Bên bờ hạnh phúc

Theo tài liệu của Ban Tuyên huấn Cửu Long, người chiến sĩ cách mạng đầu tiên cầm máy chụp hình làm báo là họa sĩ – nhà thơ Nguyễn Hải Trừng (sinh năm 1921). Từ năm 1932, Nguyễn Hải Trừng đã làm giao liên đưa thư cho Đảng tại Mỹ Tho. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng. Sau đó, ông lên Sài Gòn, vừa làm nghề chụp hình kiếm sống, vừa làm giao liên chó Xứ ủy Nam kỳ. Khi đã học rành nghề chụp hình, ông về Vĩnh Long, mở tiệm chụp hình tại thị xã và tích cực tham gia phong trào cách mạng tại đây. Thời gian này, ông lấy vợ là con gái ông Cao Văn Nhị, người gốc Triều Châu – Trung Quốc. Nhờ ông Cao Văn Nhị là một người giàu có, tiệm chụp hình của Nguyễn Hải Trừng được nâng cấp thành một tiệm lớn, rất có uy thế. Và cũng nhờ có tiền bạc, năm 1939, Nguyễn Hải Trừng đã ra Hà Nội, học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1940, ông là một trong bảy thí sinh miền Nam thi đậu học bổng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khó cuối cùng (1940 – 1943). Ông học chung với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm. Lúc đó, cùng với 20 sinh viên khác của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Hải Trừng đã tham gia “nhóm sinh viên bí mật” để hoạt động cách mạng. Ông cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ đã dùng chính các tác phẩm của mình để kêu gọi thanh niên đứng lên xả thân cứu nước.

Năm 1943, Nguyễn Hải Trừng trở về Vĩnh Long, nhưng vẫn tham gia làm báo “Thanh niên Sài Gòn”. Năm 1944, ông nhận nhiệm vụ làm Thư ký báo “Thanh niên Sài Gòn” do ông Huỳnh Văn Tiểng làm chủ bút, ông Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. Đây là tờ báo có xu hướng yêu nước tiến bộ nên tháng 9/1944, thực dân Pháp đã tổ chức vây ráp, bắt giam Nguyễn Hải Trừng cùng với Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Tư Nghiêm (*). Mãi đến tháng 3/1945, Nguyễn Hải Trừng và các đồng chí của ông mới được trả tự do. Ra tù, ông lại tiếp tục trở về Vĩnh Long hoạt động cách mạng. Do có năng khiếu hội họa, nhiếp ảnh và sáng tác thơ – văn, ông đã được tổ chức Đảng cử làm Trưởng ban Thanh niên tuyên truyền Vĩnh Long.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Hải Trừng được cử giữ chức Trưởng Ban Tuyên truyền Vĩnh Long.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Nhà Văn Việt Nam.

Như vậy, chính nhà thơ Nguyễn Hải Trừng là phóng viên nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Vĩnh Long. Rất tiếc là sau này, ông không chuyên theo nghề nhiếp ảnh, mà lại chuyên về sáng tác thơ – văn và rất thành đạt trong lĩnh vực văn học.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————–

(*) Xin kiểm tra lại chi tiết này (BBT.THVL)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *