Bên bờ hạnh phúc
Học sinh Việt Nam không tồi, nhưng rất vất vả, và không có thời gian hưởng thụ cuộc sống

Khủng hoảng với người tổ chức, không phải với bản thân nền giáo dục

– Thưa ông, một số người nói rằng giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi không nghĩ thế. Chính xác hơn, khủng hoảng chỉ xảy ra ở những người tổ chức nền chứ không phải khủng hoảng nền giáo dục.

Nền giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay có những nhược điểm của nó, nhưng vẫn là một nền giáo dục và vẫn cho ra sản phẩm. Những sản phẩm của giáo dục Việt Nam là kết hợp của sự cố gắng một cách chưa đầy đủ của những người tổ chức và quản lý giáo dục và những cố gắng bù đắp hạn chế của cơ sở hạ tầng giáo dục của xã hội Việt Nam, của các gia đình học sinh – và không phải tất cả các sản phẩm ấy đều tồi, vẫn có những sản phẩm tốt.

Nếu nói về sự khủng hoảng thì chúng ta phải xem xét nó ở khía cạnh này :

+ Thứ nhất, những quan điểm về chất lượng, tiêu chuẩn, khuynh hướng và đòi hỏi của nền giáo dục không rõ ràng, không nhất quán và không hội tụ đủ sự đồng thuận của xã hội;

+ Thứ hai, nền giáo dục của chúng ta không bắt nguồn từ việc xác lập những mục tiêu, những đòi hỏi của xã hội và thiết lập một chương trình thoả mãn những đòi hỏi ấy. Cho nên, theo cách nói hơi chế giễu của một số người, nó trở thành nền giáo dục "vô cảm".

Giáo dục Việt Nam mang tới bệnh "thiếu hạnh phúc mãn tính"

– Ý của ông là sự mâu thuẫn về mục tiêu, đòi hỏi của người tổ chức nền giáo dục với người thụ hưởng nền giáo dục sẽ tạo nên một "nền giáo dục vô cảm"?

Đó chính là mâu thuẫn rất lớn, rất căn bản. Trong khoảng nửa thế kỷ, giáo dục Việt Nam mang tới sự thiếu hạnh phúc thường xuyên, mãn tính đối với học sinh. Vô vàn nội dung đào tạo bắt buộc, cộng với những chương trình bổ trợ kiến thức khiến lượng thông tin dồn vào chương trình học tập quá lớn. Vì thế học sinh Việt Nam không tồi, nhưng rất vất vả, và không có thời gian hưởng thụ cuộc sống ở thời kỳ quan trọng nhất của hình thành nhân cách.

Thay vì nhặt vào tiềm thức những ấn tượng tốt đẹp nhất của đời người, dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, vui chơi… học cách làm người, các em phải gồng mình với gánh nặng và sức ép của thời lượng học và những mâu thuẫn vốn dĩ không đáng có : cuộc tranh cãi về tăng học phí, quan niệm về tốt xấu và nhân cách…

Phải nói rằng, sự khủng hoảng hiện nay không phải là sự khủng hoảng của nền giáo dục, mà là sự khủng hoảng các quan điểm giáo dục. Các em học sinh cũng không khủng hoảng, mà các em học hành rất vất vả và sự hình thành nhân cách của các em diễn ra trong những điều kiện rất khó khăn. Các em không được hưởng những sự yên tĩnh vốn có của đời sống học sinh như trong chiến tranh. Bây giờ, các em phải đứng giữa những cuộc tranh cãi về mặt quan điểm giáo dục…

– Có một số người nói, thời chiến tranh, người ta chỉ có hai gam màu tối hoặc sáng, trở thành người tốt hoặc người xấu. Nhưng bây giờ trong thời bình, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá, người ta bắt đầu có nhiều sự phân vân lựa chọn : trở thành một người giống như người Mỹ, một người giống người Nhật hay một người giống như người Trung Quốc… tức là các sắc độ giữa sáng và tối là rất phong phú, buộc người ta phải phân vân lựa chọn. Chính sự phân vân này của xã hội cũng dội vào trong giáo dục. Như vậy, có phải sự phân vân hay sự không yên tĩnh ấy là kết quả tất yếu của sự phát triển xã hội?

Đừng nói rằng trong chiến tranh, chúng ta đơn giản hơn bây giờ. Trong chiến tranh, chúng ta áp đặt một quan điểm đơn giản hơn thì có thể, nhưng trong chiến tranh, cuộc sống không hề đơn giản hơn.

Lúc đó, người Việt Nam không phải không nghĩ đến vẻ đẹp của người Pháp, người Mỹ, vẻ đẹp của những nền văn hoá khác thâm nhập vào Việt Nam. Thậm chí, toàn bộ việc truyền tải những giá trị văn học và văn hoá của nhân loại vào Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh tốt hơn nhiều so với bây giờ.

Trong chiến tranh, các thày giáo của thế hệ chúng tôi biết nhiều hơn, biết một cách chắc chắn hơn, biết một cách căn bản hơn, biết một cách ổn định hơn các thày giáo bây giờ.

Phần lớn những cuộc thảo luận trong xã hội về giáo dục bây giờ là của những thày giáo của thế hệ tôi, ví dụ như giáo sư Văn Như Cương, giáo sư Hoàng Tụy… Họ xót xa cho cái quãng thời gian cực kỳ quan trọng để hình thành nhân cách con người.

Tuy nhiên, những cuộc tranh luận ấy chưa đi đến đâu cả, bởi vì cái mâu thuẫn căn bản không giải quyết được ở đây là mâu thuẫn giữa đòi hỏi của chính trị và đòi hỏi tự nhiên của đời sống đối với giáo dục.

Việt Nam đang chấp nhận triết lý giáo dục sai

– Có nhiều người cho rằng chúng ta thiếu triết lý giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Chúng ta không thiếu triết lý giáo dục, mà chúng ta đang chấp nhận một triết lý giáo dục sai.

Nếu thiếu triết lý thì mỗi một trường phải khác nhau và có chất lư
ợng khác nhau. Sự phổ biến của những giá trị thấp, của những giá trị không có chất lượng một cách rộng rãi trong nền giáo dục Việt Nam thể hiện rằng chúng ta có một triết lý giáo dục và triết lý ấy sai. Cho nên, chúng ta cần phải tìm ra một triết lý đúng đắn.

Trong quyển sách "Cải cách và sự phát triển", tôi đã nói rằng phải trả lại cho nhà trường tính độc lập của nó, sự tự do của nó. "Tự do – Tự lập – Tự trọng" là ba công đoạn đào tạo ra con người.

Trước hết, chúng ta phải tạo ra con người, triết lý gì thì cũng phải phục vụ việc tạo ra con người, mà con người thì phải tự do, tự lập, tự trọng, trên nền tảng ấy con người mới có thể có thành tựu khác. Nếu không có nền tảng ấy, mọi sự bàn cãi đều là vô nghĩa.

Bởi vì nếu xác định được mục tiêu đào tạo là con người Tự do, Tự lập, Tự trọng, thì người ta mới có tiêu chuẩn để chọn giáo viên và cái cộng đồng giáo viên là những người tạo ra các sản phẩm Tự do, Tự lập, Tự trọng đó mới có thể tạo ra được một người đứng đầu ngành giáo dục phù hợp cho mục tiêu ấy.

Nhìn vào chính sách hợp đồng với giáo viên, tôi thấy rằng, chính sách của chúng ta chưa có sự chiếu cố đến con người, đến tâm lý thông thường của con người. Nếu nhà lãnh đạo quên mất nhân tố con người mà ứng xử với thầy thì thầy lấy đâu ra nhân tố con người để ứng xử với trò? Chúng ta đã làm nhiều việc thiếu tế nhị trong một khu vực mà đáng ra mỗi một động thái đều phải diễn ra hết sức tinh tế, nhẹ nhàng.

Triết lý gì thì cũng phải phục vụ việc tạo ra con người, mà con người thì phải tự do, tự lập, tự trọng, trên nền tảng ấy con người mới có thể có thành tựu khác

Hơn nữa, tất cả những bàn cãi hiện nay đều đang ở phạm vi hẹp và chưa đi vào được cái lõi của vấn đề. Sự tranh cãi hiện nay giữa các nhà giáo dục của chúng ta cũng chỉ đến mức Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, mà họ không phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng của nền giáo dục.

Người chủ trì chương trình cải cách giáo dục phải là người đứng đầu đất nước và ông ấy phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục chứ không phải là Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Không cứ gửi con đi du học là hay

– Có lẽ trong lúc chờ đợi cải cách giáo dục có kết quả, cách tốt nhất là cho con em đi du học… (!)

Tôi cho rằng cần phải cải cách giáo dục ngay lập tức chứ không phải là trong khi chờ đợi chính phủ phân vân về việc cải cách giáo dục thì chúng ta cứ gửi con em đi ra nước ngoài học.

Từ chối các dịch vụ  ở giáo dục trong nước để đi du học ở nước ngoài là một phản ứng của xã hội. Nhưng tôi thấy cần cảnh báo rằng, du học không phải là không có những nhược điểm của nó.

Để làm cho con mình trội hơn con người khác thì du học là một phương tiện tốt. Nhưng để cho nó trở thành một con người hoàn chỉnh, có khả năng để phục vụ xã hội Việt Nam thì du học không những không tích cực, mà thậm chí còn tiêu cực. Bởi vì một đứa trẻ khi đi du học sẽ được tiếp nhận một yêu cầu văn hoá khác với môi trường mà nó phải sống và phục vụ lâu dài.

– Hình như ông có con đi du học nước ngoài… ?

Đó là trải nghiệm khiến tôi biết rất rõ tất cả những mặt tiêu cực của quá trình này. Học sinh đi du học có thể ở lại nước ngoài phục vụ tốt, nhưng cũng chỉ tốt trong giai đoạn đầu thôi. Khi chất lượng của nhà trường bắt đầu nhạt đi rồi thì trần sì còn lại một người Việt Nam có kiến thức Tây, họ rất ít năng lực cạnh tranh ở nước ngoài, cạnh tranh lâu dài là không thành công.

Cạnh tranh trước mắt, 5 – 7 năm sau khi ra trường thì có thể người Việt thành công hơn người Tây, nhưng khi cương vị tăng lên, họ buộc phải trở thành người lãnh đạo một nhóm lao động trong một xã hội mà nền văn hoá ấy không phải của mình thì người ta không còn giữ được ưu thế nữa. Và cũng không có người Việt Nam nào bỏ nước đi rồi không quay về. Và thế là có sự khập khễnh về văn hoá, thậm chí là không tương thích về văn hoá khi ở lại lâu dài.

Cho nên, những người đi du học chỉ có thể cống hiến một cách có hiệu quả vào những giai đoạn đầu tiên, khi mà những nhược điểm hay đặc điểm văn hoá của họ chưa bộc lộ ra trong môi trường văn hoá mới. Người Việt Nam khó thành công ở nước ngoài và người Việt Nam du học rất khó thành công ở trong nước. Đấy là kết luận của tôi, cũng là kết luận khoa học chứ không phải là nói một cách hàm hồ. 

Giáo dục không phải là duy trì bản sắc

– Nhưng ông cũng đã từng dự báo rằng tương lai của giáo dục chính là sự giao lưu giáo dục?

Đúng thế. Nền giáo dục của chúng ta phải tạo ra những sản phẩm có năng lực ứng xử toàn cầu, bởi vì chúng ta phải cạnh tranh. Một nền giáo dục muốn tạo ra được những sản phẩm có năng lực ứng xử toàn cầu thì phải là nền giáo dục cởi mở, càng ít đặc thù càng tốt.

Gần đây, tôi có nghe giáo sư Francois Jullien, một nhà triết học, Chủ tịch Viện Tư tưởng Đương đại Pháp, nói chuyện. Ông ấy có nói rằng, cần phải chống lại khuynh hướng biến văn hoá thành bản sắc.

Trong khi đó chúng ta lại làm ngược lại.

Chúng ta kêu gọi giữ gì bản sắc văn hoá, tức là chúng ta giữ gìn, củng cố năng lực không hội nhập được của người Việt. Về mặt triết học, người ta đã nghiên cứu và kết luận rằng, phải chống lại việc hình thành các bản sắc, bởi vì nếu đã thành bản sắc thì khó hội nhập, khó tiếp cận cái khác. Chúng ta phải nhớ rằng, bản sắc là thói quen. Trong một xã hội mà tốc độ phát triển của nó nhanh như thế này thì không có đủ điều kiện, không có đủ thời gian để hình thành thói quen. Cho nên, giáo dục phải là giáo dục những giá trị phổ quát.

Tôi lấy ví dụ, ngày xưa chúng tôi đi học, chúng tôi yêu những giá trị của nền văn hoá Pháp. Mặc dù người Pháp xâm lược Việt Nam, nhưng chúng tôi không nhầm lẫn giữa thực dân Pháp và Victor Hugo. Nếu giáo dục lòng căm thù thực dân Pháp đến mức mà học sinh không còn hiểu được những giá trị nhân văn của Victor Hugo nữa thì nền giáo dục ấy hỏng.

Những sáng kiến như quỹ Fulbright giúp con người hiểu các nền văn hóa khác nhau, làm cho tính đặc thù, tính tù đọng văn hóa giảm đi. Trong khi đó, chúng ta thích co cụm lại, gìn giữ bản sắc. Đó là dấu hiệu của tính chậm phát triển nhận thức.

Làm thế nào chúng ta biết cái gì là bản sắc của mình? Bản sắc là cái tự nhiên, nó sẽ đọng lại một cách tự nhiên mà không cần phải giữ.

Chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại rằng hòa nhập mà không hòa tan, nhưng hòa tan thế nào được. Các bạn sang quận 13 bên Paris, đến chợ Việt, chợ Tàu, ở đó, các bạn sẽ thấy không hòa tan được. Các bạn đến quận Cam ở bên Mỹ, các bạn sẽ thấy rằng không hòa tan được. Sang đến Mỹ hơn 20 năm rồi, chữ nghĩa, giọng điệu của người Việt vẫn vậy, có hòa tan được đâu. Hay như Bác Hồ xa nước 30 năm mà vẫn nói giọng Nghệ An, thấy nhà thơ đưa đẩy một câu Kiều thì vẫn nhớ. Cho nên, tôi xin nhắc lại là tôi lên án việc bắt con người phải giữ gìn bản sắc. Bản sắc là cái tự nó, chứ không phải
cái mình muốn.

– Có thể người ta thấy được cái sức mạnh của bản sắc và người ta muốn dùng nó để làm sức mạnh cho giáo dục, nhưng họ đã làm quá đi?

Không, giáo dục không đòi hỏi phải làm việc ấy. Giáo dục là đào tạo nhân cách. Nhân cách con người là một giá trị có tính phổ quát. Chúng ta chinh phục thế giới bằng nhân cách của chúng ta, mà nhân cách của chúng ta không phải là tiêu chuẩn của chúng ta, nhân cách của chúng ta là cái làm xúc động người khác, cái làm người khác vị nể.

Tạo ra nhân cách tốt là tạo ra khả năng để con người bằng những công cụ thô sơ ban đầu của mình linh cảm thấy cái đúng, cái đẹp và cái phải.

Ở thế hệ của tôi, không có chuyện bố mẹ cho con gái đi chơi với bạn trai đến 9 giờ tối. Anh nào thích thì đến nhà ngồi nói chuyện. Bây giờ, các bạn thoải mái hơn. Vậy việc bắt ngồi tâm sự ở nhà với việc muốn đi đâu thì đi, cái gì hay hơn? Ở Mỹ, con gái qua 18 tuổi thì có thể đi chơi và ở lại nhà bạn trai. Nhưng khi người ta qua 18 tuổi thì người ta phải chịu trách nhiệm về thân phận, về cuộc đời của người ta và đấy là văn minh. Khi con người ý thức về giá trị của mình, có tinh thần trách nhiệm với bản thân mình thì cái đấy quyết định chất lượng cuộc sống của mình chứ không phải mình được giữ gìn, mình được chăm sóc tốt thì mình có số phận tốt.

Có gia đình 2 con, đứa học giỏi mẹ nó khoe, đứa học dốt mẹ nó giấu. Chỉ riêng cách hành xử đó về mặt con người đã là hỏng rồi. Khoe con học giỏi biến nó thành kiêu ngạo, làm mất giá trị con người của nó. Giấu con học dốt thì làm nó không tự tin, làm giảm giá trị của nó và anh cũng mất luôn nó. Theo cách nào đó, con người chúng ta không thành người lớn được, vẫn mãi ở trạng thái vị thành niên.

Cải cách giáo dục không quá phức tạp

– Vậy những biện pháp cụ thể để cái cách giáo dục là gì, thưa ông?

Trong một loạt bài về cải cách giáo dục, tôi đã nói rồi. Đầu tiên phải tạo ra cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất gồm hai thứ, cái anh bỏ vào và cái anh huy động. Mỗi một tỉnh cần phải quy hoạch một khu vực giáo dục, ở đấy phải có các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trường dạy nghề, trường đại học… nó tạo ra một hệ thống liên hoàn có chất lượng địa phương.

Thứ hai là loại bỏ tất cả những nội dung không cần thiết cho việc hình thành nhân cách và năng lực chuyên môn của con người. Nếu không làm được ở từng tỉnh thì ít nhất phải làm ở từng khu vực. Lặng lẽ mà làm, không ầm ĩ gì cả, và nhà nước phải có ngân sách đầu tư cho chuyện ấy, hoặc phải bán trái phiếu để đầu tư cho chuyện ấy.

Trong khi chờ đợi chất lượng trở nên ổn định thì phải có ưu đãi để khuyến khích. Bây giờ, chúng ta cần phát triển hệ thống giáo viên thì chúng ta tăng lương giáo viên lên. Nhưng có lúc chúng ta lại muốn công bằng xã hội, tăng lương giáo viên thì chúng ta lại e ngại làm các nghệ sĩ bực mình. Chúng ta cần phải làm dứt khoát mọi chuyện và phải có ý chí rõ ràng. Tôi nghĩ rằng cần làm ngay, làm một cách kiên nhẫn và yên lặng, không làm huyên náo học đường, kể cả làm để tạo ra cơ sở vật chất của nó.

Tôi nghĩ rằng, thực ra cải cách giáo dục không phải là quá phức tạp. Chúng ta đã từng có một nền giáo dục tốt. Những năm 65 trở về trước, chúng ta có một nền giáo dục rất tốt, chúng ta có thầy tốt, trò tốt, hầu hết những người lãnh đạo bây giờ đều qua giai đoạn học tập này. Hay nói cách khác là chúng ta đã từng có những giai đoạn tốt, nhưng chúng ta không biết, chúng ta chê bai nó, những người sau muốn phủ nhận thành công của người trước và tạo ra các trạng thái càng ngày rối rắm. Đấy là sự cãi nhau giữa những người đứng đầu về thành tích của họ chứ không phải vì sự hoàn thiện của nền giáo dục. Bố mẹ mà cãi nhau trước mặt con cái, thầy mà cãi nhau trước mặt trò thì đấy là tội ác.

– Nhưng những người có nhiệm vụ quản lý nền giáo dục  tương lai lại chính là sản phẩm giáo dục của thời hiện tại. Vậy có phải là chúng ta chỉ có thể trông chờ vào yếu tố đột biến nào đấy để thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục một cách triệt để?

Không, không có sự đột biến nào, đừng chờ đợi sự đột biến như một sự may rủi. Giáo dục là công việc hết sức quan trọng, nó phải được tiến hành bởi những lực lượng sẵn có, và những lực lượng ấy phải ý thức được nghĩa vụ lịch sử của mình.

– Ông có nói là nếu không có năng lực tạo ra được một nền giáo dục mới thì phải học ở những nơi khác. Theo ông, chúng ta nên học nền giáo dục nào?

Có rất nhi
ều mô hình giáo dục tốt, cái gì gần với mình thì học. Chúng ta phải biết lựa chọn cho mình một vài phương án. Ví dụ, chúng ta là một nước cộng sản, mô hình gần nhất với chúng ta là mô hình ở đấy nền xã hội dân chủ thống trị, như các nước Bắc Âu chẳng hạn. Chọn mô hình nào còn tuỳ thuộc vào các nhà lãnh đạo, nhưng phải cân nhắc khi lựa chọn để không gây ra sự dị ứng đối với toàn bộ lịch sử đã có của nền giáo dục Việt Nam, tức là phải bỏ vào, cấy vào, phải đặt vào một cách êm ái để không gây huyên náo và đảo lộn đời sống học đường.

– Nếu làm đúng hướng như thế, "làm ngay, làm một cách kiên nhẫn và yên lặng" thì theo ông trong vòng bao nhiêu lâu, chúng ta sẽ lại có một nền giáo dục tiên tiến?

Tôi nghĩ nếu làm năm nay thì sang năm sẽ bắt đầu có kết quả. Nếu chúng ta tạo ra được cảm hứng đúng thì xã hội sẽ thức tỉnh, sẽ phấn khởi, đồng lòng và nó sẽ có hiệu quả ngay.

– Xin cảm ơn ông!

Hương Lan – Nguyên Nhung (thực hiện) – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *