Bên bờ hạnh phúc

Trong chuyến hành trình cuối cùng, Chắp cánh ước mơ có dịp đến thành phố Hồ Chí Minh, để sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn của anh Phan Văn Đặng – người đàn ông quê ở Gò Công, Tiền Giang đang tha phương nơi xứ người để mưu sinh lo cho gia đình. Quần quật làm lụng suốt 6 năm ròng rã, cảnh sống của gia đình chưa thay đổi được bao nhiêu thì anh đã phải đối mặt với nhiều căn bệnh hành hạ.

Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 367: Bà Nguyễn Thị Thu Ba

Mang trong mình căn bệnh thận ứ nước, thoái hóa khớp với những cơn đau nhức rồi có những đêm thức trắng vì lo lắng cho gia đình thiếu hụt, kế mưu sinh cứ khốn khó từng ngày khiến anh gần như trầm cảm. Bao năm đối diện với bệnh tật, người anh cũng bắt đầu xanh xao, tiều tụy, không ít lần anh phải bỏ làm giữa chừng vì ngất xỉu.

Điều quý nhất ở người trụ cột gia đình này là sự hi sinh lớn lao dành cho những người thân bên cạnh. Anh Đặng chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, chấp nhận những bữa cơm rau đạm bạc để dành hết phần tiền công kiếm được gửi về nhà. Bởi anh hiểu rằng, nơi quê nhà khốn khó mẹ già và đứa em gái nhỏ cũng đang từng ngày vật lộn với cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt. Chính vì vậy, chúng tôi càng cảm thấy trân trọng và thầm cảm phục tấm lòng hiếu thảo nơi anh: luôn nhận về mình những gian nan, dành cho những người thân yêu chút bình yên giữa bao khốn khó.

Tình yêu dành cho gia đình là động lực lớn nhất để anh luôn cố gắng làm lụng dù sức khỏe ngày càng sa sút.

Hơn 3 năm qua, cuộc sống của anh gắn chặt với những viên thuốc đắng mà phải chật vật lắm anh mới có được. Đồng lương công nhân mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu nhưng anh phải xoay sở bao nhiêu thứ, trong đó tiền thuốc đã hơn hai triệu, một khoản tiền quá lớn với anh hiện tại. Thế nên, không ít lần anh đã bỏ đợt tái khám và thay thế thuốc tây bằng thuốc nam để nhín nhút tiền gửi về nhà mặc cho bệnh tình có chuyển biến phức tạp. Giữa căn phòng chật hẹp nơi đất khách, một mình chống chọi với bệnh tật thiếu thốn và cả nỗi tủi buồn… chúng tôi càng cảm thông và trân trọng hơn sự hi sinh thầm lặng của một người con hiếu thảo.

Dẫu xa gia đình đã nhiều năm, nhưng anh vẫn cảm nhận trọn vẹn cuộc sống gian nan nơi quê nhà của mẹ và em gái trong mỗi chuyến về quê, sự thiếu thốn ấy như nỗi ám ảnh, day dứt triền miên với người đàn ông trụ cột này. Để rồi, dẫu đôi chân có đau nhức, cơ thể có mệt nhoài vì những đêm mất ngủ, anh vẫn gượng dậy tiếp tục cuộc mưu sinh, như chút hi vọng mong manh giúp gia đình vượt qua cơn thắt ngặt.

Có đi qua những ngày khó khăn như vậy mới thấy hết tình cảm quý báu của các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Lập gia đình ở tuổi ngoài ba mươi, ngỡ  rằng hôn nhân sẽ cho bà một bến đỗ yên bình, nào ngờ niềm hạnh phúc muộn màng cũng mong manh vì hai người không tìm được tiếng nói chung. Đành chấp nhận cảnh sống ly thân, mỗi người một hướng, bà cố gạt đi nỗi tủi buồn, lặng lẽ dắt díu hai đứa con thơ về nhà mẹ ruột tá túc. Cũng từ ngày đó, cuộc sống của 3 mẹ con luôn phải đối mặt với cảnh sống bữa đói bữa no. Nhưng có lẽ điều khiến bà chạnh lòng, xót xa nhất là chẳng thể cho con mình được vòng tay che chở, tình yêu thương của một người cha như bao đứa trẻ khác, mà để các con phải sớm lao vào cuộc mưu sinh vất vả cùng mẹ lo chuyện cơm áo.

Rồi cái nghề bó chổi cũng theo bà từ những ngày khó khăn đó cho đến bây giờ. Ngày đó còn khỏe, bà bó chổi, khi thì mua cọng dừa, lúc rảnh việc lại đi làm đủ việc thuê mướn cho người ta để có tiền nuôi con. Ngót nghét đã hơn mười năm, thời gian đã làm phai màu mái tóc, sức khỏe của bà cũng hao mòn theo những tháng ngày cật lực làm lụng. Đôi chân bây giờ đi lại khó khăn do căn bệnh thoái hóa khớp hành hạ đã hơn 3 năm với những cơn đau nhức dữ dội, nhiều khi sưng phù không thể đi bó chổi mướn được. Thế nhưng bà vẫn cố gắng đi kéo lá dừa về róc rồi chuốt cọng dừa bán, dù thu nhập chỉ hơn 10 ngàn đồng mỗi ngày. Từ trong sự kiên trì, nhẫn nại đó của người mẹ nghèo là sự san sẻ cho nỗi cực nhọc của đứa con trai đang tha phương nơi đất khách và là sự bù đắp phần nào thiệt thòi cho đứa con gái nhỏ.

Cuộc sống từng ngày trôi qua trong thiếu thốn, vẫn quen thuộc là những bữa cơm rau mà bà phải khó khăn lắm mới hái được khi đôi chân cứ đau nhức âm ỉ vì chứng đau khớp. Nhưng trong cái đơn sơ, đạm bạc đó có cái ngọt ngào, ấm áp từ tình yêu thương của một người mẹ. Chính những tình cảm bình dị ấy của người mẹ nghèo đã là lời động viên để bà và các con có thêm sức mạnh đi tiếp phần đời còn lại.

Giữa những lúc khó khăn nhất của gia đình cũng là lúc căn nhà bắt đầu xuống cấp. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại thì việc sửa sang lại cho mái ấm nhỏ được lành lặn là ngoài khả năng. Để rồi, những âm thanh kẽo kẹt, yếu ớt của từng cây kèo cái cột của vách là thưa thớt mỗi cơn mưa to gió lớn  là chính những nỗi lòng trăn trở của tất cả các thành viên, họ vẫn mong đến một ngày sẽ tìm được chốn bình yên cho gia đình mình.

Từ nhỏ đã phải đối mặt với sự thiếu thốn trăm bề, nên bài học đầu tiên Ngọc nhận được là chấp nhận thực tại như niềm an ủi dành cho chính mình.

Nhưng bên trong suy nghĩ của cô gái mang thân hình nhỏ nhắn này là bao ấp ủ khát khao về một ngày sẽ vươn lên nghịch cảnh.  Mỗi ngày, sau một buổi đến trường, em dành thời gian còn lại để đi bó chổi kiếm thêm tiền phụ mẹ để trang trải cuộc sống gia đình

Số tiền mà em có được dù ít ỏi, nhưng đó là tất cả sự cố gắng xuất phát từ sự cảm thông, thấu hiểu là hi vọng để gia đình bớt khổ, cho mẹ và anh trai đỡ phần gian nan trên bước đường mưu sinh.

Điều quý nhất của Đặng cũng như Ngọc là giữa cuộc sống khó khăn nhưng cả hai anh em vẫn vẹn tròn chữ hiếu đối với đấng sinh thành. Những lúc ngã bệnh, niềm an ủi của bà Ba là bên mình luôn có cô con gái chăm sóc, động viên, an ủi, như sự bù đắp phần nào cho những tủi cực, bất hạnh trong đoạn đời đã qua.

Góc học tập đơn giản của Ngọc với chiếc bàn cũ, những quyển tập, quyển sách mà người ta cho. 12 năm đến lớp của em là cả một quá trình nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Bởi trong suy nghĩ của cô trò nhỏ, em vẫn luôn ấp ủ cho riêng mình những ước mơ, ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn từ chính con đường tri thức mà em đang theo đuổi

Từ trong nỗi nghẹn ngào của người phụ nữ gần 60 tuổi này là biết bao niềm hạnh phúc từ sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm đã luôn quan tâm bên cạnh bà trong những lúc khó khăn nhất.

Vậy là một căn nhà mới được trao tay, thêm niềm hạnh phúc nữa đến với những con người bất hạnh. Từ đây, bà và các con đã có thể cảm nhận được sự bình yên từ một mái nhà ấm cúng, không còn những đêm âu lo, trằn trọc, và các thành viên đã có thể nghĩ về một tương lai bình yên hơn cho gia đình mình. 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Bà Nguyễn Thị Thu Ba, ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706 250 555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *