạp hàng nhỏ ở góc chợ, để nuôi con từ khi chồng lâm bệnh rồi qua đời.

Rời quê chồng trở về bên mẹ ruột, cảnh mẹ góa con côi, 3 mẹ con chị Sang cũng không có nổi một mái nhà để che nắng che mưa. Thương con lớn lên trong thiếu thốn, người mẹ này lại dốc sức làm lụng, mong muốn cho 2 con gái cuộc sống đủ đầy hơn.

Hồng Ngân 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *