Bên bờ hạnh phúc

Ước mơ có được một mái nhà lành lặn tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng đối với bà con nghèo thì đó là cả một niềm khát khao chưa bao giờ dứt. Tuy nhiên, đôi khi biến cố, bệnh tật cứ lần lượt ập xuống khiến cho bà con dù cố gắng làm lụng cũng không thể biến ước mơ trở thành sự thật….

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 197: Xã Tân Lược, huyện Bình Tân

1. Trần Văn Dững, ấp Tân Định

Căn bệnh xơ gan ngày một chuyển biến nặng từ năm 2012 đã khiến cho anh Trần Văn Dững chỉ có thể làm được những công việc nhẹ. Nguồn thu nhập của gia đình 5 miệng ăn vì thế càng trở nên chật vật khi 3 con ngày một lớn, đang tuổi ăn tuổi học.

Mong muốn có thể đỡ đần chồng, chăm lo cho các con, chị Hồng- vợ anh Dũng- bao năm qua luôn lặng lẽ gồng gánh gia đình với công việc trồng hành, đào khoai… bấp bênh theo mùa vụ.

Làm sao để các con được tiếp tục đến trường như các bạn đồng trang lứa, mong ước có được ngôi nhà lành lặn, bao năm qua luôn là nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng vợ chồng anh.

2. Huỳnh Thanh Thành, ấp Tân Lộc

Được xây cất hơn hai mươi năm qua, căn nhà của gia đình anh Huỳnh Thanh Thành đến nay đã xuống cấp với vách lá tạm bợ không thể che chắn cho gia đình với 3 thành viên. Vợ bỏ đi từ khi đứa con trai tròn 5 tuổi, một mình anh Thành gồng gánh gia đìnhvới nghề phụ hồ nắng gió.
Vất vả làm lụng anh Thành không mong gì hơn là lo lắng cho những người thân yêu một cuộc sống no lòng. Vậy mà cách đây 2 tháng, mẹ anh qua đời vì bệnh nặng cùng lúc đó là đứa con lên đường nhập ngũ, anh Thành đang phải đối mặt với số nợ hơn 30 triệu chạy chữa bệnh cho mẹ. Khó khăn nặng oằn trên vai vì thế ước mơ có được một mái nhà lành lặn đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

3. Hồ Văn Tròn, ấp Tân Tiến

40 năm chống chọi với mưa nắng, ngôi nhà của gia đình ông Hồ Văn Tròn qua 2 lần sửa chữa với vài tấm lá tạm bợ, đến nay những cái cột cái kèo bị mối mọt ăn mòn đã không còn đủ vững chắc để che chở cho cả gia đình.

Năm nay tuổi đã ngoài 60, bà Tư vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các ngã đường để bán từng chiếc bánh lá mong san sẻ phần nào gánh mưu sinh của gia đình, từ khi công việc bán vé số của chồng thu nhập bấp bênh.

Cuộc sống gia đình 6 thành viên vì thế chỉ còn có thể trông chờ vào sức lao động của hai vợ chồng anh Hồ Thành Trung- con trai ông bà. Thế nhưng, công việc đồng áng lúc có lúc không nên số nợ hơn 20 triệu sau nhiều năm chăn nuôi thất bại mãi đến nay anh chị vẫn không khả năng xoay sở. Vì thế ước mơ sửa lại mái nhà chắc chắn, để hai con thơ có thể được tiếp tục đến trường vẫn còn xa lắm.

4. Lê Văn Sữa, ấp Tân Vĩnh

Không ruộng đất canh tác, cả một đời bôn ba khắp nơi với công việc dặm lúa, cắt cỏ, cuộc sống của ông bà Lê Văn Sữa cứ mãi quẩn quanh trong nghèo khó. Các con lớn lên đều tha hương kiếm sống, ông bà xót lòng khi chẳng thể san sẻ được gì gánh nặng cho cháu con.

Không còn đủ sức khỏe để làm lụng như xưa, vài tờ vé số mà bà bán được mỗi ngày chẳng lo nổi chuyện thuốc thang cho ông, nên bài toán áo cơm của gia đình đến giờ vẫn còn chật vật.

Ở độ tuổi xế chiều, ước mơ của ông bà không gì khác là được một lần sống dưới mái nhà lành lặn, để không còn lo sợ những cơn giông lúc chuyển mùa.

5. Nguyễn Thị Út Lớn, ấp Tân Minh

Từ ngày chồng qua đời vì căn bệnh xơ gan, một mình bà Nguyễn Thị Út Lớn gồng gánh gia đình khi các con đều tha hương lập nghiệp.
Thu nhập bấp bênh từ công việc bán vé số không đủ để lo thuốc thang cho người mẹ già nay ốm mai đau, cùng đứa cháu thơ, con của người con gái đã để lại cho bà nuôi dưỡng từ sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn, bà Út Lớn chuyển sang nhận rửa chén thuê quanh xóm, để có thể trả được phần nào số nợ 16 triệu đồng mà gia đình vay mượn những lúc thiếu hụt.

Bệnh tật, nợ nần cùng gánh áo cơm vẫn từng ngày oằn nặng trên vai nên ước mong về một ngôi nhà lành lặn hơn với bà vẫn còn xa xôi.

6. Phạm Thị Hoa, ấp Tân Minh

Gia đình không ruộng đất canh tác, sức khỏe suy yếu từ sau vụ tai nạn lao động khiến một bên lá lách bị dập, ở tuổi ngoài 50, bà Phạm Thị Hoa vẫn ngày ngày lặn lội đi bán từng tờ vé số để cưu mang người em trai chậm phát triển cùng đứa cháu tật nguyền, con của người em thứ 3 vừa qua đời vì bệnh tai biến.

Anh Phạm Văn Phụng, con trai lớn của bà, từ ngày mắc chứng bệnh ung thư bao tử đành xót lòng nhìn mẹ cùng vợ và đứa em trai Phạm Văn Thảo vất vả mưu sinh mà bản thân chẳng giúp gì được.

Số nợ 50 triệu đồng vay mượn chạy chữa bệnh cho người mẹ khi xưa cùng chăn nuôi vịt thất bát sau nhiều năm vẫn chưa trả được thì làm sao gia đình dám mong mỏi về một mái nhà đỡ dột xiêu trong những ngày sắp tới.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *