Bên bờ hạnh phúc
Dòng Pôcô mùa nắng tháng 4, nước rào rạt trôi hiền hoà, hai bên bờ cỏ vươn xanh biếc. Chiếc thuyền độc mộc dài, mảnh, sắc như một lưỡi gươm từ từ trôi ra giữa dòng, rồi thoắt cái rẽ nước vun vút, tưởng như tự thân nó đã lướt tới, không cần người chèo lái. Già Pêng nói, đó là chiếc thuyền già đẽo gần đây nhất, nó vừa được hạ thuỷ cách đây gần ba tháng

Thuyền độc mộc trên sông Pôcô

Tại vùng đất bắc Tây Nguyên này, thuyền độc mộc là phương tiện phổ biến trong sinh hoạt của cư dân bản địa dọc sông Pôcô từ bao đời nay. Một cán bộ văn hoá huyện Ia Grai cho biết: tại làng Nú, làng Yom (xã Ia Khai) và làng Bi (xã Ia O) – là những làng thuộc địa phận huyện Ia Grai nằm dọc theo bờ sông Pôcô – vẫn còn một vài người hiếm hoi biết đẽo thuyền độc mộc, nhưng đẽo thuyền đẹp nhất và uy tín hơn cả vẫn là già Rahlan Pêng của làng Nú. Thêm một điều đặc biệt thú vị: làng Nú chính là ngôi làng của người lái đò anh hùng A Sanh (người đã đi vào bài hát Người lái đò trên sông Pôcô).

Thủ tục “khai sinh” thuyền độc mộc

Già Pêng 60 tuổi, có “thâm niên” đẽo thuyền độc mộc từ hơn 30 năm nay. Hiện còn hai “hiện vật” quý là hai chiếc thuyền độc mộc do chính tay già làm vẫn được trưng bày ở bảo tàng tỉnh Gia Lai và nhà rông văn hoá huyện Ia Grai. “Hồi trước cứ đi theo hai, ba chiếc thuyền (theo người lớn làm thuyền – P.V) là biết làm liền!” – già Pêng nói. Và cứ thế, bao nhiêu bí quyết về “nghề” đẽo thuyền đã được kể lại bằng tất cả niềm hứng khởi, như thể chúng tôi đang chuẩn bị cùng già lên rừng tìm gỗ làm thuyền. Già Pêng cho hay, việc làm thuyền bắt đầu bằng cách vào rừng chọn cây. Đó phải là cây thẳng, to khoảng hai người ôm và nhất thiết phải là gỗ sao – một loại gỗ vừa bền, vừa nhẹ. Nhưng trên đường đi chặt cây thì phải xem con chim plang (một loài chim nhỏ tựa như chim chàng ràng) kêu sau lưng hay trước mặt; nếu nó kêu trước mặt thì đi tiếp, còn nó kêu sau lưng thì… đành phải vác rìu quay về. “Loài chim này thường báo cho mình biết những điều không may, nó kêu sau lưng nghĩa là kêu mình về đi, không nên đi tiếp vì sẽ gặp tai hoạ” – già Pêng giải thích.

Chỉ cho chúng tôi xem mấy thứ dụng cụ đẽo thuyền gồm Jong (rìu, dùng để chặt, đẽo), Jong kay (cuốc chim, dùng để khoét trong) và Jong xông (rìu bào, dùng để bào nhẵn mặt trong và ngoài thuyền), già Pêng kể tiếp: Khi đã chọn được cây gỗ ưng ý rồi, người ta sẽ dùng rìu hạ cây xuống. Phải dùng chính cái rìu đó chặt những cành cây nhỏ mang về nấu cơm cúng Yàng (trời). Sau khi cúng xong, hôm sau người ta mới quay lại bắt đầu việc đẽo thuyền; trong suốt mấy ngày đó phải ăn ngủ tại chỗ cho đến khi làm xong, có khi phải mất cả tuần lễ. Cái khó là phải đẽo sao cho cân đối hai bên mạn thuyền để khi hạ thuỷ không bị nghiêng; điều này chỉ có thể tính toán bằng con mắt quan sát am tường và đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người đẽo thuyền dày dạn. Xong xuôi, con thuyền còn được hơ qua lửa để định hình trước khi kéo ra bến nước. Tại bến nước, người ta cúng Yàng một lần nữa bằng cách đặt một quả trứng lên lưng thuyền (đã được đặt úp lại) để cầu may, mong cho thuyền không gặp sự cố khi hạ thuỷ; nếu nhà nào có điều kiện thì cúng thêm rượu ghè và một con heo. Thế là đã đầy đủ thủ tục “khai sinh” cho một chiếc thuyền độc mộc trên dòng Pôcô sau nhiều ngày kỳ công. Thuyền nhỏ nhất chở được khoảng 5 – 6 người, thuyền lớn chở được đến 15 người.

Đưa chúng tôi ra bến nước lồng lộng gió cách làng chừng hai cây số, nơi mấy chiếc thuyền độc mộc đang nằm gối đầu lên bờ ngơi nghỉ, già Pêng tự hào chỉ cho chúng tôi xem con thuyền do chính tay già đẽo. Già lắc đầu cười, khoe hàm răng lỏng chỏng khi tôi hỏi xem già đã đẽo được tổng cộng bao nhiêu chiếc thuyền độc mộc trong đời: “Làm xong là biết xong, nhớ làm gì nữa”. Già Pêng chủ yếu đẽo thuyền cho gia đình và cho người làng hay cư dân làng lân cận, thậm chí có người ở tận Sa Thầy (Kontum) cũng mời già sang đẽo thuyền. Chuyện làm thuyền không đơn thuần là làm ra một phương tiện sông nước mà đi liền với nó còn là cả một bề dày bản sắc, phong tục, văn hoá của người Jrai sinh sống bên bờ Pôcô.

Những “nghệ nhân độc mộc” cuối cùng

Già Pêng và chiếc thuyền độc mộc – bạn thiết thân trên dòng Pôcô

Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng hiện giờ, có thể nói số người nắm giữ bí quyết của “nghề” đẽo thuyền độc mộc tại Gia Lai chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cùng sang nhà già Pêng góp chuyện với chúng tôi hôm ấy còn có hai cụ già cũng đã quá 70 là già Duit, anh ruột già Pêng, và già HMơnh – những người cuối cùng biết đẽo thuyền của huyện. Nhấp mấy can rượu ghè, mấy ông già say sưa kể: Nương tựa vào dòng Pôcô, hàng bao năm nay, nhờ có thuyền độc mộc mà người làng Nú, làng Yom có thể đi đánh bắt cá, bẻ măng, hái rau, hoặc qua bên kia sông làm rẫy. Mỗi làng có bao nhiêu nóc nhà là có bấy nhiêu chiếc thuyền độc mộc. Những nếp nhăn trên khuôn mặt già Pêng giãn ra khi hào hứng nhắc lại chuyện năm ngoái già đã đánh bắt được tới mười mấy con cá lăng, mỗi con cân nặng từ 20 – 30kg. Mà thứ thịt cá thơm mềm vào loại đặc sản này có giá thu mua đến 60.000đ/kg, vào nhà hàng giá phải đội lên gấp đôi hoặc hơn thế nữa. Mỗi lần bắt được cá lăng là một niềm vui lớn của những người đánh bắt. Họ lấy tiền đó mua gạo ăn dần, phòng khi đói giáp hạt.

Như một nét chấm phá nhàn tản, yên bình của dòng Pôcô, thuyền độc mộc cũng “chuyên chở” những giây phút lãng mạn của những đôi trai gái Jrai. Ksor Bên, con gái già Pêng, tay bế con, đôi mắt to đen thoắt mơ màng khi nhắc lại chuyện ngày trước cô và người yêu vẫn thường chèo thuyền độc mộc dạo chơi trên sông Pôcô hoặc qua bên kia sông đi tìm hái trái dâu rừng…

Trên quê hương A Sanh bây giờ, những chiếc thuyền độc mộc nâu bóng, thanh thoát vẫn ngược xuôi suốt mặt sông Pôcô; nhưng, chúng đang có nguy cơ trở thành hoài niệm trong thời gian không xa. “Hồi trước vô rừng chọn được cây nào chặt cây đó, giờ thì phải xin… cán bộ lâm trường, nếu được lâm trường đồng ý thì mình mới dám chặt cây, còn không thì thôi” – già Pêng, già Duit, già HMơnh đều nghiêm chỉnh nói. Việc tìm nguyên liệu làm thuyền không còn dễ dàng như trước đây nữa, đó là lý do thứ nhất của sự mai một. Lý do thứ hai đáng lo nghĩ hơn đối với các già là mấy đứa trẻ không có đứa nào say mê với việc đẽo thuyền.

Không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối, tôi ngó ra phía mặt sông: rồi đây, dòng Pôcô mênh mang sẽ thương nhớ biết bao những dáng hình độc mộc…

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *