Bên bờ hạnh phúc

Tuần này, Chuyến xe nhân ái sẽ tiếp tục gửi đến quý khán giả câu chuyện vượt khó vươn lên của 4 hộ gia đình ở 3 xã khác nhau…Điểm đến đầu tiên nằm ở bờ bên kia của dòng Cổ Chiên với những vườn trái cây đang mùa trĩu quả – thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi dừng chân tiếp theo là huyện Long Phú của tỉnh Sóc Trăng với 2 xã Long Phú và Tân Hưng – 2 địa phương với nhiều hộ là người dân tộc trong huyện. 2 tỉnh thành với đặc trưng riêng về kinh tế nhưng vẫn còn đó những nỗi lo chung về đời sống khó khăn…

Chuyến xe nhân ái – Kỳ 282: Chợ Lách – Bến Tre, Long Phú – Sóc Trăng, Tân Hưng – Sóc Trăng

Gia đình chị Ngô Thị Hồng Mỹ, thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Hoàn cảnh đầu tiên là gia đình chị Ngô Thị Hồng Mỹ ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Chị Mỹ bị khuyết tật chân do sốt bại liệt lúc nhỏ. Anh Kẻ – chồng chị – thần kinh không ổn định sau lần tai nạn lao động cách đây 2 năm. Giờ đây cả nhà sống dựa vào nghề may mà chị Mỹ học được từ khi còn trẻ.

Cha bệnh, mẹ làm ko đủ sống, nên Hồng Thi – con gái của anh chị – đành thôi học 3 tháng nay, đi làm ở xí nghiệp may giày trên TP. HCM để phụ giúp gia đình.

Gia đình anh Trần Dêl, ấp Nước Mặn 1, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

Hoàn cảnh thứ 2 là gia đình ông Trần Dêl, người dân tộc Khơ me, ở xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Già yếu không còn sức lao động, cuộc sống bắt đầu khó khăn hơn khi bệnh tật hiểm nghèo ập đến ở tuổi xế chiều.

Lo khoản nợ ngân hàng hơn 40 triệu đồng chưa trả nổi, nên con trai của ông bà là Vĩnh, rời quê đi làm thuê ở hãng gỗ trên Bình Dương để lo cho cha mẹ già và cưu mang đứa cháu trai con của người anh thứ 6 đi làm xa gởi lại.

Gia đình Sơn Lưng, ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

Hộ thứ 3 có cùng hoàn cảnh mắc bệnh ngặt nghèo lúc tuổi già là vợ chồng ông Sơn Lưng, ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Vợ ông phát bệnh suy thận hơn 1 năm nay nhưng đã chuyển sang giai đoạn cuối, tiền thuốc thang cho vợ đang là bài toán khó với gia đình

Vợ bệnh, con trai phải nuôi con nhỏ cũng không đỡ đần cho cha mẹ được nên ông Lưng năm nay đã 60 tuổi vẫn quần quật làm thuê làm mướn. Có tiền chuyển hướng làm ăn khác ổn định hơn cũng như có điều kiện thuốc thang cho vợ chính là động lực để ông Lưng ngày hôm nay đến với chương trình Chuyến xe nhân ái. 

Gia đình Phạm Văn Nia (1955), ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

Hoàn cảnh cuối cùng trong Chuyến xe nhân ái lần này cùng ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng – gia đình ông Phạm Văn Nia. Vợ ông qua đời vì bệnh ung thư vú, để lại số nợ hơn 20 triệu đồng là khoản lo quá lớn trong hoàn cảnh hiện tại.

Gia đình phải chạy ăn từng bữa trong khi nợ nần còn chồng chất nên em Thuận – con trai út của ông Nia phải bôn ba đi phụ hồ ở xa để có tiền phụ giúp gia đình và lo cho đứa cháu là con của người anh trai vì cha mẹ li hôn.

Con trai bôn ba kiếm sống, ở nhà chỉ còn 2 ông cháu nương tựa nhau với nửa công vườn trồng bắp để lo cho cháu được đến trường. Chính vì vậy nên mong muốn được tham gia chương trình, có vốn trồng thêm rau cải để trang trải nợ nần là ước mơ cấp thiết của gia đình lúc này.

Hồng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *