Bên bờ hạnh phúc

Mái nhà xiêu vẹo bao năm qua vẫn được gọi là tổ ấm của một gia đình có 3 thành viên: một người mẹ và hai đứa con gái suốt gần 8 năm qua…Ngôi nhà nhỏ trống trước hở sau không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường ngủ, vài vật dụng nấu ăn cũ kỹ… Mùa nắng thì chị và hai con được yên giấc nhưng đến mùa mưa thì có lẽ là những đêm thức trắng đầy ám ảnh của 3 mẹ con khi mưa tạt từ 4 phía vì cây lá che chắn đã mục nát mà chẳng có tiền sửa sang…

Gần 8 năm đã trôi qua, trên con đường quê quen thuộc ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bà con trong xóm đã quen với hình ảnh chị phải lê từng bước chân khập khiễng để bán từng tờ vé số với quãng đường dài hơn 5 kilomet. Thế nhưng ít ai biết được rằng đằng sau những bước chân mưu sinh nhọc nhằn của người phụ nữ này là cả một kí ức đau buồn mà chị đành chôn chặt tận lòng mình suốt bao nhiêu năm qua.

Sinh ra trong nghèo khó, tuổi thơ chị là những ngày lấm lem bùn đất rong ruổi theo cha mẹ mưu sinh bằng cái nghề làm mướn với bao công việc không tên. Lớn lên, chính cái nghề ấy đã đưa chị đến với một người đàn ông cùng quê rồi nên duyên chồng vợ. Ngày đó, gia đình chị được ba mẹ chồng cho 4 công đất làm vốn liếng. Vậy mà bao ước mơ của chị đành tan theo mây khói khi trong một lần cùng chồng đi hái dừa mướn, chị không may bị dừa rớt xuống trúng đầu và chấn thương sọ não. Trong cơn đau dữ dội, chị cứ ngỡ rằng mình đã không thể sống tiếp cùng gia đình để chăm lo cho con đến ngày khôn lớn.

Ngoài những lúc đi bán vé số….

….hay hái rau, làm thuê ngoài đồng…

….chị Kiều còn nhận thêm công việc giữ trẻ mặc cho sức khỏe suy giảm nhiều sau tai nạn bất ngờ

Chính tai nạn ấy đã đưa cuộc đời chị rẽ sang hướng khác, con đường của đớn đau triền miên về cả tinh thần lẫn thể xác. Đối mặt với cơn thập tử nhất sinh khi đứa con gái thứ hai còn đang tượng hình trong bụng mẹ, đầu óc lúc tỉnh lúc mê, chị còn chưa thể nhận thức được sóng gió đã ập đến với tổ ấm của mình. Để rồi, những ngày tháng dần hồi phục, khi nỗi đau thể xác vẫn ngày đêm âm ỉ, lúc chị nhận thức được mình cần một bờ vai để làm điểm tựa thì cũng là lúc chị bàng hoàng, đau đớn khi biết được anh đã không còn chung mái ấm. Một mình chị ngậm ngùi nuốt vào lòng bao nỗi đắng cay, ôm con về nhà mẹ ruột với đôi bàn tay trắng. Chị chỉ còn biết nghĩ tới con để làm động lực sống cho mình…Cuộc sống nối tiếp sau bao sóng gió là những ngày làm lụng vất vả của chị khi một tay và một chân đã gần như bị liệt. Những ngày không đủ sức khỏe để đi làm thuê ngoài đồng, chị lại đi giữ trẻ mướn cho người ta. Mỗi ngày chị được trả công 10 ngàn đồng, chỉ 10 ngàn đồng ít ỏi, nhưng đó là tất cả hi vọng cho một gia đình giữa những tháng ngày gian nan thiếu thốn.

Nguyễn Thị Diễm và Nguyễn Thị Hồng Đào dù nhỏ tuổi nhưng đã sớm thành thạo việc nhà đỡ đần cho mẹ

Từ thuở lọt lòng cho đến ngày hôm nay, Đào đã quen với việc không có được sự thương yêu bảo bọc của một người cha và sự thiếu thốn ấy với em từ lâu đã là một sự thật hiển nhiên của đời mình như bao khó khăn thiếu thốn mà mấy mẹ con vẫn từng ngày đối mặt. Dù không tủi lòng vì sự thiếu vắng tình thương nhưng nỗi cực nhọc khi không có sự đỡ đần của một người cha thì em Nguyễn Thị Diễm và Nguyễn Thị Hồng Đào vẫn từng ngày nếm trải. Rành rọt chuyện bếp núc từ khi chưa vào lớp 1, hai cô con gái nhỏ luôn cố gắng làm thay vai trò của mẹ vì thương mẹ nhọc nhằn, khiếm khuyết. Khi chưa nghỉ hè, từ sáng sớm các em đã bước ra bếp để nấu cơm rồi mới đi học, trưa về lại giặt giũ, quét dọn nhà cửa cho mẹ yên tâm đi làm.

Sinh ra và lớn lên trong muôn vàn thiếu thốn, đồ mặc thì người ta cho, gạo thóc phải đi mượn từng ngày vậy mà suốt mấy năm qua, niềm say mê cắp sách vẫn hiển hiện trong sự siêng năng cần cù học tập của các em với thành tích suốt mấy năm liền là học sinh khá giỏi. Khoảng trời u tối có thể phủ kín những tháng ngày các em đã đi qua nhưng tin rằng ngày mai, khoảng trời tri thức thênh thang, tươi sáng sẽ đón chờ hai cô gái nhỏ giàu niềm tin và nghị lực.

Có giọt nước mắt của tủi buồn nhưng cũng có nỗi nghẹn ngào của hạnh phúc, tình thương của các con là tài sản quý giá nhất mà chị Kiều còn có được cho riêng mình giữa nghịch cảnh. Tình cảm thiêng liêng ấy là sức mạnh lớn lao để chị kiên cường vượt qua tất cả, đối mặt với bệnh tật để chăm lo cho các con bằng tất cả khả năng của mình. Di chứng vụ tai nạn khiến đầu chị ngày đêm đau nhức, nhưng vì không có điều kiện nhập viện nên chị chỉ cầm cự bằng vài viên thuốc cho qua cơn đau và không ít lần tay chân chị bị tê cứng, đau nhức dữ dội mà chẳng thể điều trị cho đến nơi đến chốn.

Mỗi ngày nhìn các con lớn lên, chưa một lần tự tay cắt tóc cho con hay cầm lược buộc tóc cho gọn ghẽ, người mẹ này bao lần ngậm ngùi, chua xót khi thấy mình chẳng thể lo cho con được chu đáo. Nhưng chị biết làm gì hơn ngoài tình thương dành cho con để cố gắng không ngừng nghỉ…

Không chỉ phụ mẹ chuyện bếp núc, Diễm còn có thể phụ mẹ đi làm thuê để có thêm thu nhập và để mẹ bớt phần vất vả. Cứ như thế, suốt gần 8 năm qua, dù hạnh phúc gia đình không trọn vẹn nhưng tình yêu thương đong đầy và ấm áp của 3 thành viên nơi tổ ấm nhỏ như xua đi hết mọi âu lo, thiếu thốn của đời nghèo.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Chị Đỗ Thị Kiều, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *