Bên bờ hạnh phúc

Tiến sĩ Đỗ Đức Cường sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, mảnh đất cát trắng gió Lào, như ông tả – bốn tháng nắng, tám tháng mưa, đất cằn không trồng nổi khoai mì (sắn). Cái đói trong những năm tuổi thơ nghèo khó đã làm các anh chị em ông lần lượt chết vì đói. Năm lên 6 tuổi, cậu bé Cường khi đó cũng đã chết đói hụt một lần, nhưng sự may mắn của số phận đã cứu ông sống lại ngay khi đã kề miệng huyệt. Có lẽ chính hoàn cảnh như vậy đã thôi thúc trong ông sớm có ý thức học tập từ nhỏ “để vượt qua số phận hẩm hiu”.

Lớn lên, Đỗ Đức Cường theo học Trường Đại học Y khoa, rồi sau đó chuyển sang học ngành Kỹ cơ khí tại Đại học Phú Thọ (Đại học Tổng hợp) tại Sài Gòn. Năm 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, ông Đỗ Đức Cường đã trở thành người có chỉ số thông minh cao nhất, và được cấp học bổng sang Nhật Bản để theo học tại Đại học Osaka. Tại Nhật Bản, anh sinh viên Đỗ Đức Cường đã vừa đi học vừa làm thêm tại công ty Toshiba để tích lũy thêm kinh nghiệm và có thêm thu nhập.

Tiếp tục con đường học vấn, ông Đỗ Đức Cường sang Mỹ học về ngân hàng. Kể từ đó, Đỗ Đức Cường sống, làm việc tại Mỹ và một số quốc gia khác với tư cách là chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng. Ông còn được biết đến như một chuyên viên thông thạo trong nhiều lĩnh vực. Ông còn được nhiều người biết đến với một khả năng đặc biệt : viết một lúc hai tay bằng hai thứ tiếng Anh – Pháp. Cho đến nay, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường đã có ít nhất 58 phát minh, bằng sáng chế liên trong lĩnh vực ngân hàng và thiết bị viễn thông.

Và việc phát minh ra hệ thống máy rút tiền tự động ATM đến với ông Đỗ Đức Cường sau khi vào năm 1977, ông được đích thân Walter Briston, Tổng Giám đốc Citibank lúc đó, mời về tập đoàn nổi tiếng này làm việc. Khi đó, Citibank đang có chiến lược đẩy mạnh mở rộng hoạt động ra các quốc gia khác, tăng nhanh lượng khách hàng, tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở giảm thiểu chi phí. Tiến sĩ Đỗ Đức Cường được giao phó trách nhiệm thực hiện ý tưởng của W.Briston là tìm cách chuyển khách hàng từ kênh giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng qua kênh giao dịch tự động. Muốn thế, phải có những công cụ mới.

Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cùng đội ngũ kỹ sư của ông đã mày mò với quyết tâm tạo ra những cỗ máy có thể thay thế cho những giao dịch viên. Ở Mỹ thời điểm này, máy bán kẹo, thuốc lá tự động đã xuất hiện, nhưng giao dịch ngân hàng thì phức tạp hơn nhiều. Một năm sau, chiếc máy rút tiền tự động đầu tiên đã ra đời, to gấp bốn lần máy ATM bây giờ, nặng nề và "ngốn" của Citibank đến một triệu USD chi phí chế tạo. Tuy cồng kềnh, nhưng máy chỉ làm được một số giao dịch cơ bản. Từ chiếc máy đơn giản ấy, trong suốt 20 năm gắn bó cùng Citibank, ông Cường tiếp tục không ngừng cải tiến để có được những máy ATM hoàn thiện như ngày nay.

Sau hơn 30 năm sống, làm việc tại nước ngoài, tháng 6/2003, Tiến sĩ Cường về nước để tham gia trợ giúp kỹ thuật cho SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam. Nhân dịp đó, ông tìm hiểu, làm quen với ngân hàng Việt Nam, và thấy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới chỉ có máy ATM của một số ngân hàng nước ngoài và Vietcombank, chủ yếu dành cho khách hàng sử dụng thẻ quốc tế. Cùng thời gian đó, mẹ của ông ở quê nhà cũng lâm bệnh. Tiến sĩ Đỗ Đức Cường hối hận, day dứt khi chợt nhận ra : người mẹ của ông sau bao năm trời xa cách đang ở ngưỡng “gần đất xa trời”, quê hương Việt Nam của ông vẫn còn trong nghèo nàn, lạc hậu.

Sau đó, Đỗ Đức Cường đã từ bỏ công việc của ông ở Mỹ với mức lương trên 1 triệu USD/năm và trở về quê nhà để chăm sóc mẹ và góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng tại Việt Nam, nhằm phổ cập dịch vụ ngân hàng đến từng người dân trong nước. Giờ đây, Tiến sĩ Cường đang làm cố vấn cao cấp của các ngân hàng tại Việt Nam. Ông tư vấn cho nhiều ngân hàng và doanh nghiệp khác nhiều kinh nghiệm rất quý báu trong kinh doanh, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam “nối vòng tay lớn”, liên kết nhau để cùng phát triển.

 
Tiến sĩ Đỗ Đức Cường và các bạn trẻ

Ở cái tuổi gần 60, lại bị bệnh đau tim, Tiến sĩ Đỗ Đức Cường đang hối hả để làm sao chuyển giao được những kiến thức, truyền đạt công nghệ, kinh nghiệm mà gần cả đời người ông đã tích luỹ được từ nước ngoài cho trí thức trẻ trong nước để hiện đại hoá ngành Ngân hàng Việt Nam. Điều trăn trở nhiều nhất hiện nay của Tiến sĩ Đỗ Đức Cường là xây dựng và đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam biết tư duy, năng động và khát khao vượt qua chính mình. Trong chương trình đào tạo kiến thức cho những chuyên gia trẻ, tiến sĩ Cường đã điều phối, luân chuyển họ đến nhiều quốc gia để sau ba năm, họ sẽ trở thành những cán bộ năng nổ, có nền kiến thức căn bản và hơn lớp cha anh ở sự năng động, táo bạo.

Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cho biết, cách đào tạo của ông là không để các bạn trẻ thấy sự xuất hiện của ông với tư cách người thầy, mà chỉ là người bạn “lớn tuổi” chia sẻ kinh nghiệm. Ông khuyến khích họ nói ra những điều họ nghĩ và biết tự sửa sai. Trong số các em, các cháu đã được ông hướng dẫn, nhiều em đã trở thành những chuyên gia quốc tế “thượng thặng”, được các nước đánh giá cao. Ông tâm sự : “Tôi đã tâm nguyện sẽ sống chết cùng với các em, các cháu đến hết quãng đời còn lại trên chính quê hương mình”. Và Tiến sĩ Đỗ Đức Cường cho biết : “Những gì tôi đã làm cho Việt Nam không phải là cái công, mà là trách nhiệm của một người con đối với nòi giống, tổ tiên. Chúng tôi như những con ong bay đi bốn phương hút mật để trở về làm đầy túi mật cho quê hương mình. Đó là bản năng cuả loài ong chứ không phải là công lao… ”

Thật đáng trân trọng biết bao tấm lòng của ông dành cho quê hương! Xin cầu chúc cho Tiến sĩ Đỗ Đức Cường luôn có nhiều sức khoẻ, để tiếp tục thực hiện tâm nguyện của ông là dìu dắt những chuyên gia trẻ ngành ngân hàng Việt Nam sánh vai cùng đồng nghiệp các nước tiên tiến trên thế giới.

Vũ Anh Tuấn
Theo Patentstorm.us và báo chí trong nước – Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *