Bên bờ hạnh phúc

Trong không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm khi tất cả bà con đều tất bật chuẩn bị đón 1 cái tết cổ truyền trong niềm vui sum vầy, hạnh phúc… thì đâu đó dưới những mái nhà chưa thể che nổi nắng mưa, những mơ ước thoát nghèo vẫn chưa thành hiện thực. 

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 193: Xã Thành Lợi, huyện Bình Tân

Gia đình anh Lê Hoàng Liêm, ấp Thành Nhân

Cột kèo rệu rã, vách ván bị mối mọt sâu ăn, những mảng cao su được che chắn tạm bợ… là nơi tá túc của gia đình anh Lê Hoàng Liêm ở ấp Thành Nhân.

Bên mái nhà dột nát, mặc cho những cơn mệt mỏi bởi chứng thiếu máu, hạ huyết áp cứ kéo dài nhưng chị Phượng – vợ anh Lê Hoàng Liêm- vẫn cố gắng tranh thủ làm mứt me thuê, để phụ chồng trang trải áo cơm.

Công việc phụ hồ ở các công trình lớn nhỏ của anh Liêm không mang lại đủ thu nhập để lo lắng thuốc thang cho người chú ruột và đứa con gái lớn mắc chứng bệnh thần kinh, cùng đó là chi phí học hành của đứa con trai út mỗi ngày một nặng gánh. Nên mơ ước về một ngôi nhà lành lặn, con cái khỏe mạnh, học hành đến nới đến chốn vẫn là niềm mong mỏi khát khao trong lòng anh bao năm qua.

Gia đình bà Trần Thị Thanh, ấp Thành Phú

Được bà con cho chiếc xuồng cũ để mưu sinh nghề chài lưới và đưa rước khách qua sông, anh Huấn – người con thứ 3 của bà Trần Thị Thanh- ở ấp Thành Phú vẫn cố gắng lênh đênh mỗi ngày trên khúc sông trước nhà để giúp mẹ có được cuộc sống ổn định hơn.

Không đất đai canh tác, việc buôn bán gòn lại thất bại nên tranh thủ những ngày không làm công nhân xí nghiệp ở Bình Dương, vợ anh Tường lại quay về chăm sóc cho tổ ấm.

Không chỉ bị suy thận mãn giai đoạn cuối mà căn bệnh tiểu đường còn ra sức hành hạ, nhưng hơn 3 năm qua, bà Thanh vẫn luôn chờ mong một ngày nhìn thấy con cháu được yên ổn bên mái nhà lành lặn. Nhưng tương lai còn ngổn ngang với bao gánh nặng thì bà biết rằng mơ ước đó còn rất xa xôi.

Gia đình bà Trần Thị Trâm, ấp Thành Phú

15 năm dài sống cảnh gà trống nuôi con khi người vợ dứt áo ra đi, anh Phùng Văn Minh – con trai lớn của bà Trần Thị Trâm ngụ ấp Thành Phú vẫn còn mang nặng bao âu lo khi công việc làm gòn chưa giúp anh có đủ tiền để chạy chữa cho đứa con trai bại não.

Thương con nặng gánh áo cơm, thương cháu bệnh tật dày vò, bà Trâm vẫn cố phụ giúp việc làm gòn quanh xóm mặc cho chứng bệnh thấp khớp tuổi già đêm ngày hành hạ.
Để rồi, sau những giờ lao động mệt nhọc, trở về nhà trong không gian chật hẹp, vách phên phải che chắn tạm bợ nhờ nhà hàng xóm thì ước mơ có được một chỗ tá túc lành lặn với gia đình này vẫn chưa thành hiện thực.

Gia đình anh Võ Văn Tuấn Khanh, ấp Thành Đức

Đôi mắt cận nặng, việc cắt dây khoai gia công không được nhanh nhẹn như bao người nên tranh thủ những giờ nghỉ, chị Kiều – vợ anh Võ Văn Tuấn Khanh ngụ ấp Thành Đức phải nán lại ruộng, cố kiếm thêm chút tiền trang trải cho gia đình.

Trở về quê sau 6 năm bôn ba làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh thu nhập không đủ sống, tận dụng năng khiếu may vá sẵn có, anh Khanh tranh thủ nhận may ít áo quần trong dịp tết để chuyện cơm áo cuối năm đỡ phần túng thiếu, nhất là căn bệnh võng mạc của đứa con gái út chưa thể chữa lành và ngôi nhà được bà con hỗ trợ đến nay đã không thể chống chọi cùng mưa gió.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ấp Thành Đức

Ngôi nhà nhỏ chỉ duy nhất bộ cột bê tông là chắc chắn, còn lại phải che chắn tạm bợ bằng những cây lá cũ kỹ, là nơi tá túc của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở ấp Thành Đức từ 13 năm nay.

Vợ bỏ ra đi khi cảnh nhà đang thiếu hụt, 1 mình ông Hồng phải gà trống nuôi con suốt 17 năm dài, để rồi đến lúc xế chiều người cha nghèo vẫn chưa 1 ngày thảnh thơi khi căn bệnh u gan của con gái lớn đến nay chưa thể điều trị, cùng chi phí ăn học hành của đứa cháu ngoại vẫn còn ghì chặt trên vai.

Đối diện với bệnh tật, chị Hằng – con gái ông, tự nhủ phải cố gắng làm lụng để thay cha gánh vác gia đình. Để rồi đằng sau những giọt mồ hôi, nụ cười lạc quan vẫn nở trên môi, là động lực giúp chị vươn đến ước mơ về ngôi nhà lành lặn hơn trước gió mưa.

Gia đình bà Hồ Thị Bé, ấp Thành Ninh

Sức khỏe không còn như trước sau lần cụp xương sống khi đi vác lúa thuê, anh Trần Văn Đỡ – con trai bà Hồ Thị Bé ở ấp Thành Ninh, vẫn cố trang trải gánh nặng gia đình bằng công việc xịt thuốc mướn quanh xóm.

Quyết cùng chồng san sẻ mọi khó khăn, chị My – vợ anh Đỡ lại rong ruổi trên những chuyến mua ve chai xa gần khắp xóm, mong số tiền lời ít ỏi có thể phần nào xoay sở chi phí áo cơm của các thành viên, cùng đó là chuyện học hành ngày càng nặng gánh của 2 đứa con.

Tuổi già, đeo mang chứng bệnh phổi ứ nước, đôi mắt lại chẳng thể nhìn rõ mọi vật xung quanh, nhưng nổi đau thể xác vẫn không bằng nỗi lòng của người làm bà, làm mẹ khi cháu con chưa có được một chốn an cư vững chắc khi một mùa xuân nữa lại về. 

Hồng Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *