Bên bờ hạnh phúc

(Nhật ký du lịch)

22/5

Chỉ có mười người, lại toàn người già, năm mươi, sáu mươi, người già nhất đã tám mươi ba – đó là tình trạng của đoàn đi Đài Loan chúng tôi lần này. Du lịch Đài Loan quá mới mẻ và chưa hấp dẫn? Có thể thế lắm.

Sau này hỏi thêm, tôi được biết, trừ vợ chồng tôi, các thành viên trong đoàn đều đã đặt chân trên rất nhiều xứ sở, có người đã đi tới 20 nước.

Lần này, họ đi Đài Loan chẳng qua là để hoàn chỉnh thêm bộ sưu tập du lịch của họ.

Riêng chủ tâm của tôi lần này đi là muốn tìm hiểu thêm nền văn hoá Trung Hoa ngoài lục địa. Tôi đã làm điều này một phần trong những chuyến đi Singapore, Malaysia. Lần này, đối tượng khảo sát sẽ điển hình hơn (xin phép dùng chữ “khảo sát” cho oai – đi nhặt nhạnh thêm ít tư liệu, thế thôi!) 

*** 

Năm giờ chiều, giờ Đài Loan, chúng tôi xuống sân bay Đào Viên và ra cửa. Ngồi trên ô-tô, nhìn ra chung quanh, ấn tượng lớn nhất là hình như chả có gì đập mạnh vào trí não của mình cả.

Sau khi đã đi qua Bắc Kinh, Thượng Hải, cảm giác của tôi khi đi trên đất Đài Bắc cũng tương tự như cảm giác sang Praha sau khi qua Moskva.

Từ cái khổng lồ, đồ sộ sang cái đời thường, cỡ quen với tầm mắt, cách nghĩ của mình. Từ cái ham hố để khẳng định, thậm chí như là khoe mẽ sang cái thanh thản, vừa phải. Nhà Đài Bắc 15 – 20 tầng là cao nhất, nhiều khi chỉ độ 10 tầng. Tỏa ra sau những đại lộ là những dãy phố nhỏ. Không có những vỉa hè thênh thang. Không có những hàng cây thật đều thật đẹp. Không thấy nhiều biển quảng cáo. Không thấy những ngôi nhà mới xây, pa-nô khai trương còn dăng đỏ chói.

Nhưng chính vì thế, tôi cảm thấy dễ gần. Một dự cảm mách bảo tôi rằng, không chừng đây sẽ là thành phố thân thiện. 

*** 

Nhớ lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Tuyệt vời theo nghĩa vừa độc đáo, vừa hoàn toàn có thể hiểu được, và thật tương xứng với cảnh quan núi non chung quanh. Đúng là khu lăng mộ mang tầm vóc quốc gia.

Khu kỷ niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc không đẹp bằng. Nó gợi cảm giác có một cái xác quá to so với sức thu hút toát ra ngay từ lần gặp đầu tiên. Gian thờ chỉ gồm bức tượng, trông như những ngôi chùa từ thời Đường Tống mà năm ngoái tôi thấy ở núi Nga Mi. Toà nhà chính trông lại phảng phất phong vị Mãn Châu. Cũng mảng ngói màu xanh, tường trắng. Không có cái vẻ thâm u. Không gợi sự thiêng liêng xa vời. Nhưng chính vì thế lại mang lại cho người tới thăm – dù chỉ lai vãng vài chục phút – một cảm giác gần gũi. Từ khu tưởng niệm ra phố, không cảm thấy hụt hẫng. Nói cách khác, cả khu tưởng niệm đã là một phần của đời sống người dân Đài Bắc.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *