Bên bờ hạnh phúc

Có tìm đến để lắng nghe, chia sẻ, những người thực hiện chương trình mới thấu hiểu hết khát khao có được mái ấm lành lặn giữa bao bộn bề thiếu thốn của bà con nghèo là lớn lao, cấp thiết đến như thế nào. Bởi cuộc sống chật vật với công việc làm thuê bấp bênh, nỗi lo bệnh tật và chuyện học hành của các con vẫn còn nặng gánh, nên ước mơ về 1 nơi an cư ổn định vẫn là trăn trở từng đêm. 

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 211: Xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm

Gia đình bà Võ Thị Lẹ, ấp Tân Xuân

Hơn nửa đời lam lũ mưu sinh để nuôi dạy các con nên người, đến nay khi đã tuổi cao sức yếu, bà Võ Thị Lẹ chỉ biết trông nhờ vào sự đùm bọc của vợ chồng người con trai út trong cảnh nghèo khốn khó.

Bà Võ Thị Lẹ sống chung với gia đình người con trai út. Cả gia đình chỉ có 1 lao động chính với nghề phụ hồ

Là trụ cột gia đình với công việc phụ hồ vất vả, anh Nguyễn Văn Thống – con trai bà Lẹ – vẫn từng ngày cố gắng làm lụng để lo lắng cho một gia đình 5 thành viên và để 2 con thơ được nối dài việc học ở tương lai.

Thương chồng một mình bươn chải nên chị Nguyễn Thanh Thúy – vợ anh Thống – vẫn ngày ngày tất bật với những công việc đồng áng để phụ chồng gánh vác gia đình. Chăm lo cuộc sống và chuyện học hành của các con đã khó khăn nên đến nay ước mơ sửa sang lại mái nhà đã nhiều năm xiêu dột vẫn còn là nỗi trăn trở lớn với anh chị.

Gia đình ông Thạch Ba Lý, ấp Xuân Minh 2

Không còn đi lại được vì căn bệnh suy tim và lao phổi bất ngờ ập đến cách đây 10 năm, thế nhưng với ông Thạch Ba Lý, những giày vò của bệnh tật vẫn không nặng lòng bằng nỗi xót xa khi từng ngày nhìn thấy đôi vai vợ trĩu nặng những âu lo vì chuyện nợ nần, cơm áo. 

Ông Lý và bà Tiệp

Mang trong người căn bệnh tiểu đường nhiều năm, không thể tiếp tục làm thuê nặng nhọc, bà Sơn Thị Tiệp – vợ ông Lý – chắt chiu dành dụm số tiền bán tạp hóa ít ỏi như là cách để chăm lo cho gia đình và cưu mang 3 đứa cháu thơ sớm thiếu vắng tình thương cha mẹ.

Một mình gồng gánh lo toan khi số tiền người con trai đi làm xa gửi về không đủ để trang trải bao khoản trong ngoài, nên bao nhiêu năm qua, bà Tiệp vẫn chưa dám mơ về một nơi an cư vững chãi.

Gia đình bà Trần Thị Rỡ, ấp Xuân Lộc

Thương 2 cháu nhỏ sớm thiếu vắng vòng tay mẹ nên gần 14 năm qua, bà Trần Thị Rỡ vẫn ngày ngày lặn lội khắp các nẻo đường bán từng tờ vé số, mặc cho căn bệnh suy tim đang hành hạ để đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Bà Rỡ đi bán vé số để nuôi 2 đứa cháu nhỏ

Tuổi thơ lớn lên trong sự bảo bọc của bà khi cha bôn ba đi làm ở xa, 2 đứa trẻ phải dang dở chuyện học hành, sớm làm quen với những công việc làm thuê đỡ đần cho người bà tuổi đã xế chiều, với niềm hy vọng về một ngày mai khi cuộc sống gia đình ổn định hơn, các em lại được tiếp nối giấc mơ đèn sách.

Cuộc mưu sinh với 3 bà cháu vẫn chưa một ngày nhẹ gánh nên dù đã mấy mùa mưa qua, ngôi nhà nhỏ với mái dột cột xiêu vẫn chưa một lần được thay mới, khiến nỗi lo an cư cứ trĩu nặng trong lòng các thành viên.

Gia đình chị Hồ Thúy Dung, ấp Xuân Lộc

Một mình nuôi nấng 2 con khi hôn nhân tan vỡ cách đây 3 năm, chị Hồ Thúy Dung hiểu rằng mình phải cố gắng thật nhiều để có thể nuôi nấng 2 con khôn lớn nên người.

Chị Dung một mình nuôi 2 con sau hôn nhân tan vỡ

Sau vụ tai nạn giao thông 6 năm về trước, một bên chân có nguy cơ không thể đi lại được vì đứt dây chằng nhưng ngày ngày chị Dung vẫn lặn lội bán trái cây, những mong kiếm chút tiền lo chuyện áo cơm và dành dụm đủ số tiền hơn 40 triệu để phẫu thuật nối dây chằng ở chân.

Trước bao thử thách, mơ ước của gia đình về một mái nhà lành lặn nhiều năm qua vẫn chưa thể thành hiện thực.

Gia đình chị Thạch Thị Kiều, ấp Phước Lộc

Trở về quê sau nhiều năm bôn ba làm thuê ở tận Bình Dương, chị Thạch Thị Kiều vẫn tất bật với công việc đồng áng để lo cho 2 con thơ được đến trường.

Là trụ cột gia đình với những công việc làm thuê làm mướn, anh Mang – chồng chị Kiều – vẫn từng ngày cố gắng lam lũ nơi những khúc sông để có tiền xoay sở trong ngoài. Đứa con trai lớn thì đi làm phụ hồ mong đỡ đần phần nào cho gia đình trong cảnh khốn khó.

Anh Mang lặn ngụp với những công việc làm thuê vất vả nhưng tiền công chẳng là bao

Thu nhập từ công việc làm thuê bấp bênh theo thời vụ không đủ lo lắng cho 2 con đang tuổi ăn học nên gia đình cứ mãi thiếu trước hụt sau. Chính vì thế, một mái nhà lành lặn che nắng che mưa đến giờ với anh chị vẫn còn là mơ ước xa xôi.

Gia đình chị Thạch Thị Đẹp, ấp Trung Trạch

Nên duyên sau một lần hôn nhân tan vỡ, anh Chinh, chị Đẹp nhủ lòng sẽ cùng vun vén cho tổ ấm và nuôi dạy các con nên người. Thế nhưng, công việc phụ hồ bấp bênh cùng những âu lo về 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn khiến cuộc sống gia đình còn nhiều túng thiếu. 

Cảnh nhà càng khó khăn hơn khi chị Đẹp phát bệnh suy tim nhưng vẫn chưa có điều kiện thăm khám và chạy chữa đến nơi đến chốn. Thế nhưng, tranh thủ những lúc khỏe, chị lại nhận làm những công việc thời vụ để san sẻ cùng chồng gánh nặng áo cơm.

Trang trải cho con từng bữa cơm no đã là tất cả sự cố gắng của người làm cha làm mẹ trong cảnh nghèo khó, nên làm sao anh chị dám mơ có thể dựng xây lại mái nhà lành lặn kín đáo khi mùa mưa gió đã gần kề.

Hồng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *