Bên bờ hạnh phúc

Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu năm nay, Bộ Tư lệnh Hải quân và Hải quân Vùng E đã tổ chức chuyến đi thăm, tặng quà và chúc Tết nhân dân và chiến sĩ các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du và Hòn Đốc… thuộc vùng biển Tây Nam nước ta. Cùng tham gia hành trình có hơn 70 đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và hơn 30 nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Nhân chuyến đi này, nhóm phóng viên Đài PT-TH Vĩnh Long đã thực hiện loạt ký sự “Mùa xuân trên biển Tây” để ghi nhận những hoạt động nhộn nhịp đón xuân của nhân dân và chiến sĩ các đảo xa, những hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên đảo, những tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của vùng biển đảo Tây Nam nước ta…

Kỳ 1 : Thổ Chu – mùa xuân đến sớm 

Từ bến tàu Rạch Giá, chúng tôi bắt đầu hành trình trên con tàu Super Dong. Đây là loại tàu chuyên chở khách đường biển từ Rạch Giá đi Phú Quốc hằng ngày, sức chứa trên 200 hành khách. Những ngày giáp Tết, nhu cầu về quê của mọi người khá nhiều nên các chuyến tàu ra đảo hay từ đảo về đất liền luôn hết vé sớm…

Trong chuyến tàu này có khá nhiều phóng viên các báo, đài địa phương và trung ương. Họ cũng như chúng tôi, tất cả đang trên đường đến Bộ Tư lệnh Hải quân tại Phú Quốc để cùng tham gia hành trình viếng thăm và chúc Tết nhân dân và chiến sĩ các đảo vùng biển Tây Nam… Từ Bãi Kem, chúng tôi lên con tàu vận tải 450 tấn của Hải quân Vùng E để bắt đầu cuộc hành trình đến đảo Thổ Chu. Khởi hành ngay trong đêm… Sau 7 giờ lênh đênh trên biển, tàu mới đến vịnh cảng Thổ Chu lúc 5 giờ sáng.

Gió cấp 5, sóng khá lớn nên thuyền trưởng phải cho neo tàu đợi đến sáng mới cho cập bến… Chuyện cập bến của một con tàu có trọng tải lớn không hề đơn giản. Phải mất hơn một giờ với nhiều thao tác chuyên nghiệp của đội ngũ thuyền viên để tàu có thể cập bến an toàn… Đây cũng là dịp để phóng viên ghi nhận những thao tác nghiệp vụ, chuyên môn của cán bộ và thuyền viên con tàu đã từng được Bộ Quốc phòng khen thưởng đặc biệt về nhiệm vụ vận tải và cứu hộ biển trong năm 2008 vừa qua… Rời bến tàu Rạch Giá rồi chuyển qua tàu vận tải hải quân số hiệu HQ627, chúng tôi đã đặt chân lên cầu cảng của đảo Thổ Chu… Nơi đây còn có tên gọi là cảng Bãi Ngự…

Hơn 70 thành viên trong đoàn gồm cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL và trên 30 phóng viên báo chí đã được lãnh đạo chính quyền và chiến sĩ đảo Thổ Chu chào đón nồng nhiệt… Thay mặt lãnh đạo và nhân dân đất liền, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đã chúc Tết và tặng quà cho chiến sĩ và nhân dân đảo… Lãnh đạo biên phòng cũng thay mặt nhân dân và chiến sĩ đảo Thổ Chu báo cáo tình hình chuẩn bị đón xuân mới của bà con và chiến sĩ trên đảo… Năm 2008 vừa qua, Thổ Chu được công nhận là đảo có kinh tế, xã hội phát triển nhanh và vững mạnh về an ninh, quốc phòng.

Quần đảo Thổ Chu nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc ta, cách đất liền hơn 200km, bao gồm 8 đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất, diện tích hơn 10 kilomet vuông. Nằm rải rác chung quanh là các đảo nhỏ có tên gọi theo địa phương là Hòn Chim, Hòn Nhạn, Hòn Kèo Ngựa, Hòn Từ, Hòn Cao Cát, Hòn Mô… và nhiều hòn nhỏ khác khi thuỷ triều xuống thấp mới lộ ra… Theo nhiều tư liệu cho biết, trên các bản đồ cũ, Thổ Chu gọi theo tên quốc tế là Poulo Panjang. Cặp theo cảng Bãi Ngự là khu vực chợ khá sầm uất với rất nhiều dịch vụ mua bán và nhìn không khác gì mấy so với các chợ trên đất liền. Bà con cho biết, cảng Bãi Ngự từ nhiều năm qua đã có đò khách thường xuyên ra vào đảo và đất liền nên các dịch vụ phục vụ đời sống cư dân đảo đã có khá nhiều… Năm nay, hàng phục vụ Tết cũng phong phú hơn…

Dân số đảo Thổ Chu hiện nay có hơn 1.000 người, trong đó có khoảng từ 500 – 600 người là dân tạm cư sống bằng nghề đánh bắt cá… Chúng tôi đến vào một ngày trời gió nhiều, biển động nên bà con neo tàu tại Bãi Ngự này tạm nghỉ, chờ khi biển lặng sẽ ra khơi… Có hơn 30 ghe loại nhỏ, kiểu dáng khá lạ so với ghe của vùng ĐBSCL. Hỏi thăm mới biết đây là những ghe đi biển của bà con ngư dân quê quán tận Quảng Bình đang sống tạm cư bằng nghề cá ở đảo này…

Bãi Ngự là một vùng biển nằm ở phía Tây Bắc đảo Thổ Chu. Do có núi bao quanh nên tạo thành hình chữ U chắn gió rất an toàn cho tàu neo đậu. Bà con cho biết, tên gọi Bãi Ngự là vì theo truyền thuyết, xưa kia nơi đây là bãi neo đậu tránh sóng của đoàn thuyền chúa Nguyễn trên đường tháo chạy đến đây đã tạm ẩn trú nơi này. Về sau, dân gian gọi là Bãi Ngự và truyền khẩu cho đến ngày nay… Lịch sử đầy thăng trầm của nước ta kể ra cũng có nhiều câu chuyện dân gian thật hay và thật nhiều ý nghĩa. Ông cha ta cũng đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của mình từ thuở xa xưa…

Những năm gần đây, phong trào chơi gỗ lũa ngày càng nhiều. Đó là nghệ thuật tạo hình từ những gốc, rễ cây cối đã già cỗi để phục vụ nhu cầu nghệ thuật của người dân. Ghé thăm một ngôi nhà nhỏ ven biển, thấy chủ nhân đang lui cui đục đẽo, chúng tôi tưởng là đã gặp một nghệ nhân đang sáng tác để kịp giao hàng mùa Tết. Nhưng không phải như dự đoán vì anh là cựu Chủ tịch xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Sau khi hết nhiệm kỳ, anh xin về công tác tại xã nhà trên đảo Thổ Chu. Hiện nay, anh là Chủ tịch Hội Khuyến học xã nhà…

Chỉ còn vài ngày nữa mới đến Tết, nhưng không khí chuẩn bị đón xuân và ánh nắng vàng trải khắp quần đảo này cho thấy một mùa xuân mới, thanh bình và ấm áp đã đến với quân dân biển đảo… Xin chúc bà con và những người lính đảo xa một mùa xuân yên vui, hạnh phúc…

Bài và ảnh : Quách Nhị

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *