Bên bờ hạnh phúc

Đặt ra sự đối sánh giữa hai số phận, hai mảng thế giới xoay quanh một nhân vật khét tiếng có thực trong lịch sử nhân loại – Adolf Hitler, Eric không chủ tâm nhắc đến vấn đề chính trị, tư tưởng triết học hay lịch sử nhân loại. Ông đi vào lý giải vấn đề con người.

Tên sách : NỬA KIA CỦA HITLER
Tác giả : Eric-Emmanuel Schmitt
Dịch giả : Nguyễn Đình Thành
Phát hành : Nhã Nam Books & NXB Hội nhà văn

*****
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Adofl Hitler không thi trượt trường Mỹ thuật Viên?

Sẽ không có chiến tranh thế giới lần thứ II, sẽ không có cuộc thảm sát hơn 2 triệu người Do Thái? Sẽ không có cái chết của hàng chục triệu người của cả hai phe tham chiến?

Sẽ không có sự ra đời của nhà nước Ixraen hay sự hình thành nước Mĩ siêu cường, sẽ… ?

Tác giả Eric-Emmanuel Schmitt đã tạo dựng cuộc đời thứ hai cho Hitler, tạo ra số phận thứ hai (giả tưởng) cho toàn thế giới vào chính cái khoảnh khắc Hitler trở thành sinh viên trường Mỹ thuật.

Câu chuyện bắt đầu bằng một giả tưởng vào cái ngày Hitler thi trượt Học viện Mỹ thuật. Eric chọn ngày 08/10/1908 để làm một dấu mốc phân chia sự hình thành của hai nửa thế giới, hai cuộc đời, hai số phận.

Một bên là Adolf Hitler thi trượt với ảo tưởng thiên tài đã trở thành trùm phát-xít, đã gây ra chiến tranh thế giới và một bên là Adolf Hitler trở thành một họa sĩ siêu thực thuộc trường phái Paris, thân thiết với nhà phân tâm học Freud và là một giáo sư danh tiếng.

Tác phẩm được chia làm 4 phần, đánh dấu 4 giai đoạn chính trong cuộc đời của A.Hitler lịch sửAdolf H hư cấu. Bắt đầu bằng "Giây phút làm thay đổi thế giới… ", Eric đã ghi lại quãng thời gian Hitle sống vật vờ khắp các nhà trọ rẻ tiền, giả danh sinh viên mỹ thuật và luôn sống trong ảo tưởng mình là một thiên tài nghệ thuật.

Song song với đó là thế giới của Adolf H khi anh trở thành một sinh viên hội họa và quá trình học tập đầy gian khổ xen lẫn với vô vàn các mối tình vụng trộm. “Thần khải” ghi lại thời gian tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất của A.Hitler và Adolf H.

Trong khi A.Hitler từng bước vươn lên trên con đường chính trị và trở thành gã độc tài đồng trinh thì Adolf H cũng gặt hái được những thành công rực rỡ trên con đường nghệ thuật. Bức tranh Gã độc tài đồng trinh của Adolf H đã thể hiện một mối dây quan hệ mơ hồ của hai phần thế giới mà tác giả tạo nên.

Mười lăm giờ hai chín là mốc thời gian cuối cùng của cả hai nhân vật khi Hitler trải qua thời điểm gay go nhất của cuộc chiến tranh thế giới do chính tham vọng của hắn gây ra, còn Adolf H trải qua những biến cố của gia đình và sự nghiệp. Cuộc đời của A.Hitler chấm dứt bằng một cuộc tự sát để rồi sau đó "Ý thức Đức chỉ còn là một vết thương lẫn lộn giữa sự xấu hổ và tâm thần bất ổn" thì sự ra đi của Adof H được đánh dấu bằng sự kiện người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là một người Đức. Đó là "Một chiến thắng mới, một chiến thắng hòa bình, một chiến thắng không cướp đi cái gì từ nước khác"

Sự đan xen liên tục giữa hai khía cạnh : lịch sử và hư cấu, thực và ảo khắc sâu sự đối lập giữa hai thế giới mà Eric muốn nói tới. Câu chuyện được kể lại bằng một giọng thứ 3 khách quan đối với cả hai nhân vật, các mẩu chuyện về hai nhân vật xen kẽ với nhau dựa trên mối liên hệ chính là mạch thời gian.

Cùng một thời điểm, tác giả cho người đọc chứng kiến các sự kiện ở "cả hai phía của tấm gương". Cách kể chuyện đó ngẫu nhiên tạo ra một sự đối sánh rõ ràng. Các chi tiết lịch sử liên quan trực tiếp đến tiểu sử và sự nghiệp của Hitler được nhà văn ghi lại trung thực và sống động, giúp độc giả có được cái nhìn chân thực, đồng thời thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của nhà văn. Thế nhưng đề cập đến một vấn đề lịch sử và chính trị không phải mục đích chính của Eric.

Sinh động hóa cuộc đời của Hitler là cách nhà văn tạo nền cho những sáng tạo và sản phẩm hư cấu của cá nhân mình. Trái ngược với Hitler là hình ảnh của Adoft H với niềm say mê nghệ thuật và tình yêu cuồng nhiệt với cuộc sống.

Đưa vào trong tác phẩm của mình cả sự hiện diện của nhà phân tâm học Freud ở cái nửa hư cấu, Eric đã mượn chính cuộc đời của Hitler để phần nào lý giải về học thuyết được đánh giá là bước ngoặt về tư tưởng nhân loại trong thế kỷ XX.

Ở đây, độc giả nhận ra 2 nửa đối lập giữa A.Hitler và Adofl H về vấn đề ham muốn tình dục. Trong khi Hitler cực đoan hóa suy nghĩ về tình yêu, biến chúng thành những khái niệm vượt khỏi ham muốn nhục dục thì Adolf tìm cách lý giải những mặc cảm và ẩn ức tình dục của chính mình và thể hiện một con người say sưa hoan lạc.

Đặt ra sự đối sánh giữa hai số phận, hai mảng thế giới xoay quanh một nhân vật khét tiếng có thực trong lịch sử nhân loại – Adolf Hitler, Eric không chủ tâm nhắc đến vấn đề chính trị, tư tưởng triết học hay lịch sử nhân loại. Ông đi vào lý giải vấn đề con người. "Con người là gì? Con người được hình thành từ một loạt chọn lựa và hoàn cảnh. Không ai có quyền thay đổi hoàn cảnh nhưng ai cũng có quyền lựa chọn". Sự lựa chọn đưa đến những cuộc
sống, số phận hoàn toàn khác nhau.

Tác giả không "mặc định" Hitler là một kẻ điên, một "con quái vật của thế kỷ XX", mà ông có cái nhìn nhân tính hơn khi đánh giá : "Hitler chỉ là một con người bình thường như tất cả chúng ta… ", điều khác biệt là ông ta có những lựa chọn khác với chúng ta.

Từ đó, nhà văn lý giải “con quái vật” không phải một sinh vật hoàn toàn khác biệt, nằm ngoài con người, mà nó ẩn tàng trong mỗi người dưới dạng những dục vọng, ham muốn… Nó thúc đẩy người ta tới những lựa chọn để từng bước chiến thắng “con người” của chúng ta. Bằng những lựa chọn, người ta có thể “giam con vật ấy trong lồng suốt đời”. Kẻ thù nguy hiểm nhất của con người là chính mình. Để mặc nó hoành hành hay kiềm chế nó, mỗi quyết định trong từng khoảnh khắc nhất định ấy xâu chuỗi lại chính là cuộc đời và số phận mỗi người.

Như Hitler, như nửa kia dường đã có thật và cuối cùng không hề tồn tại của Hitler… ?

Phương Thảo – Theo TVN 

———————————

Tác phẩm Nửa kia của Hitler – bản dịch của Nguyễn Đình Thành – đã nhận được Giải thưởng dành cho sách dịch của Hội Nhà văn Hà Nội 2008

******

Dịch giả Nguyễn Đình Thành

"Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là vào năm 2005, khi tôi đang du học tại Pháp. Lúc đó, có một anh bạn thân người Do Thái nói với tôi rằng sẽ cho tôi mượn một cuốn sách đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của anh ấy. Nó làm anh phải suy nghĩ rất nhiều, và đề nghị tôi đọc. Đó chính là cuốn Nửa kia của Hitler.

Tôi cầm về nhà và đọc nghiến ngấu trong mấy ngày vì thấy rất cuốn hút. Đọc xong cuốn sách đó, tôi thấy thích quá. Sau đó, anh bạn ấy cho mượn thêm rất nhiều tác phẩm của tác giả Eric-Emmanuel Schmitt. Những tác phẩm khác của ông cũng gây ấn tượng mạnh đối với tôi.

Sau đó, tôi ra hàng sách mua về Việt Nam. Ngay lúc đó, tôi nghĩ rằng sẽ dịch cuốn sách này cùng hai quyển nữa là Đời nhẹ khôn kham của Kundera và Người đọc của Bernard Schlink. Hiện, cả hai quyển đã được dịch sang tiếng Việt.

Trước khi dịch Nửa kia của Hitler, tôi cũng tìm hiểu xem tác phẩm có đem lại điều gì cho người đọc hay không, có giúp cho độc giả suy ngẫm hay không, bởi văn chương luôn hướng thiện mà.

Cuốn sách này nói với người ta rằng, trong con người có cả cái ác lẫn cái thiện. Nếu không được chú ý, cái thiện sẽ bị cái ác lấn lướt, mình sẽ thành người ác. Cái ác có thể thể hiện ra bằng nhiều cách khác nhau, nhưng nếu mình ý thức được rằng trong con người mình có một con thú sẵn sàng làm những điều không tốt thì mình có thể chế ngự nó để làm cho mình trở nên thiện hơn.

Thông điệp thứ hai của cuốn sách này muốn gửi tới người đọc là cuộc đời con người có khi thay đổi bởi những chi tiết rất nhỏ. Ví dụ như Adolf và Hitler, cả hai người cùng thi vào trường Mỹ thuật, một người chỉ đỗ vớt thôi, nhưng cũng đã là bước ngoặt để sau này trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Người kia thi trượt bị quẫn trí, khép lòng mình lại, để cho con thú trong mình trỗi dậy, biến mình thành một người ác hoàn toàn. Tôi nghĩ rằng thông điệp gửi qua cuốn sách rất hay và nhân bản."

(Theo VieTimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *