Bên bờ hạnh phúc

(Nhật ký du lịch)

24/5

Nghe hướng dẫn viên kể, Đài Loan sớm có đường sắt xuyên Đài rất hoàn hảo, trong đó có cả đường cao tốc 300 km/ h. Đường bộ cũng như mạch máu ôm trùm cả đảo. Đến đại lục, bọn tôi đã ngạc nhiên vì mạng lưới giao thông quá tuyệt vời. Nay Đài Loan cũng vậy. Hoá ra, truyền thống làm đường là của người Trung Hoa nói chung (trong khi đó, một người bạn từng đi du lịch Ấn Độ nói rằng, bên Ấn, đường xá rất kém. Ra khỏi New Delhi chỉ có những con đường nhỏ đủ cho hai xe xuôi ngược tránh nhau như của Việt Nam, chưa kể là có khi vài chú bò bĩnh ra cả trên đại lộ).

Trên đường đến Đài Trung, nghe kể dân đây có một phong tục lạ – người già Đài Loan gốc đến 90% ăn trầu (con số có chính xác?) Các cửa hàng bán trầu nằm dọc các con đường nhánh, ở các thị trấn. Các cô bán hàng đều trẻ, ăn mặc đến mức tối thiểu, chỉ gồm có hai mảnh che thân.

Một kiểu đua đòi theo kiểu Tây phương chăng? Không phải!

Người hướng dẫn – để thoả mãn sự tò mò của chúng tôi – đã cho xe đi chậm lại, gọi mua hàng để cô bán hàng xuất hiện và một vài người hiếu kỳ trên xe lén chụp ảnh về khoe với ở nhà.

Nhìn gần hơn, thấy ăn mặc cởi mở vậy, nhưng các cô không son phấn gì hết, nét mặt lại hơi buồn buồn.

Từ 1998, lần đầu qua đại lục Trung Quốc, tôi đã nhận ra điều này. Là so với Hà Nội, thì ở Quảng Châu, Thượng Hải… tỷ lệ phụ nữ tô vẽ mắt xanh môi đỏ ít hơn hẳn.

Đến Đài Loan, lối sống này càng đậm nét. Vào các trung tâm thương mại lớn, bọn tôi gặp rất nhiều thanh niên mà giờ đây hay gọi là tuổi teen, nhưng không người nào có lối trang phục thách thức bất cần như bên mình. Cũng không thấy có những thanh niên cắm những cái loa nhỏ vào tai, chân rậm rịch vừa đi vừa nghe nhạc.

Không thấy những gian hàng bán các đồ hàng hiệu. Ngay một trong mấy trung tâm lớn ở châu Á – Trung tâm Thương mại “Mộng thời đại” ở Cao Hùng – cũng chỉ bán đồ do Đài Loan sản xuất, người hướng dẫn nhấn mạnh. (Chợt nhớ chợ đêm ở Hà Nội, chỉ hàng Tầu là nhiều. Ta với họ đúng là như thế giới đảo ngược của nhau). 

*** 

Một điều thú vị với người Việt khi đi du lịch nhiều nước châu Á là được mặc cả. Không chỉ có cái máy tính nhỏ làm công cụ, mà toàn bộ nét mặt, cử chỉ hành động của nhiều người cùng đi với tôi ở mọi tua tôi đã tham gia đều toát lên một niềm tự hào. Chúng ta đều là những kẻ lõi đời… Mua bán ở đâu chẳng là chuyện rền rứ lừa lọc… Ta sẽ làm cho dân những xứ giàu hơn ta biết rằng, người Việt kiên trì như thế nào, sành sỏi như thế nào và quan niệm của người Việt về hệ thống giá trị là linh hoạt đến như thế nào.

Nhưng đến Đài Loan thì cái ngón nghề đó không tìm được đất dụng võ. Ở chợ đêm Phùng Giáp – Đài Trung, hoặc Lục Hợp – Cao Hùng, có việc giảm giá, nhưng mặc cả đã rất khó khăn. Đến khi ra phố mua ở các tiệm tạp hóa nhỏ bình thường thì chỉ có chuyện bán đúng giá. “Giảm giá cho dân du lịch một chút!” – “Cửa hàng nào cũng vậy, chúng tôi không được phép làm khác”. 

*** 

Đền Văn Vũ ở Đài Trung có một cách kết cấu rất lạ mà tôi chưa gặp ở Trung quốc bao giờ : đem Khổng Tử và Quan Công đặt chung trong một ngôi đền.

Ngoài cửa, hai bên tả hữu có ghi rõ, một bên là Trọng Võ, một bên là Sùng Văn. Tinh thần này được thể hiện trong kết cấu ngôi đền. Phần thờ Khổng Tử được đặt cao hơn, với bức hoành phi Vạn thế sự biểu, giống như ở Văn Miếu – Hà Nội.

Nhưng phần thờ Quan Vân Trường mới thật hoành tráng và hấp dẫn.

Đến chùa Phật Quang Sơn. Bức tượng lớn 40 mét bằng vàng không quan trọng bằng toàn cảnh ngôi chùa. Tôi gặp ở đây không khí một thắng cảnh văn hoá Trung Hoa. Thật vậy, mặc dù thiếu vẻ cổ kính, chùa Phật Quang làm tôi nhớ tới, chẳng hạn, Linh Ẩn Tự ở Hàng Châu. Một tinh thần nghiêm trang của đạo Phật đang ngự trị. Trong lúc lo chụp ảnh, một người cùng đi trong đoàn đã từng qua cả Ấn Độ nhận xét :

– Anh xem, trên các phù điêu tượng Phật này, mặt người nào cũng quá đẹp, cũng thuần hậu mà thánh thiện .

Còn tôi thì tôi yêu ngôi chùa này ở hai khía cạnh khác.

Một là những hàng chữ đẹp, đẹp một cách sâu đằm mà phóng túng, tương tự như thứ văn hóa thư pháp có mặt ở Cố Cung, Di Hoà Viên, ở các danh thắng Hàng Châu, Tô Châu, đất Giang Nam hoa lệ.

Hai là cảnh những người đang học ở Học viện Phật giáo này đi lại trong khuôn viên ngôi chùa. Họ như đang sống trong một thế giới khác. Cả những người ngồi làm “công việc hành chính” ở các bàn thờ nữa. Thường họ nói khẽ đủ cho người nghe. Thành kính thiêng liêng toát lên từ nét mặt cử chỉ của họ.

Thoáng có ý nghĩ, đây có lẽ là cả một quan niệm về tu hành. Còn ở Việt Nam hôm nay, hình như trong nhiều trường hợp, đi tu chỉ là nhận lấy vai trò môi giới chúng nhân với thần thánh. Tu hành giống như một công việc mà không phải là niềm tin, là lẽ sống. Có đúng thế không hay do sự quan sát và tiếp xúc còn hạn chế của bản thân mà tôi có ấn tượng như vậy? Cuộc sống phàm tục xô đẩy khiến con người trở nên vô duyên với những gì cao khiết chân chính.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *