Bên bờ hạnh phúc

Xây dựng chiến hào để sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: cuchitunnel.org.vn

Cách đây hơn 30 năm, Củ Chi là mảnh đất của những vườn cây ăn trái bạt ngàn xanh tốt… Sau hơn 30 năm, Củ Chi vẫn là nơi trù phú và không kém phần sung túc… Trong cái trù phú và xanh tốt ấy, có ai biết rằng, chính mảnh đất này đã từng hứng chịu biết bao bom đạn và sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù. Cũng chính trên mảnh đất này, người dân Củ Chi đã đổ biết bao máu xương để dành lại từng tấc đất và tạo nên cho quê hương một dáng vẻ oai hùng.

Củ Chi nằm ở hữu ngạn, gần hướng thượng nguồn sông Sài Gòn. Dòng sông hiền hòa này như một chứng nhân lịch sử. Dòng sông ngày đêm xuôi ngược như kể tiếp những câu chuyện về mảnh đất Củ Chi anh hùng. Giáp với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An và huyện Hóc Môn của TPHCM, trước đây, Củ Chi được xem là một trong những điểm quan trọng của vùng “tam giác sắt”, là nơi địch tập trung đánh phá quyết liệt. Trong chiến tranh, nơi đây phải hứng chịu một khối lượng lớn bom, mìn. Xác định Củ Chi là căn cứ quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, tổ chức trên 5.000 trận hành quân. Vì thế, Củ Chi trở thành nơi khô cằn, nơi mà “muốn thấy đất phải gạt bom mìn”…

Chiến tranh đi qua, Củ Chi đã có 18.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 10.500 liệt sĩ, gần 800 Mẹ Việt Nam anh hùng và hàng ngàn thương binh, trong đó có gần 100 người trực tiếp nhiễm chất độc màu da cam. Từ trong gian khó, người dân Củ Chi đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy để nơi đây được mệnh danh là Đất thép thành đồng.

Đào địa đạo (1965). Ảnh: cuchitunnel.org.vn

Ngày nay, Củ Chi có đường Xuyên Á đi ngang, nối với Cam-pu-chia qua cửa khẩu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Là nơi giáp giới giữa miền Đông và miền Tây, giữa đồng bằng và miền núi nên cấu tạo địa chất thuận lợi cho việc làm nông nghiệp, trồng các loại cây làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp như cao su, khoai mì, mía v.v… Vùng đất này ngày càng phát triển, có rất nhiều khu công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước…

Từ địa đạo Củ Chi, chỉ cần đi qua một đoạn đường hầm, chúng ta sẽ hiểu được vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một cường quốc giàu có vào bậc nhất! Vì sao Củ Chi là mảnh đất nghèo khó lại có thể đương đầu suốt mấy mươi năm với đội quân được trang bị vũ khí hiện đại và vì sao nhân dân Củ Chi lại có những chiến thắng oanh liệt như thế! Cảm xúc đầu tiên khi xuống địa đạo là sự bất ngờ, thú vị và niềm tự hào dân tộc, cảm phục nhân dân vùng đất Củ Chi anh hùng. Những người dân nơi đây đã cùng với nhân dân cả nước viết nên bản anh hùng ca bất diệt với những chiến công lừng lẫy. Đầu năm 1966-1971, địch đánh phá ác liệt trên đất Củ Chi, nhất là 6 xã phía Bắc vùng giải phóng bị Mỹ biến thành vùng trắng. Không chỉ có những chiến sĩ mà những người dân cũng không thể sống yên ổn trên mặt đất. Mỹ – Ngụy đã tàn phá hết mọi thứ, con người, nhà cửa… nhằm tiêu diệt màu xanh và xóa trắng vùng đất này. Nhưng cái khó không thể bó được cái khôn. Khi mặt đất gần như không còn màu xanh, chỉ là một màu trắng lạnh lùng và tang tóc, toàn bộ hoạt động cách mạng đã được chuyển vào lòng đất. Với tinh thần bám đất bám làng bảo vệ quê hương, những hầm chông, chiếc bẫy… đã được bố trí khắp nơi để bảo vệ những người chiến sĩ đang ngày đêm tay súng, tay cuốc. Giặc đánh phá ban ngày, họ cày cuốc ban đêm. Cày, cuốc để du kích ăn no, đánh thắng và cày, cuốc để đào hầm, công sự, địa đạo chiến đấu…

Địa đạo Củ Chi là một công trình kiến trúc độc đáo nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Đây là nơi ăn, chốn ở và hội họp của cán bộ cách mạng. Hệ thống địa đạo dài hơn 250 km, nằm ở gần phía cuối đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử và có 3 tầng khác nhau. Tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách 6m, tầng dưới cùng sâu tới hơn 12m là nơi trú ẩn, sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí v.v… Khu di tích liên hoàn này từng là căn cứ của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

Không nguy nga tráng lệ như những kỳ quan thiên nhiên, nhưng địa đạo Củ Chi mang một nét độc đáo riêng. Ngoài hệ thống thông hơi của những căn hầm gần mặt đất, còn có hệ thống thông hơi được thiết kế khoa học và độc đáo dành cho những căn hầm sâu trong lòng đất. Những ống tre được đặt nằm nghiêng từ trên mặt đất xuống những căn hầm. Bằng cách này, có thể lấy được nhiều không khí hơn và tránh được sự theo dõi của kẻ thù. Những chỗ thông hơi được xây dựng dựa trên cơ sở của những tổ mối trong rừng tạp. Chỗ thông hơi cũng được ngụy trang có hình dạng giống như tổ mối và được thông với nhiều độ sâu khác nhau trong địa đạo. Với hệ thống thông hơi này, những sinh hoạt trong căn hầm vẫn duy trì và diễn ra sôi động. Không chỉ sáng tạo ra chỗ thông hơi, trong quá trình chiến đấu, các chiến sĩ cách mạng còn tạo ra những cách để tránh sự tìm kiếm và phá hoại của kẻ thù qua chỗ thông hơi. Bằng chứng là, sau nhiều cuộc càn quét, tấn công như “dùng nước phá địa đạo”, “đội quân chuột cống”… kẻ thù vẫn không đánh phá được địa đạo.

Khó khăn, gian khổ không chỉ tôi luyện ý chí con người, mà còn giúp cho những người lính Củ Chi có thêm ý chí sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh. Lá trung quân không chỉ là câu chuyện truyền thuyết về một vì vua bôn ba trên đường chạy loạn như cách lý giải tên gọi của những người dân đối với một loại lá thường gặp trong những cánh rừng miền Đông, Tây Nguyên… mà loại lá này còn thể hiện rõ vai trò của mình trong cuộc chiến tranh. Những mái lá đơn sơ, những túp lều che tạm hay lớp lá ngụy trang trên mặt đất sẽ chẳng còn tồn tại dưới đạn, pháo, mưa bom nếu không có những chiếc lá trung quân. Với đặc tính không cháy lan, không bắt lửa, lá trung quân đã gắn liền với đời sống và sinh hoạt của những người chiến sĩ Củ Chi. Lá che cho chiến sĩ, đồng bào tránh mưa, trú nắng. Lá giúp vượt qua bao mưa bom, bão đạn của quân thù. Khi trên mặt đất không còn một màu xanh thì lá trung quân thực sự thể hiện vai trò quan trọng của mình.

Đến Khu di tích địa đạo Bến Đình, chúng ta sẽ được chứng kiến và tìm hiểu về cuộc sống của những người cách mạng xưa. Khu di tích này cũng có một công trình dưới lòng đất, nhưng không quy mô như ở địa đạo Bến Dược.Tuy nhiên, địa đạo Bến Đình vẫn có những nét độc đáo riêng. Cách Bến Dược hơn 10 km, khu địa đạo Bến Đình – xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi – có diện tích hơn 16 ha. Nơi đây cũng có hệ thống địa đạo như Bến Dược, nhưng có quy mô nhỏ hơn. Ngày nay, khu di tích địa đạo Bến Đình được cải tạo, phục hiện phục vụ cho khách tham quan, du lịch, nhiều nhất là du khách từ nước ngoài… Nơi đầu tiên vào địa đạo là một đường hầm nhỏ được thiết kế kiên cố, đi ngang tỉnh lộ 15. Từ dưới đường hầm, chúng ta vẫn nghe được tiếng rì rầm xe cộ và những hoạt động trên mặt đất…

Khu địa đạo Bến Đình tái hiện khá đầy đủ những hoạt động của chiến sĩ cách mạng xưa kia. Đến đây, du khách có thể hình dung được sự ác liệt của chiến tranh. Mặc dù trong hoàn cảnh như vậy, những người cách mạng vẫn lạc quan chiến đấu, sáng tạo những loại vũ khí phục vụ cho chiến tranh. Một điều đặc biệt hơn là hệ thống đường hầm trong địa đạo này được làm rộng hơn so với nguyên bản để phục vụ đối tượng tham quan là du khách nước ngoài. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho du khách vẫn là bếp Hoàng Cầm. Khó có thể hình dung người chiến sĩ cách mạng đã sinh hoạt và nấu nướng như thế nào với điều kiện trong lòng đất. Có đến đây mới tự hào về sự sáng tạo và tinh thần của dân tộc Việt. Sau bếp lửa bập bùng trong lòng đất là hệ thống đường hầm chứa khói. Sau nhiều tầng hầm, khói bay lên mặt đất, thành một làn sương mỏng là đà mà rất khó có thể phát hiện được. Ngày nay, du khách đến đây không chỉ được tham quan cách nấu bếp Hoàng Cầm, mà còn được thưởng thức những sản phẩm được chế biến từ căn bếp ấy…

Đến đây, chúng ta cảm nhận được một trong những nét đặc trưng nhất của Củ Chi là những rừng tre bạt ngàn xanh tốt. Những rừng tre này đã gắn bó sâu sắc với quê hương và con người Củ Chi. Tre che chở cho chiến sĩ, tre làm vũ khí chiến đấu, măng tre trở thành lương thực… Và mỗi tấc đất ở vùng địa đạo cũng được bảo vệ bởi những rừng tre. Khi bom rơi, pháo nổ, những thân tre dầy và lớp rễ đan chặt vào nhau đã bảo vệ cho địa đạo không bị sụp lún. Ngoài ra, tại địa đạo Bến Đình còn tái hiện lại trường bắn mà chúng ta cũng có thể tham gia cầm súng. Những tiếng súng được bắn bằng đạn thật từ nhiều loại súng khác nhau cho chúng ta cảm giác như đang chiến đấu giữa chiến trường.

Khu tái hiện vùng giải phóng ở Bến Đình được xây dựng chi tiết với những hình ảnh sinh động và chân thực của đời sống người dân trong những năm tháng chiến tranh. Mái chùa bị đổ, hố bom, người chồng vừa trúng bom nằm sâu dưới nấm mồ còn ướt… Những hình ảnh mất mát, đau thương xen lẫn với những hoạt động mà chỉ có trong chiến tranh mới có. Mặc dù vậy, chợ vẫn họp, người dân vẫn sản xuất phục vụ kháng chiến. Đây là một trong những nơi mà thế hệ sau có thể cảm nhận sinh động nhất về cuộc chiến tranh và những đau thương mất mát mà thế hệ cha anh đã trải qua.

Toàn cảnh Đền Bến Dược. Ảnh: cuchitunnel.org.vn

Trong chiến thắng oanh liệt của dân tộc, có biết bao chiến sĩ đã hy sinh. Để tưởng nhớ công ơn những người đã ngã xuống, khu tưởng niệm Đền Dến Dược được xây dựng. Việc lập ra ngôi đền tưởng niệm này như một biểu hiện cụ thể về tấm lòng thủy chung “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau đối với những người đi trước, những chiến sĩ đã một lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Đền Bến Dược được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đền được xây trên khu đất rộng hơn 70.000 m2, có cổng tam quan, nhà văn bia, tháp chín tầng và ngôi chính điện. Cổng tam quan được kiến trúc theo phong cách cổ truyền dân tộc, có hoa văn, mái cong như những ngôi đình làng. Trong điện, văn bia khắc tên của hơn 50.000 người con của Tổ quốc. Kiến trúc của đền mang dáng vẻ uy nghiêm và tĩnh mịch. Phía ngoài ngôi chánh điện có những bức tranh gốm miêu tả cuộc sống chiến đấu vô cùng ác liệt của chiến sĩ đồng bào trong hai cuộc chiến tranh. Công trình Đền Bến Dược không chỉ là nơi thờ cúng, tỏ lòng biết ơn, mà còn là một công trình của trái tim. Từ vùng đất ở miền Nam, những người dân Củ Chi đã góp phần lớn lao cho chiến thắng oanh liệt của Tổ quốc. Một lần đến Củ Chi, ấn tượng về mảnh đất anh hùng này sẽ theo chúng ta đến suốt cuộc đời. Đây là nơi chúng ta được tiếp thêm lòng tự hào dân tộc và hiểu thêm về sức mạnh tiềm ẩn con người Việt Nam. Với tầm vóc của mình, địa đạo Củ chi đã đi vào lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng, xứng danh là quê hương đất thép, thành đồng.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *