Bên bờ hạnh phúc

Mọi công dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin. Thông tin phải được cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật, người sống ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Ảnh minh họa

Đây là nội dung được đưa ra tại dự thảo Luật tiếp cận thông tin Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo.

Bộ Tư pháp cho biết, quyền tiếp cận thông tin là một quyền con người và là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin được tiếp tục khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển và Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.

Hiến pháp năm 1992 ghi nhận quyền được thông tin của công dân và Hiến pháp năm 2013 quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện và hạn chế quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Cụ thể hóa Hiến pháp 1992, cùng với quá trình Đổi mới kinh tế, hội  nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, góp phần đưa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin ở nước ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bộ Tư pháp cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật tiếp cận thông tin tại thời điểm này là cần thiết và là thời điểm thích hợp nhằm: Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quyền được thông tin theo Hiến pháp năm 1992, quyền tiếp cận thông tin theo Hiến pháp năm 2013; bảo đảm pháp luật về tiếp cận thông tin phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước, hiệp ước quốc tế, kế hoạch hành động, các tuyên bố quốc tế đã đưa ra những yêu cầu có tính ràng buộc hoặc khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành Luật tiếp cận thông tin.

Nghiêm cấm cung cấp sai lệch thông tin

Bộ Tư pháp đã đề xuất dự thảo Luật tiếp cận thông tin gồm 7 chương, 33 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất cụ thể những quy định về thông tin công bố, công khai; thông tin cung cấp theo yêu cầu của công dân; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân…

Dự thảo nêu rõ, nghiêm cấm cung cấp sai lệch thông tin; hủy hoại, làm giả thông tin; cung cấp, sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực; tuyên truyền chiến tranh; gây thù hằn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất nghiêm cấm hành vi cung cấp, sử dụng thông tin để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Theo (chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *