Bên bờ hạnh phúc

NGƯỜI CON ĐẤT CÙ LAO AN BÌNH

Dãy cù lao trên sông Tiền mênh mông nối từ giữa sông Tiền Giang ra biển chiều dài trên 150 cây số. Ở đầu cù lao hai bên là sông rộng lớn, mặt nước, trời mây bát ngát, quanh năm sóng vỗ. Cù lao nằm trên sông trống trải như giữa biển, quanh năm ánh mặt trời chiếu sáng, nên người ta đặt tên cù lao Minh. Minh là sáng, tục gọi như thế.

Theo gia phả, dòng họ Lê từ miền Trung về đây lập nghiệp 5 đời. Lê Văn Nhựt là đời thứ 6, sinh ngày 15/4/1904 – Giáp Thìn, quê quán xã An Bình, tổng Bình Long, nay – huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Cha là Lê Văn Bình, làm Hương sư chức việc, lo việc học vấn trong làng. Mẹ Nguyễn Thị Long, người làng Long An, cùng huyện. Gia đình nông dân khá giả. Lê Văn Nhựt là con thứ ba trong gia đình 9 anh em nên gia đình mong muốn Lê Văn Nhựt có điều kiện đi học để về dẫn dắt đàn em nên người hữu dụng sau này.

Năm 1918, Lê Văn Nhựt 14 tuổi, cùng cha đi đò sang Mỹ Tho rồi đi xe lửa lên Sài Gòn, đi tàu sang đất phương Tây du học. Thời buổi vác giạ vay lúa, không ai vác giạ vay chữ. Việc bấm bụng cho con học xa là một sự tiến bộ, ước mong con đỗ đạt nên danh, đổi thay thân phận người nông dân luôn quẩn quanh nơi mảnh ruộng sân nhà. Cứ mỗi năm, gia đình phải bán vài mẫu ruộng để đổi lấy kiến thức. Sau khi đỗ tú tài, Lê Văn Nhựt chọn ngành Y. Nghề y cốt làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, so ra ở Nam bộ, thầy thuốc rất hiếm. Cảnh dân nghèo đau không thuốc không thầy hàng ngày chứng kiến đã khiến Nhựt băn khoăn suy nghĩ, từ đó, Nhựt hăng hái học ngành Y. Ở phương Tây đất nước giàu có, nhưng cũng có người nghèo, nhất là công nhân lao động sống cũng vất vả. Nghĩ lại quê nhà dân quanh năm đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương đổi lấy miếng cơm manh áo. Đất nước nô lệ, dân mất tự do, cuộc sống lầm than. Theo dõi báo chí tình hình quê nhà, dân liên tiếp biểu tình chống áp bức, chống sưu cao thuế nặng ở vùng châu thổ Cửu Long. Phía sau đó là bị bắn giết, tù đày, bị đòn roi, thiếu trước hụt sau.

Tháng 6/1930, được tin bất ngờ người cha đã từ trần, Nhựt xin phép vội về để tang. Còn một năm nữa mới ra trường, bằng Tiến sĩ Y khoa sẽ cầm chắc trong tay.

Dự tang cha, Nhựt gặp Nguyễn Văn Thiệt, người anh con cậu thứ hai hiểu tình hình trong nước, trong tỉnh, tính chuyện nên ở lại tham gia cách mạng hay tiếp tục đi học. Đây là bước ngoặt lịch sử trong đời. Nhựt quyết định ở lại, tham gia cách mạng và chọn con đường dạy học, sang dạy ở Cần Thơ, từ chối sự mời mọc nhiều lần của Elepommez – Chủ tỉnh Vĩnh Long – ra tham chính. Lê Văn Nhựt thường gặp gỡ Nguyễn Hữu Thọ – người bạn biết từ lúc học ở Pháp. Nguyễn Hữu Thọ về nước năm 1932, nhiều năm tập sự ở Vĩnh Long. Lê Văn Nhựt dạy học. Cả hai gặp nhau hay bàn công việc xã hội, việc báo chí thời sự. Lê Văn Nhựt bí mật tham gia hoạt động do Nguyễn Văn Thiệt tổ chức, gây dựng cơ sở cách mạng và vinh dự vào Đảng do Nguyễn Văn Thiệt giới thiệu kết nạp.

Lê Văn Nhựt đẹp người, dáng cao ráo, trắng, nói năng mực thước, lại có chiều sâu, hiểu người hiểu ta, hiểu cả trong lòng bộ máy chính quyền, tấm lòng ai trắng đen ông nhận xét thấu đáo. Vì thế, sau khi cướp chính quyền ở Vĩnh Long 25/8/1945, Lê Văn Nhựt được phân công làm Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc. Trần Văn Lợn (giáo Lợn), giỏi võ, giỏi thể thao, đã từng bị bắt làm lính tập, được phân công làm Trưởng Ban quân sự.

Niềm vui được giải phóng, gấp rút bắt tay ngay vào việc xây dựng lực lượng bảo vệ chính quyền cách mạng.

Sau ngày 29/10/1945, Pháp tái chiếm Vĩnh Long, Lê Văn Nhựt chỉ đạo Ban công tác trừ gian. Lực lượng công an xung kích phối hợp lực lượng võ trang tổ chức đốn cây làm cản ngăn tàu địch sông Long Hồ và ven thị xã, đã đánh địch các trận cầu Lầu, cầu Ông Me, Đất Méo, Ngã tư, gây cho địch nhiều tổn thất. Địch tổ chức càn quét kết hợp bọn gián điệp đầu hàng phản bội, gây cho ta nhiều trở ngại. Lê Văn Nhựt chỉ đạo tiêu diệt tên Quận Nghĩa – tên ác ôn chỉ điểm được địch tấn phong làm Quận trường Châu Thành (Huỳnh Văn Nghĩa), từ đó làm cho địch chùn bước, đặc biệt là tiêu diệt đồn Bình Hòa Phước, hàng chục tên ác ôn đền tội. Tên Rô-be Nghiêm – Trưởng đồn – thoát chết. Đầu tháng 2/1946, một chuyến ghe vượt sông Cổ Chiên sang Tiền Giang để đưa đồng chí Lê Văn Nhựt đi trị bệnh. Sau khi bị thương ở đùi, Lê Văn Nhựt tạm về ở xã Long Mỹ (Long Hồ) điều trị. Địch theo dõi ráo riết, bất ngờ phục kích bắt giữ. Chúng dùng đòn tâm lý, mua chuộc Lê Văn Nhựt kêu gọi đồng đội ra hàng, suốt cả tuần lễ không khai thác được gì.

Một bữa, tên Chủ tỉnh Trần Thiện Tỵ, tên Savani – Đại úy Pháp, có cả Rô-be Nghiêm đến tỏ vẻ thông cảm, “đề cao Lê Văn Nhựt từng học ở Pháp, người có năng lực, mời ra cộng sự với chức vụ trọng hậu. Còn khai hay không tùy ý, có khai còn được trọng thưởng”. Chờ suy nghĩ qua ngày sau, Lê Văn Nhựt sẽ trả lời.

Mấy ngày trước chúng đánh đập, nay nó tỏ vẻ chăm sóc, băng bó vết thương. Lúc tỉnh, lúc sốt nặng, Lê Văn Nhựt nhớ lại cảnh đồng bào bị thảm sát ở vàm Cái Kè, vàm Cái Muối, bao nhiêu người bị chết, bị hãm hiếp, nhà cửa quanh thị xã bị thiêu rụi. Lợi dụng chúng giam nới lỏng, Nhựt viết bức thư liên hệ gửi về gia đình.

Và ngày hôm sau, trước giờ phút quyết định, Ba Nhựt như được tiếp thêm sức. Ông thét lớn, chửi thẳng vào mặt chúng : “Không! Tôi thà chết chứ không bao giờ theo chân bọn bây. Quân cướp nước!”. Như bị tát vào mặt đau điếng, cả bọn chúng rút lui trong cơn giận dữ. Sau đó, địch dùng đòn tra tấn rất khốc liệt, Ba Nhựt vẫn giữ tròn khí tiết. Đến một ngày, lực lượng vũ trang quanh thị xã phục kích tại cầu Rạch Tre xã Phú Đức, quận Châu Thành (nay thuộc thị trấn Long Hồ), bắn chết 3 tên Pháp đi lùng sục bắn giết đồng bào.

Để trả thù hèn mạt, đêm 18/10/1946, địch bí mật thủ tiêu, đem bắn ông Lê Văn Nhựt ở vàm Cái Bát, xã Chánh Hội, quận Cái Nhum (nay thuộc huyện Mang Thít).

15 ngày sau khi Lê Văn Nhựt hy sinh, bà Nguyễn Thị Mai – vợ ông – nhận được bức thư với những dòng chữ vắn tắt :

Em,

Anh bị bắt. Chúng dụ dỗ anh về cộng tác với chúng, được ân thưởng. Anh dứt khoát thà hy sinh không bao giờ theo giặc. Dự đoán, chúng sẽ đưa anh đi xa.

Em không nên tìm vội làm gì, sẽ có nhiều liên lụy nguy hiểm.

Em hãy can đảm nuôi con và dạy chúng sự nghiệp mà anh đi còn dang dở…

5/8/1946
Anh L.V.N

Vào một đêm tại bờ sông Long Hồ, thay mặt lực lượng vũ trang, Nguyễn Văn Thiệt, Trần Văn Lợn tổ chức lễ truy điệu và phát động đồng đội quyết chiến đấu trả thù cho Lê Văn Nhựt.

Bà Nguyễn Thị Mai, người nữ sinh trường Áo tím ngày nào vẫn một mực thủy chung, lấy tên Nguyễn Thị Nhựt thay tên Mai để mỗi ngày nhớ người chiến sĩ trọn đời với cách mạng. Bà dạy dỗ nuôi con ăn học. Người con lớn 17 tuổi chở ra vùng giải phóng cho đi kháng chiến chống Pháp. Đứa con trai út, năm Đồng khởi lên đường chống Mỹ cứu nước.

CỒN XANH, CÔNG VIÊN ĐỎ

Tại ấp An Thạnh, xã An Bình, huyện Long Hồ, ngang TPVL có ngôi nhà tưởng niệm tú tài Nhựt – Anh hùng LLVT (Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký quyết định số 341 ngày 22/7/1988). Bên cạnh nhà tưởng niệm có cụm mộ ông Lê Văn Nhựt, bà Nguyễn Thị Mai và người con út – liệt sĩ Lê Văn Khôi. Khu mộ nằm giữa cái hồ rộng nuôi nhiều loại cá đặc sản. Bên khu mộ trồng nhiều loại kiểng quý, quanh năm tỏa ngát hương.

Đi vòng quanh ngôi mộ, có cảm tưởng như vườn hoa nhỏ. Trước ba ngôi mộ, ngoài tóm tắt tiểu sử từng người còn có dòng chữ : “Cái quý của con người là sự sống. Cho nên phải sống sao cho ra sống, để trước khi nhắm mắt xuôi tay không phải ân hận là mình đã sống hoài sống phí, sống không mục đích, không lý tưởng, không lẽ sống cao đẹp, không góp công sức mình vào sự nghiệp giải phóng giai cấp và nhân loại cần lao bị áp bức” (1).
Thăm công viên mi-ni, chúng tôi xúc động thắp những nén hương tưởng niệm những người con bất khuất. Nhớ mãi vùng đất cồn xanh tươi trù phú, cây trái quanh năm hiến dâng vị ngọt cho đời.

Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu
——————————-

(1) Lời của nhà văn Macxim Gorki (*)

(*) Nguyên văn : “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, nên phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng : Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người" – Trích tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô-viết Nikolai Alexeevich Ostrovsky (BBT.THVL)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *