Bên bờ hạnh phúc

Trở lại Bến Tre vào những ngày cuối hè, chúng tôi tìm đến xã Phú Phụng – địa phương có diện tích trồng chôm chôm lớn nhất của huyện Chợ Lách. Thời điểm này, một số vườn chôm chôm vẫn còn đang thu hoạch, số khác thì được che nilon để cây cho trái nghịch mùa. Bên cạnh những điển hình làm giàu từ cây chôm chôm thì đâu đó vẫn còn những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn của người nông dân làm thuê khi trong tay không có đất đai, vốn liếng.

Anh Phạm Văn Thạch là một nông dân như thế. Gắn bó với cây chôm chôm từ những ngày đầu cùng vợ về sinh sống tại ấp Chợ thuộc xã Phú Phụng, cuộc sống gia đình anh chị bắt đầu với mảnh đất nhỏ cha mẹ cho. Thế nhưng huê lợi từ vài gốc chôm chôm chẳng thấm vào đâu nên anh Thạch phải tất bật làm thêm ở nhiều vườn chôm chôm khác mới mong cuộc sống tạm ổn định và lo cho các con được đến trường. Nhưng rồi bệnh tật ập đến với vợ anh, khiến gia đình mất đi một lao động và bắt đầu rơi vào khó khăn. Các con anh lớn lên, mỗi người cũng mang theo cái nghèo, cái khó của cha mẹ làm hành trang bước vào đời. Giờ thì ở cái tuổi hơn nửa đời người, anh Thạch vẫn phải bươn chải lo toan chuyện áo cơm và nặng lòng trăn trở cho sức khỏe của người vợ hiền.

Anh Thạch bận rộn suốt ngày với những công việc làm thuê trong các vườn chôm chôm

Bao năm qua, thấp thoáng trong những khu vườn chôm chôm rộng lớn vùng này, vẫn thấy bóng dáng của người đàn ông cần cù sớm hôm với gánh gia đình trên vai. Từng gốc, từng nhánh chôm chôm luôn được anh Thạch chăm chút cẩn thận để tạo uy tín với chủ vườn, để rồi họ lại thuê anh làm trong những mùa kế. Nhưng khi đến những ngày thu hoạch cuối cùng, nỗi lo lại canh cánh trong lòng người lao động nghèo vì không biết ngày mai tìm đâu ra việc.

Cuộc sống cứ xoay vòng trong những lo lắng hằng ngày về manh áo chén cơm, thuốc thang bệnh tình và chuyện học hành cho con. Vậy nên nhà cửa bao năm qua cứ ngày một xác xơ mà chưa một lần được sửa sang lại, từng tấm tol, cây cột vẫn oằn mình chống chọi với những đợt mưa giông. Ước mơ có tiền để lợp lại mái, tu bổ thêm cho nền nhà không bị ngập, đơn giản là để gia đình có được giấc ngủ ngon qua những đêm mưa, nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Bệnh tình và những nỗi lo trong cuộc sống cứ thế dày vò cơ thể và cả tinh thần của chị Mười – vợ anh Thạch dù chị biết rằng sự lạc quan vui sống của chị lúc này là điều cần nhất mà chị có thể làm cho chồng và các con. Những cơn mệt bất ngờ do căn bệnh hở van tim hai lá xuất hiện ngày một nhiều khiến chị Mười khó có thể san sẻ gánh nặng gia đình cùng chồng.

Mắc căn bệnh hở van tim nhưng những lúc khỏe, chị Mười luôn cố gắng chăm sóc gia đình nhỏ

Mỗi khi khỏe hơn một chút, chị lại gượng dậy làm những công việc nhẹ nhàng để thấy yên tâm hơn khi còn có thể chăm sóc cho tổ ấm nhỏ. Biết mình mang trong người căn bệnh ngặt nghèo lại không có tiền chạy chữa, có lúc hoang mang nghĩ đến chặng đường khó khăn mà mình phải trải qua. Nhưng chính tình thương của anh Thạch, của các con và cả đứa cháu nhỏ mà chị chăm sóc từ lúc ẵm ngửa cho tới bây giờ là động lực giúp chị mạnh mẽ vượt qua sự yếu đuối và nỗi sợ hãi của chính mình.

Em Phạm Minh Thành – con trai út của anh Thạch và chị Mười thường ít nói và hiếm khi tỏ bày tâm sự, nhưng đầy ý thức trách nhiệm với gia đình. Từ khi mẹ lâm bệnh, cuộc sống của cả nhà ngày càng rơi vào chật vật, khó khăn, Thành đành gác lại ước mơ riêng và chọn con đường ngắn nhất để có việc làm phụ giúp cha và lo thuốc thang cho mẹ là đăng kí vào trường trung cấp nghề. Bao năm cắp sách đến trường là bấy nhiêu năm em thấm thía được những gian truân mà một cậu học trò nghèo phải cố gắng để vươn lên. Và với em, đó cũng là hành trang quý báu để em có thể vững vàng bước vào đời. Ngày mai đây, Thành lại phải rời xa gia đình đi thực tập tận Đồng Nai, chặng đường em đi đã sắp đến đích, và chặng đường tiếp theo đang tiếp tục chờ đợi, không biết sẽ còn những khó khăn, thử thách nào nhưng hy vọng, với sự tiếp sức từ chương trình ngày hôm nay, cùng với niềm tin và nghị lực của bản thân sẽ giúp em thực hiện được ước mơ, từng bước đưa gia đình thoát nghèo.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Chị Phạm Thi Mười, ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Khánh Phương 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *