Bên bờ hạnh phúc

6 hộ gia đình, 6 hoàn cảnh khác nhau. Người thì nghèo khó, người thì bệnh tật kéo dài, người thì không đất đai vốn liếng….Nhưng ở họ, ta vẫn nhìn thấy được điểm chung là ý chí và nghị lực lao động miệt mài để vượt qua tất cả. Và những gì 6 hộ gia đình ở xã Phú Quới lần này cần là sự hỗ trợ vốn từ chương trình Chuyến xe nhân ái để họ có thể vực dậy gia đình mình từ hôm nay

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 189: Xã Phú Quới, huyện Long Hồ

Vụ tai nạn giao thông cách đây 2 năm khiến cuộc sống của anh Nguyễn Văn Lợi ở ấp Phước Bình B rơi vào cảnh túng quẫn. Gánh nặng bệnh tật, áo cơm luôn oằn nặng trên vai, nên dẫu sức khỏe giảm sút, nhưng bước chân trên chặng đường mưu sinh của người đàn ông này vẫn không hề ngơi nghỉ. 

Đồng lương công nhân của vợ không đủ trang trải, nên chi phí học hành cho 2 con càng thêm nặng gánh. Dưới mái nhà nhỏ xây cất đã nhiều năm, anh chị vẫn từng ngày nuôi dưỡng giấc mơ đèn sách cho các con thơ. Nhưng làm sao những mơ ước ấy thành hiện thực khi nơi trú ngụ duy nhất của cả gia đình đã không còn lành lặn, ấm êm? 

Mang khối u ở ngực hơn 5 năm, chị Khổng Thị Hồng Linh ở ấp Phước Yên A, vẫn cố gắng tìm thêm thu nhập phụ trợ ngoài thời gian làm công nhân ở Khu Công Nghiệp Hòa Phú. Không vốn liếng, thiếu điều kiện, nên dẫu với tấm bằng trung cấp học được đã nhiều năm, nhưng ước mơ mở cửa hiệu thuốc thú y mãi vẫn chưa thành hiện thực với anh Nguyễn Văn Tám. Mãi quanh quẩn với công việc thời vụ chờ người thuê mướn…, anh đành gửi trọn mơ ước thoát nghèo qua con chữ của con. Xây cất hơn 10 năm, căn nhà của gia đình đến giờ vẫn trống trước hở sau, biết đến bao giờ tổ ấm này mới đủ chắc chắn để có thể vun bồi cho mơ ước thoát nghèo của anh chị? 

Góc bếp nhỏ trong gia đình anh Nguyễn Văn Ăn, ở ấp Phú Long B trở nên hiu quạnh khi thiếu đi đôi tay của người phụ nữ. Từ ngày chị Hoài An mắc bệnh ung thư phải vắng nhà vì những lần hóa trị ở Thành phố Hồ Chí Minh, bao nhiêu lo lắng trong ngoài chỉ còn cha con anh Ăn gồng gánh. Mớ cá ốc kiếm được cứ ngày thưa dần, nên chuyện học hành của 2 con thêm phần nặng gánh. Rệu rã, dột xiêu, ngôi nhà tình thương hỗ trợ nhiều năm đã không đủ chở che cho các thành viên qua cơn khốn khó.

3 lần chăn nuôi gà gặp thất bại vì dịch bệnh, bao nhiêu vốn liếng anh Trần Thanh Phong, ngụ ấp Phước Yên B dành dụm đã không còn. Ở tuổi 44, anh Phong bắt đầu lại mọi việc với đôi bàn tay trắng. Không ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống với anh luôn là bài toán khó, nhất là khi chuyện ăn học, bệnh tật của đứa con trai duy nhất vẫn chưa được điều trị vì cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Ngôi nhà cây lá vách ván được xây cất hơn 11 năm vẫn từng ngày gắng gượng trước gió giông…

Bàn tay bị khiếm khuyết từ vụ tai nạn lao động cách đây hơn 5 năm, nhưng anh Trần Hoàng Nguyên ở ấp Phú Thạnh B vẫn cố gắng bươn chải mưu sinh. Kiếm từng đồng lời ít ỏi qua những tờ vé số, những gian khó cuộc đời không vùi lấp được những lạc quan trong anh.

Mặc cho chứng viêm xương chậu vẫn từng ngày hành hạ, nhưng chị Mộng Linh vẫn rong rủi trên các nẻo đường bán từng tờ vé số. Bệnh tật vây quanh, cuộc sống lại chật vật bấp bênh nên anh chị đành gứi 1 đứa con nương nhờ nhà ngoại.

Không gian nhỏ hẹp của ngôi nhà đại đoàn kết, 8 năm qua vẫn không đủ chở che cho 3 thành viên thì mong muốn sum vầy cùng đứa con thơ vẫn là nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng anh chị.

Che chắn bằng tấm cao su cũ kĩ, vài mảnh tre lá tạm bợ… là nơi trú ngụ của 6 thành viên gia đình anh Nguyễn Văn Thi ở ấp Phú Thạnh A. Đôi mắt không nhìn rõ xung quanh vì căn bệnh cận thị nặng, anh vẫn cố lam lũ từng ngày trên cánh đồng để xịt thuốc mướn. Chị Sương – vợ anh đi phụ giúp việc nhà vẫn không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Mớ ốc cua kiếm được mỗi ngày một ít, nên giảng đường đại học cứ dần xa trong tâm trí của các con thơ.

Trăn trở về tương lai của con, về mái nhà ngày thêm rệu rã, anh chị vẫn mong một ngày bước đường tương lai của các con sẽ rộng mở hơn khi chốn đi về được ấm áp, vẹn nguyên. 

Hồng Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *