Bên bờ hạnh phúc

Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật đấu giá tài sản áp dụng đối với việc đấu giá các loại tài sản phải đấu giá theo quy định của pháp luật; tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, tính đến ngày 31/12/2014 cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức bán đấu giá trong tổng số 1259 người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.

Các loại tài sản bắt buộc bán đấu giá ngày càng được mở rộng hơn. Số hợp đồng bán đấu giá thành, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm ngày càng tăng, thu ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động bán đấu giá đạt hiệu quả ngày càng cao. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 7/2010 đến tháng 12/2013, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã ký 23.059 hợp đồng bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 38.876 tỷ đồng, giá trị tài sản bán được hơn 41.959 tỷ đồng (vượt hơn 3.082 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Theo Bộ Tư pháp, hoạt động bán đấu giá tài sản đã góp phần làm công khai hóa, minh bạch hóa việc xử lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và tài sản của tổ chức, cá nhân, qua đó, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản, đóng góp vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương, bước đầu khẳng định hiệu quả của chủ trương xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực bán đấu giá trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập; doanh nghiệp bán đấu giá đã có sự phát triển đáng kể về số lượng nhưng tổ chức và hoạt động của phần lớn doanh nghiệp bán đấu giá còn chưa chuyên nghiệp, có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém…

Đấu giá tài sản công khai, minh bạch, khách quan

Bộ Tư pháp cho biết, trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như: Luật đất đaiLuật xử lý vi phạm hành chínhLuật thi hành án dân sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp… thì việc ban hành Luật đấu giá tài sản với trình tự, thủ tục bán đấu giá áp dụng thống nhất, phù hợp với tình hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp trong hệ thống các ngành dịch vụ ở nước ta, khuyến khích tổ chức, cá nhân tự nguyện bán đấu giá tài sản của mình, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là yêu cầu khách quan thực sự cần thiết.

Bộ Tư pháp đã dự thảo Luật đấu giá tài sản gồm 7 chương, 77 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định về đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại…

Theo dự thảo, đấu giá tài sản phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan; cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành; thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định.

Theo (chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *