Bên bờ hạnh phúc

Thời buổi kinh tế khó khăn đã khiến người Anh phải thay đổi cả thói quen ăn uống vốn khó tính của mình. Các món ăn từ nội tạng động vật bỗng nhiên trở thành món ngon, lượng bán ra tăng đến 67% so với cách đây 5 năm.

Các chuyên gia ẩm thực cho rằng, giá thịt tăng lên và nền kinh tế đi xuống là nguyên nhân khiến khách hàng chú ý hơn đến mặt hàng nội tạng bày bán ở các siêu thị. Nhưng thực ra, xu hướng ăn uống này đã manh nha từ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm nay bùng nổ, khi các đầu bếp và các nhà hàng danh tiếng "bạo dạn" quay lại nấu các món ăn từ gan và thận, vốn có thời rất được yêu thích ở Anh.

Nội tạng trở thành món ngon tại các nhà hàng – Ảnh :  AFP/Getty

Ở ASDA, chuỗi siêu thị lớn thứ hai ở Anh và là một chi nhánh của Wal-Mart, lượng nội tạng bán ra tháng trước đã tăng 20% so với tháng 11/2007. Sainsbury"s, chuỗi siêu thị lớn thứ ba ở nước này cũng bán được nhiều gan lợn, gan gà và thận lợn hơn hẳn so với năm ngoái. Công ty phân tích công nghiệp Mintel dự báo doanh thu từ mặt hàng nội tạng của Anh năm nay có thể đạt đến 62 triệu USD.

Vậy lý do là gì? "Chẳng qua là vì giá cả tăng thôi", ông Bob Cotton, CEO của Hiệp hội hiếu khách Anh, tổ chức đại diện cho 60.000 khách sạn và nhà hàng ở Anh, đưa ra câu trả lời. "Tôi không thể nói là người Anh tự dưng phải lòng các món ăn từ nội tạng đâu. Nói thế là thổi phồng quá đáng".

Cũng có thể. Nhưng khi người Anh mua lưỡi, óc, ruột non và chân giò về nấu, họ không chỉ để tâm đến giá cả. Theo đầu bếp Fergus Henderson, người tích cực vận động cho xu hướng trở về với những món ăn từ nội tạng và đã mở nhà hàng St.John chuyên về các món ăn kiểu này ở London ngay từ năm 1994, thì khẩu vị mới là điều đáng nói, và bất cứ bộ phận nào nếu biết chế biến đều rất ngon. "Không việc gì phải vận động cho các món ăn từ nội tạng cả, vì mọi người đều có chung ý kiến rằng chúng rất ngon. Năm 1999, đầu bếp Henderson đã viết cuốn sách dạy nấu ăn "Ăn từ đầu đến đuôi : Một phong cách nấu ăn rất Anh" rất được công chúng yêu thích".

Hugh Fearnley-Whittingstall, cũng là tác giả của rất nhiều cuốn sách dạy nấu ăn và dẫn chương trình nấu ăn trên truyền hình, cũng ủng hộ dùng nội tạng thay cho các loại thịt cao cấp. Trong các chương trình gần đây, Fearnley-Whittingstall đã hướng dẫn khán giả cách chế biến mọi bộ phận của con lợn và nhấn mạnh rằng, ông rất khuyến khích họ nấu ăn như vậy.

Ở những nước châu Âu khác, nội tạng đã có lúc gần như biến mất khỏi các thực đơn. Nhưng nay, xu bướng ăn uống này lại đang dần trở thành mốt. Lượng nội tạng bán ra trong ba tháng qua ở Tây Ban Nha và Pháp đều tăng đáng kể. Liên minh các nhà buôn nội tạng toàn Pháp thậm chí còn tổ chức các đợt quảng bá hàng năm và kéo dài trong nhiều tháng, lôi kéo những đầu bếp danh tiếng tham gia và xuất bản một cuốn sách tập hợp những công thức chế biến nội tạng của những nhà hàng uy tín nhất.

Thực ra, nước Anh vốn có truyền thống ăn nội tạng từ lâu. "Chẳng phải nước ta đã có thời ăn tất cả mọi thứ sao?", Ivan Day, nhà sử học ẩm thực chuyên nghiên cứu các món ăn của Anh và châu Âu, nhận định. Lancashire, vùng công nghiệp phía Tây Bắc nước Anh, rất nổi tiếng với những món ăn từ nội tạng như gan, thận, lòng, móng bò và chân cừu. Cách đây một thế kỷ, ở Manchester cũng có đến 260 nhà hàng chuyên các món lòng, trong đó có faggot – một món ăn truyền thống của Anh làm từ gan lợn, thịt mỡ và thảo dược nhồi trong ruột non. Scotland cũng không thua kém với món haggis nổi tiếng, làm từ tim, gan và phổi cừu hoặc bê, nhồi trong dạ dày rồi nấu sôi với yến mạch và gia vị.

Haggis

 
Lương thực khan hiếm trong và sau Thế chiến thứ hai đã khiến người Anh phải ăn uống đơn giản hơn. Các gia đình dần dần không nấu các món ăn từ nội tạng nữa, và người Anh dần trở nên khó tính trong ăn uống. "Chúng ta đã trở thành một quốc gia ăn lấy được, tự hạn chế thú vui ăn uống của mình với những món nâu nâu để gọn gàng trong những cái khay nhựa bé tẹo, lại còn thêm nilon bọc ngoài trông cho gọn ghẽ và sạch sẽ", nhà sử học ẩm thực Ivan Day nhận xét.

Rất nhiều loại nội tạng, đặc biệt là óc, đã bị cấm khi dịch bệnh bò điên bùng phát cuối thập niên 1990. Ông Day cho rằng sự trở lại này là dấu hiệu dân Anh đã có cảm tình hơn với các món ăn truyền thống. "Người Anh đang trưởng thành dần trong nhận thức về ăn uống", ông nói. "Họ chỉ đang phát hiện ra thức ăn". Hay đúng hơn là tái phát hiện. Phải chăng khủng hoảng kinh tế cũng có mặt tốt của nó?

Thuỷ Chung (dịch từ Time) – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *