Bên bờ hạnh phúc

Về thăm lại những hộ gia đình nghèo ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít, đọng lại trong kí ức hành trình Chuyến xe nhân ái không chỉ là hình ảnh những mái nhà xác xơ tạm bợ thấp thoáng đâu đây mà đó còn là nỗi niềm trăn trở băn khoăn khi lắng nghe những câu chuyện đời gian khó với bao nỗi lo của bà con trước gánh nặng áo cơm áo, bệnh tật dày vò… Để rồi với bà con nơi đây, ước mơ về một cuộc sống yên vui, một mái nhà lành lặn đúng nghĩa cứ ngày một xa hơn…

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 103: Xã Mỹ An, huyện Mang Thít

Từ nhiều năm nay, chiếc ghe nhỏ và tay lưới này đã trở thành phương kế sinh nhai của gia đình anh Phạm Thanh Hùng ở ấp An Hương 2. Sau một đêm dài thức giăng lưới trên sông, vài ký cá mà anh kiếm được sẽ mang lại miếng cơm manh áo cho cả 4 miệng ăn trong nhà. Mấy năm gần đây, nguồn cá dưới sông cũng dần cạn kiệt nên ngoài thời gian đi giăng lưới, anh còn tranh thủ đi soi ếch, bắt chuột để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Anh Hùng giăng lưới trên sông kiếm vài ký cá mỗi ngày….

Vợ anh Hùng nhận kết thảm lục bình tại nhà để có thể vừa làm, vừa chăm sóc con

Vợ anh, kể từ khi sinh đứa con thứ 2, sức khỏe yếu đi vì mang nhiều căn bệnh nhưng mỗi ngày chị vẫn cố gắng tỉ mỉ kết từng tấm thảm lục bình để kiếm thêm chút tiền ít ỏi mua quyển tập cây viết cho con. Cố gắng chắt chiu, suốt bao năm qua cuộc sống của gia đình vẫn khó khăn thiếu thốn, và căn nhà – mái ấm yêu thương đã xiêu vẹo, rệu rã theo thời gian nhưng gia đình vẫn chưa thể sửa sang….

Cũng tại ấp An Hương 2, Hành trình chuyến xe nhân ái tìm thăm 2 cha con anh Nguyễn Văn Lộc. Từ ngày vợ rời tổ ấm ra đi, căn nhà nhỏ xiêu vẹo của anh cũng trở nên trống trải, hiu quạnh hơn. 13 năm qua, anh vừa vất vả mưu sinh, vừa phải nhọc lòng săn sóc bởi đứa con trai bị tật câm điếc bẩm sinh. Cảnh nhà đơn chiếc, khó khăn, những lúc có người thuê làm cỏ, xịt thuốc, bón phân, anh phải tất tả đem con gởi cho bà nội trông nom để yên tâm đi làm. Bước qua tuổi 43, nhiều lúc sức khỏe không cho phép anh cáng đáng nhiều công việc nặng nhọc nhưng vì nỗi lo cơm áo và bệnh tật của con, anh lại tiếp tục gồng mình vượt qua bao gian khó…

Anh Lộc chăm lo cho đứa con bị tật câm điếc bẩm sinh

Cùng nỗi lo về sự túng thiếu và nỗi vất vả, nhọc nhằn khi phải một mình gồng gánh nuôi con là hoàn cảnh của chị Huỳnh Thị Nghiêng ở ấp Hòa Mỹ 2. Sinh ra bị tật 1 bên chân, đến năm 35 tuổi chị mới tìm được cho mình niềm hạnh phúc, nào ngờ niềm vui ngắn ngủi khi người chồng chẳng may mang bệnh ung thư và qua đời. Gượng dậy sau nỗi đau mất mát, chị cố gắng chồng chèo, làm lụng nuôi 2 con ăn học. Thương chị tật nguyền, gánh nặng con thơ, anh chị em làm chung tại lò gạch vẫn thường hay giúp đỡ, san sẻ công việc để chị có thể duy trì việc làm mà kiếm tiền nuôi con. Suốt bao năm cố gắng, gia đình chị vẫn sống qua những ngày cháo rau qua bữa, vẫn thấp thỏm lo âu khi khi mưa bão kéo về và đâu đó thẳm sâu trong nỗi lòng người mẹ này vẫn ấp ủ ước mơ về một mái nhà lành lặn để tương lai của 2 con được nối dài…

Chị Nghiêng một mình nuôi 2 con bằng công việc ở lò gạch

Có được mái nhà lành lặn ấm áp để gia đình có thể quay quần bên nhau sau một ngày làm việc vất vả là ước mơ rất thực, rất chính đáng của bà con nghèo. Thế nhưng một trong những nguyên nhân khiến bà con không thể vươn lên thực hiện ước mơ là nỗi lo vì bệnh tật.

Kể từ khi mang bệnh xuất huyết bao tử, loét dạ dày nặng, vì không được chữa trị đúng mức nên bệnh của chị Huỳnh Thị Tươi cứ tái đi tái lại nhiều lần. Sức khỏe yếu, ở quê, những công việc phụ hợp với sức khỏe của chị lại ít ỏi, hiếm hoi nên chị chỉ biết ở nhà hái rau bắt ốc cải thiện bữa cơm cho gia đình. Còn anh Tùng – chồng chị – sau 8 tháng uống thuốc điều trị bệnh lao phổi, theo lời khuyên của bác sĩ anh cần có thêm thời gian để phục hồi sức khỏe nhưng vì là trụ cột trong gia đình, mong muốn chữa trị khỏi bệnh tật cho vợ và sửa sang lại căn nhà cho lành lặn kín đáo hơn nên hằng ngày anh vẫn cố gắng đi làm thuê cho các công trình. Gian khó, nhọc nhằn không làm mờ đi ý chí, anh vẫn luôn tin rằng, từ đôi bàn tay cần cù chăm chỉ này, khó nghèo, bệnh tật rồi sẽ lùi xa… 

Chị Tươi bắt ốc cải thiện bữa cơm gia đình…

…còn anh Tùng – chồng chị Tươi – thì đi phụ việc cho các công trình xây dựng

Không thể làm nặng vì cột sống bị tổn thương trong một lần bị té, anh Nguyễn Kì Nam ở nhà nuôi vịt, hi vọng lấy công làm lời. Còn vợ anh đi làm thuê trong lò gốm nhưng mấy năm gần đây do tình hình chung các lò gạch gốm bấp bênh nên công việc của chị không được thường xuyên. Thu nhập của 2 vợ chồng ít ỏi bấp bênh nên suốt 4 năm qua dẫu đã cố gắng thật nhiều nhưng anh chị vẫn không thể thoát khỏi cảnh sống tạm bợ khi phải ở nhờ ở đậu nhà mẹ ruột. Trăn trở trước nỗi lo cơm áo hằng ngày và cuộc sống tương lai, lòng anh Nam càng trĩu nặng hơn nỗi ưu tư khi chưa tìm ra cho gia đình mình một hướng đi khởi sắc và 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học vẫn chưa có được một nơi ở lành lặn, một giấc ngủ trọn vẹn mỗi đêm mưa về.

Anh Kỳ Nam nuôi đàn vịt với hy vọng lấy công làm lời

Giống như những người lao động nghèo tại các lò gạch ở xã Mỹ An, chị Trần Thị Hường ở ấp Hòa Mỹ 1 đã gắn bó với công việc làm gạch này hơn 20 năm. Trước đây chị làm gạch thuê ở Biên Hòa, lấy chồng và sinh con, nhưng rồi hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, một mình ôm 2 con thơ dại trở lại quê, không vốn liếng, không nhà cửa, 3 mẹ con chị phải ở đậu nhà mẹ và tiếp tục bám víu với công viêc làm thuê tại lò gạch để mưu sinh. Tất tả, lặng thầm, chịu thương chịu khó, mấy ai biết rằng, đằng sau những giờ phút cố gắng làm lụng này chị lại âm thầm đối diện với những cơn đau từ căn bệnh bướu cổ hành hạ. Giờ đây, giữa những cơ cực đắng cay, bệnh tật dày vò, sự chăm ngoan hiếu thảo của 2 đứa con trai Văn Hòa và Hoài Anh đã trở thành niềm an ủi lớn lao của chị. Nhìn thấy nét hồn nhiên trong sáng của 2 con đang nắn nót ước mơ bên từng trang sách, chị lại có thêm nhiều động lực và niền tin vượt lên trên mọi trở ngại, chăm lo vun vén để một ngày ước mơ của các con được chắp cánh bay cao….

Chị Hường bám víu công việc làm thuê tại lò gạch mặc cho bệnh tật hành hạ

Huyền Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *