Bên bờ hạnh phúc

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THÔNG TƯ 153/2010/TT-BTC

CỦA CỤC THUẾ VĨNH LONG

 

Cục thuế Vĩnh long vừa phát hành thông báo số 150/TB-CT ngày 19/10/2010 của Cục thuế về việc triển khai thông tư 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và hướng dẫn một số nội dung để các đơn vị biết và thực hiện. Nội dung thông báo cụ thể như sau:

Kể từ ngày 01/01/2011 trở đi, Cơ quan thuế không bán hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành cho các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ, Doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn). Cơ quan thuế chỉ bán hoá đơn cho một số đối tượng cụ thể, vì vậy các doanh nghiệp phải chuẩn bị việc tạo hoá đơn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

I. Tạo hoá đơn đối với các tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh

Tạo hoá đơn là hoạt động làm ra mẫu hoá đơn để sử dụng, thể hiện bằng các hình thức hoá đơn. Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời tạo nhiều hình thức hoá đơn khác nhau theo quy định.

  1. Tạo hoá đơn tự in :

1.1 Hoá đơn tự in: là hoá đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

1.2 Đối tượng được tạo hoá đơn tự in

Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệpĐược tạo và sử dụng hoá đơn tự in ngay sau khi được cấp MSTgồm:

+Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

 + Các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

+ Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 5 (năm) tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn.

Các tổ chức kinh doanh đang hoạt động khác: Được tạo và sử dụng hoá đơn tự in khi đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đã được cấp mã số thuế.

+ Có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ.

+ Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán có phần mềm kế toán bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm hoá đơn.

+ Có hệ thống thiết bị (máy tính, máy in, máy tính tiền) đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

+ Không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế hoặc đã bị xử phạt và đã chấp hành xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuếdưới hai mươi (20) triệu đồng trong vòng ba trăm sáu mươi lăm (365) ngày tính liên tục từ ngày thông báo phát hành hoá đơn tự in lần đầu trở về trước.

2. Tạo hoá đơn điện tử

– Hoá đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hoá, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

– Hoá đơn điện tử được sử dụng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

– Việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

3. Tạo hoá đơn đặt in

   3.1 Hoá đơn đặt in:là hoá đơn do các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

   3.2 Đối tượng được tạo hoá đơn đặt in:

– Tổ chức kinh doanh; hộ và cá nhân kinh doanh có mã số thuế (không bao gồm hộ, cá nhân nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp).

– Tổ chức kinh doanh mới thành lập hoặc đang hoạt động mà đáp ứng được các điều kiện để được tạo hoá đơn tự in nhưng không tự in.

– Các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không tự in hoặc mua của cơ quan thuế.

4. Đối tượng được mua hoá đơn của cơ quan thuế:

– Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh: là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưngkhông được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm;

 – Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đủ điều kiện đặt in nhưng không đặt in thì được mua hoá đơn của cơ quan thuế;

– Các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của Pháp luật.

– Doanh nghiệp siêu nhỏ (doanh nghiệp có 10 lao động trở xuống) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

– Doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn là địa bàn thuộc danh mục địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính không thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hoặc đơn vị trực thuộc khai thuế giá trị gia tăng riêng thì đơn vị trực thuộc tạo và sử dụng hoá đơn theo hướng dẫn tại Thông tư 153/2010/TT-BTC.

Đối với hai đối tượng (doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn). Cơ quan thuế chỉ thực hiện bán hoá đơn trong năm 2011, từ năm 2012 các doanh nghiệp này phải tự tạo hoá đơn để sử dụng.

 II. Những công việc cần triển khai thực hiện:

Để đảm bảo có hoá đơn sử dụng trong việc bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ ngày từ ngày 01/01/2011, các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh căn cứ vào tình hình, điều kiện của đơn vị mình, đối chiếu với quy định tạo hoá đơn (nêu trên) để xác định đúng và lựa chọn hình thức tạo hoá đơn phù hợp và chuẩn bị tốt một số công việc sau:

1. Chuẩn bị tạo hoá đơn

1.1 Đối với tổ chức tạo hoá đơn tự in:

– Thiết kế mẫu hoá đơn (tham khảo mẫu hoá đơn trong Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC).

          – Chuẩn bị cơ sở vật chất để được tự in:Hệ thống thiết bị (máy tính, máy in, máy tính tiền) đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

– Xây dựng phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.

– Ban hành Quyết định áp dụng hoá đơn tự in gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý (theo mẫu số 5.8 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC).

1.2 Đối với tổ chức, hộ và cá nhân tạo hoá đơn đặt in:

– Thiết kế mẫu hoá đơn (tham khảo mẫu hoá đơn trong Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC) .

– Chủ động liên hệ với doanh nghiệp in có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 153/2010/TT-BTC để ký hợp đồng in.

2. Thực hiện thông báo phát hành hoá đơn:

Trước khi sử dụng hoá đơn cho việc bán hàng hoá, dịch vụ các tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh tạo hoá đơn phải lập thông báo phát hành hoá đơn (theo mẫu số 3.5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC)

– Thông báo phát hành hóa đơn (kèm theo hoá đơn mẫu) phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp năm (05) ngày trước khi đơn vị bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành.

– Thực hiện niêm yết Thông báo phát hành hoá đơn và hoá đơn mẫu (đầy đủ các liên)  ngay tại các nơi đơn vị sử dụng hoá đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.

– Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Việc tạo hoá đơn và thông báo phát hành hoá đơn được thực hiện ngay từ năm 2010.

III. Xử lý đối với hoá đơn cũ còn tồn đọng

Các tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh thực hiện kiểm kê để xác định hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành đã mua hoặc hoá đơn do đơn vị tự in cũ còn tồn chưa sử dụng.

– Trường hợp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì thực hiện huỷ hoá đơn theo quy định tại Điều 27, Thông tư số 153/2010/TT-BTC.

– Trường hợp đơn vị có nhu cầu sử dụng tiếp thì đăng ký hoá đơn tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý (mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư), để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/3/2011. Thời hạn gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20/01/2011. Đến hết 31/03/2011 số hoá đơn đăng ký sử dụng chưa sử dụng hết thì đơn vị thực hiện huỷ hoá đơn.

Cục Thuế Vĩnh long thông báo và hướng dẫn để tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh biết, đề nghị tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nghiên cứu kỹ nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010; Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về nội dung này do cơ quan thuế tổ chức.

Hiện nay Tổng cục Thuế đã xây dựng “Chuyên mục hoá đơn” trên website của ngành thuế ( địa chỉ http://www.gdt.gov.vn). Chuyên mục này bao gồm các tiểu mục: Các văn bản hướng dẫn; Hướng dẫn thủ tục cho từng đối tượng;Giải đáp các tình huống, vướng mắc. Đề nghị tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh truy cập vào trang web (nêu trên) để tra cứu và nắm bắt các thông tin, qui định mới nhất về hóa đơn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị liên hệ trực tiếp với Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế Cục thuế Vĩnh long, số 33/1 đường 3/2 – Phường I – Thành phố Vĩnh long hoặc gọi qua số máy điện thoại 070.3.828087 – 070.3.823559 để được hướng dẫn./.

 

                                                                                                   CỤC THUẾ VĨNH LONG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *