Bên bờ hạnh phúc

Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ ngay lập tức xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý. Đó là một trong những nội dung quan trọng của Luật An toàn, vệ sinh lao động vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

 

Ảnh minh họa

 

 

Lao động không có HĐLĐ cũng được bảo vệ

 

Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm 7 chương và 93 điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN); trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Luật quy định rõ: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. 

Người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm TNLĐ,BNN; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ,BNN; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do TNLĐ,BNN; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN; được bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị TNLĐ, BNN.

Đặc biệt, người lao động cũng có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ ngay lập tức xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động; được tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia và hưởng bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ,BNN

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm TNLĐ,BNN cho người lao động; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn người lao động các quy định và biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, BNN…

Như vậy, so với luật hiện hành, Luật An toàn, vệ sinh lao động mới có bổ sung 2 chính sách mới về bảo hiểm TNLĐ, BNN là: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; ghi rõ mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN linh hoạt, tối đa 1%; chế độ bảo hiểm về BNN cho người mắc BNN sau khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công việc khác; bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi giao kết nhiều hợp đồng lao động bị TNLĐ; bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động khi nhận công việc về nhà làm.

Đồng thời, luật cũng đổi mới công tác huấn luyện ATVSLĐ, hoạt động kiểm định; hoạt động thống kê, báo cáo, điều tra về TNLĐ, BNN; đánh giá rủi ro tại nơi làm việc và tự kiểm tra về ATVSLĐ. Quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của Hội Nông dân Việt Nam trong bảo đảm ATVSLĐ; quy định Hội đồng ATVSLĐ cấp quốc gia, cấp tỉnh, doanh nghiệp và cơ chế tham vấn, đối thoại nhằm bảo đảm ATVSLĐ; phân định thẩm quyền quản lý Nhà nước về ATVSLĐ giữa Bộ LĐ-TB&XH với các bộ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ: nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Về cơ bản, việc thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ khác nhau sẽ hạn chế TNLĐ, BNN, tạo môi trường làm việc, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.

Nguồn: H.Thành ( laodongthudo.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *