Bên bờ hạnh phúc

Đầu xóm tôi có một người chiên bánh tiêu, cứ chiều chiều lại dọn hàng ra lề đường, gồm vỏn vẹn một bếp lò với cái chảo to tướng cạnh một cái bàn con. Từ đó cho tới tối lúc nào cũng chỉ làm mỗi một thao tác là lật mấy cái bánh tiêu trong chảo. Theo như tôi nhớ thì ba mươi năm nay, nhà đó chỉ sống bằng nghề đó thôi. Nhìn ông già đứng chiên bánh tiêu ở góc đường trong Chợ Lớn, ngày này qua ngày khác, lúc mưa dầm cũng như trong khói bụi ngựa xe, biết nói là ông kinh doanh thành công hay thất bại? Bằng nghề đó, ông đã sống tàng tàng tới bây giờ, nuôi con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, truyền nghề cho chúng nối nghiệp nhà. Như vậy là dở hay hay? Nhưng có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, một ông chiên bánh tiêu không thể tiêu biểu cho giới kinh doanh người Hoa ở Chợ Lớn.

Người ta nêu ra những thí dụ thành đạt được nhiều người biết đến hơn, như chú Hỏa (Công ty Hui Bon Hoa), Quách Đàm (xây chợ Bình Tây, chủ hãng Thông Hiệp), Trần Thành (vua bột ngọt)… Họ đều có chung một nét : xuất thân từ kiếp lưu dân nghèo khổ, đã cần cù tiện tặn làm ăn mà phát tài. Nhưng những đức tính như siêng năng, cần cù, chịu khó, thông minh v.v… thì không riêng gì người Hoa, mà nhiều dân tộc khác trên thế giới đều có. Vậy người Hoa còn có bí quyết thành công nào khác nữa trong kinh doanh?

Trong cạnh tranh thương trường, vốn lớn là yếu tố quan trọng. Người Hoa ở Chợ Lớn có nguồn hỗ trợ vốn đáng kể của thân nhân ở nước ngoài và cộng đồng người Hoa trên thế giới. Ngay trong một cộng đồng, họ cũng huy động vốn của nhau dễ dàng, nhờ chữ tín và tinh thần tương thân tương trợ trong họ tộc hoặc trong cùng bang phương ngữ.

Sự gắn bó với cộng đồng của người Hoa, ngoài yếu tố tình cảm dân tộc, còn vì yếu tố quan trọng là quan hệ làm ăn. Người Hoa có tập quán xài đồ của người Hoa (dù made in Chợ Lớn hay Singapore, Hồng Kông, hay Trung Quốc, Đài Loan), mua sắm ở cửa hàng của người Hoa, sử dụng dịch vụ của người Hoa, tin cậy người Hoa… Thương gia giàu có tạo uy tín trong cộng đồng bằng những đóng góp tiền của qua các hội quán, những quyên góp từ thiện, hay trợ vốn cho đồng hương dưới nhiều hình thức khác nhau. Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn không nhỏ, hoạt động tích cực trong nhiều ngành kinh tế, và là một thị trường tiêu thụ mạnh. Tư bản Hoa ở nước khác khi vào thị trường Việt Nam trước tiên tìm đến cộng đồng người Hoa tại chỗ. Trên thực tế, ít có trường hợp doanh nhân người Hoa tách khỏi cộng đồng mà thành công lớn. Người làm ăn nhỏ hoặc nghèo khó càng cố bám lấy cộng đồng, để được giúp đỡ bao bọc.

Đặc điểm của cộng đồng người Hoa là đoàn kết tương thân tương trợ. Người Hoa hiểu rằng, giúp cho người thân khá lên để họ không là gánh nặng cho mình, và nhiều người khá giả sẽ làm cho gia tộc và cộng đồng mạnh, cộng đồng mạnh thì kinh doanh của mình sẽ thuận lợi hơn.

Người Hoa giúp nhau, giúp lúa chứ không cho cơm, như truyền nghề cho, kiếm cho công ăn việc làm, tạo điều kiện làm ăn, và một khi đã giúp thì giúp tới nơi tới chốn. Một nhà sản xuất giúp cháu họ xa dưới quê lên nhờ vả bằng cách giao cho anh một lô hàng, bảo anh đem đi bán. Anh này lúc đầu bán lỗ lã, lại làm mất hàng, vẫn cứ giao cho anh lô hàng khác để làm lại. Khi anh ta dần dần biết làm ăn rồi thì giao cho anh một cửa hàng. Làm ăn phát đạt, anh ta có thể tích lũy vốn liếng, trở thành người hợp tác, bạn hàng trung thành.

Tạo kế sinh nhai là một cái ơn lớn, và lòng tri ơn cùng sự trung thành với người ơn, thầy hay người chủ của mình, là phẩm chất phải có. Nếu không, sẽ bị coi là đồ phản phé, sẽ bị cộng đồng tẩy chay.

Một người đi học nghề nấu hủ tíu ở một tiệm nước, làm việc trong tiệm như một người làm công. Học được nghề rồi vẫn tiếp tục làm công cho thầy mình chứ không bỏ đi qua chủ mới dù điều kiện có ưu đãi hơn. Đến một lúc người thầy thấy có thể cho anh “ra riêng” được, thì anh đưa vợ con đến một tỉnh khác mở tiệm, xa địa bàn kinh doanh của chủ cũ, để không chia mất khách hàng của thầy mình. Người Hoa tối kỵ xâm phạm đến nồi cơm của người khác, thường hoạt động kiểu rừng nào cọp nấy, không giẫm chân nhau. Trong cùng lĩnh vực kinh doanh, họ luôn có sự liên lạc chặt chẽ, thông tin nhanh chóng và thống nhất với nhau về giá cả và những việc liên quan. Tranh chấp mâu thuẫn có xảy ra đều được giàn xếp êm thấm với nhau và chỉ có người trong cuộc mới biết mà thôi.

Liên kết hỗ trợ nhau về vốn liếng là để giữ thế mạnh cũng như thế độc quyền trong ngành kinh doanh. Giữ bí quyết gia truyền cũng nhằm giữ độc quyền. Ở Chợ Lớn có một lò bánh bò, sản xuất bánh vừa xốp vừa trong, vừa dai vừa dòn dòn, ngọt dịu và bùi béo, ăn không biết ngán. Tất cả bánh bò loại đó được bán trong khắp thành phố này và vùng phụ cận đều từ lò đó mà ra. Có người sắp đi định cư ở nước khác đến xin học nghề với giá nhiều cây vàng. Nhưng dù cam đoan sẽ chỉ hành nghề ở xứ khác và không bao giờ tiết lộ bí mật cho ai hết trừ người trong gia đình, vẫn không được chấp nhận truyền nghề cho.

Người truyền cho ta cái nghề kiếm sống được là ân nhân thứ nhất. Giữ chữ tín trong kinh doanh còn là giữ chữ tín cho thầy mình, cho ngành, giới và cả cộng đồng.

Ngưòi nấu hủ tíu trên sau khi “ra riêng”, tiến hành công cuộc kinh doanh, chinh phục thị trường mới, bắt đầu từ việc thu phục cảm tình của người địa phương bằng cách mua hàng và sử dụng dịch vụ của họ một cách dễ dãi và hào phóng. Sau đó, cửa hàng khai trương, chỉ bán hủ tíu, rất ngon mà giá rẻ, tiếp đãi ân cần, phục vụ chu đáo. Đến 9 giờ đêm, tiệm đóng cửa. Khách đến hỏi mua, dù tiệm vẫn còn hủ tíu nhưng ông chủ vui vẻ trả lời : Bán hết rồi, ngày mai nhớ tới sớm sẽ để dành cho tô đặc biệt. Sau đó đóng cửa, vợ chồng con cái è ra ăn hủ tíu bán chưa hết. Chẳng bao lâu sau, khắp thị xã đều biết tiếng hủ tíu ngon mà rẻ, bán đắt kinh khủng, chậm chân là hết phần, thậm chí muốn ăn tô đặc biệt phải dặn trước. Khi khách hàng đã đông và ổn định, tiệm bắt đầu bán thêm bánh bao xíu mại, cà phê nước giải khát với giá hơi đắt hơn nơi khác một chút, nhưng tô hủ tíu vẫn giữ nguyên chất lượng và giá cả. Người ta vô tiệm vì hủ tíu, nhưng ông chủ hốt khá bộn bạc nhờ những món bán kèm theo.

Không những giữ chữ tín, mà người Hoa rất coi trọng mối quan hệ tốt đẹp lâu dài với bạn hàng. Đối với họ, khách hàng không phải là người mua hàng rồi đi luôn, mà là người mua rồi sẽ trở lại hoài hoài. Bạn hàng phát, đạt họ vui mừng vì giao dịch với người đang có vận may, khách sộp thì công việc kinh doanh của họ cũng sẽ khấm khá theo. Nếu bạn hàng gặp lúc thất cơ lỡ vận, họ vẫn giữ quan hệ tốt, thậm chí có ưu đãi hoặc giúp đỡ. Người Hoa tin rằng Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai, người ta ai cũng có lúc cùng lúc thông. Giúp người trong lúc họ cùng khốn cũng là một hình thức đầu tư, chờ một ngày kia người ta tới vận hanh thông, trở thành bạn hàng lớn và trung thành.
Không chỉ giữ chữ tín với nhau, mà người làm ăn chung còn luôn thắt chặt sợi dây tình cảm : tình thân thích, tình đồng hương, tình đồng nghiệp. Họ thường bênh vực nhau, thăm viếng nhau khi đau ốm, tặng quà nhau, bán chịu, bán gối đầu, bán giá rẻ đối với sản phẩm mới, để quảng cáo chào hàng… Tuy nhiên, phần nào bán là bán, phần nào cho là cho, thanh toán luôn luôn sòng phẳng.

Người bán lẻ thường tìm hiểu nhu cầu thị hiếu cụ thể của người tiêu dùng, đặt hàng theo yêu cầu thị trường cho người bỏ mối (buôn sỉ), người buôn sỉ thông tin cho nhà sản xuất để đáp ứng tức thì đòi hỏi của khách hàng. Những mặt hàng người Hoa sản xuất thường chiếm lĩnh thị trường nhờ tính nhạy bén này.

Nhiều người khi nói tới hàng hóa người Hoa làm thì thường nói tới… hàng giả. Hẳn là nói đùa, chứ làm giả mà tốt như thiệt hay tốt hơn thiệt, thì giả làm gì cho uổng? Thà làm thiệt để lấy tiếng làm ăn lâu dài. Chỉ khi không được phép, không thể, hay không có điều kiện làm ăn chân chính, người Hoa chẳng đặng đừng đành làm những việc không được coi là lương thiện. Đó là do phải… thích nghi để tồn tại tạm thời. Nhưng đã nói kinh doanh thì phải tính đến chiến lược lâu dài.

Bài học kinh doanh đầu tiên mà người Hoa dạy cho con cái là phải nhìn xa để lấy quyết định đúng đắn. Không bao giờ được để cho cái lợi nhỏ trước mắt làm tổn thương chữ tín mà thiệt hại đến việc kinh doanh về sau. Thậm chí chấp nhận lỗ lã ban đầu để đầu tư chữ tín cho tương lai.


Người Hoa trong kinh doanh nhìn xa trông rộng, tính đường làm ăn lâu dài, với một đầu óc rất thực tế. Một khi bỏ vốn ra phải nắm chắc sẽ thu được lời. Và bản lĩnh kinh doanh là đây : Phải nhạy bén tình hình, thấy trước ở đâu có món lời béo bở mà người khác chưa đánh hơi thấy để bỏ vốn ra đầu tư. Chợ An Đông là một thí dụ : Chợ được xây qui mô lần thứ nhất vào giữa thập niên 50, người đứng ra góp vốn xây là một người Hoa họ Huỳnh. Thời điểm đó, nhà phố rẻ rề, mà chiến tranh chống Pháp vừa chấm dứt, không mấy người dư tiền của để sắm nhà. Phố lầu quanh chợ xây xong, nhưng chưa bán được, ông Huỳnh nợ đìa ra, đến nỗi nhân viên ông sợ ông sẽ quẫn trí tự tử. Nhưng ông vẫn lạc quan kiên trì chờ, và khi người Mỹ ồ ạt vào Việt Nam thì những nhà phố của ông đắt như tôm tươi, một vốn bốn vạn lời. Lần thứ hai, chợ được xây lại vào cuối thập niên 80, lúc chợ búa chưa xây rầm rộ thành phong trào như hiện nay, dự án do nước ngoài đầu tư gặp trục trặc, một doanh nhân ngành tín dụng đứng ra huy động vốn của người Hoa ở Chợ Lớn xây tiếp công trình. Ngày nay, đây là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Người Hoa chấp nhận rủi ro trong kinh doanh. Khi thất bại, họ ít khi rơi vào tình thế cùng đường tuyệt vọng, mà luôn tin tưởng một ngày mai tươi sáng hơn, vận may lại mỉm cười với họ, cộng đồng sẽ giúp họ vượt qua khó khăn. Thậm chí khi cả cộng đồng lao đao, họ phải tự lực xoay sở, vẫn không được tuyệt vọng, miễn sao tồn tại trước đã.

Trong hai thập kỷ qua, cộng đồng người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh trải qua nhiều biến cố, nhiều nền tảng bị bưng tróc, nhiều tập quán biến thể, nhưng cộng đồng này, giống như chén dầu đổ trong thau nước, khi khuấy thì tan tác, khi yên thì tự nhiên tụ lại. Thực ra, những đổi thay trong xã hội Việt Nam, do chia sẻ và chung chịu phần nào số phận đất nước với người Việt, cộng đồng người Hoa bớt khép kín, mà bắt đầu hòa vào nhịp phát triển chung của toàn xã hội. Người Hoa hoạt động trong nhiều ngành kinh doanh, nhất là giới buôn bán lẻ, đã có nhiều mối quan hệ làm ăn rộng rãi với người Việt. Người Việt cũng thích làm ăn với người Hoa vì họ nhũn nhặn, biết điều, đáng tin, sòng phẳng chuyện tiền nong, trong thời gian qua cũng có mặt tích cực đối với cộng đồng.

Chiếm cảm tình của người Việt cũng là một nguyên tắc kinh doanh của người Hoa, trước tiên vì đó là khách hàng. Người Hoa coi trọng tất cả khách hàng như nhau, bất kể tín ngưỡng, tiếng nói, tuổi tác, dù mua một viên kẹo hay một tòa nhà lầu. Người ta kể trước 1975, trên đường Đồng Khánh có những tiệm mà nếu khách hàng không nói tiếng Quảng Đông thì khỏi mua bán gì cả. Có những người ở Chợ Lớn trọn cuộc đời không hề nói tiếng Việt. Họ sinh ra trong nhà bảo sanh người Hoa, sống trong phố toàn người Hoa, đi học trường Hoa, đi làm trong hãng xưởng người Hoa, bạn bè vợ con là người Hoa, đi nhà thờ hay chùa của người Hoa, bệnh thì chữa ở thầy thuốc người Hoa, trong bệnh viện người Hoa, chết chôn trong nhị tỳ người Hoa. Ngày nay, tôi gặp những người Hoa khác hẳn : một phụ nữ người Hoa sinh trưởng ở Nam Vang, khi sang Việt Nam không biết một tiếng Việt nào, đã tự học tiếng Việt để làm ăn và bây giờ nói năng lưu loát, thông thạo tập quán phong tục Việt Nam. Bạn tôi, một doanh nhân người Hoa trẻ tuổi sinh trưởng ở Việt Nam, giữ một chức vụ quan trọng trong một công ty Hoa kiều, đã tốt nghiệp đại học môn… Việt văn, thỉnh thoảng còn phê bình văn chương… của tôi.

Một khi tình thế thay đổi, doanh nhân người Hoa điều chỉnh kịp thời quan hệ, cách thức kinh doanh cho phù hợp thực tế. Vì kinh doanh vừa giống một canh bạc, vừa giống một cuộc phiêu lưu, họ thích nghi nhanh chóng với biến động thị trường trong nước cũng như thế giới. Mạng lưới thông tin của họ rất hiệu quả.

Phong cách làm ăn của người Hoa xông xáo, quyết liệt. Họ có máu kinh doanh. Nếu là con nhà nòi, một thương gia người Hoa sống trong môi trường kinh doanh từ khi lọt lòng cho đến nhắm mắt mới chịu xuôi tay thôi kinh doanh. Người Hoa thường kinh doanh ngay tại nơi gia đình sinh sống. Trẻ con quen với hoạt động mua bán rất sớm, hít thở không khí tính toán mặc cả, ý thức rõ giá trị đồng tiền. Dù sau này con cái trong nhà không theo học trường doanh thương nào, chúng cũng hoàn toàn có đủ năng lực kinh doanh và kinh nghiệm thương trường để kế nghiệp cha mẹ.

Doanh nhân người Hoa không chỉ coi kinh doanh là nghề nghiệp mưu sinh, mà chính là sự nghiệp, là cuộc sống của họ. Thực tế, tôi biết nhiều người mà ngoài chuyện “làm ăn” mua bán từ lúc ban mai cho tới nửa đêm, quay tít mù với khách hàng bạn hàng, họ không bận tâm đến những gì không dính dáng tới việc “làm ăn” của họ. Một năm nghỉ có ngày mồng một, đi hành hương là để cầu cho quanh năm được buôn may bán đắt. Kinh doanh là niềm say mê của họ. Và không phải chỉ vì tiền. Người Hoa rất quí đồng tiền, làm ăn là để kiếm tiền. Nhưng trong hai yếu tố : tiền và máu kinh doanh, chưa chắc cái nào lấn át cái nào trong những quyết định kinh doanh của một số người tôi đã gặp. Có một người trước đây hoạt động trong ngành xuất khẩu lúa gạo, nay đã ở tuổi cổ lai hy, con cái đã thành đạt ở nước ngoài, sau thời gian được nhà nước cải tạo tư sản, ông về nuôi cá tai tượng, sau đi ngao du Âu Mỹ, rồi trở về Việt Nam tiếp tục rong chơi. Chính quyền tỉnh Sóc Trăng bèn trả cho ông mấy cái nhà máy xay lúa để ông góp phần phát triển ngành kinh tế mạnh nhất của tỉnh nhà là gạo xuất khẩu. Lẽ thường, ông cứ tàng tàng chơi. Nhưng tôi nghe ông nói chuyện, thấy ông vẫn nghe đài đọc báo, theo dõi tình hình thế giới và trong nước, vẫn giữ những quan hệ với người trong giới “làm ăn”, vẫn theo dõi và nắm giá gạo ở chợ Mỹ Xuyên lẫn trên thị trường thế giới.

Nhiều người Hoa chạy giặc Nhựt Bổn sang Việt Nam từ thế chiến, buổi ban đầu cơ hàn vất vả, trải nhiều nổi chìm cùng vận nước Việt Nam, nay tuy có cơ hội tái di cư sang xứ khác, nhưng rốt cuộc vẫn trở về đây. Không chỉ vì đây là môi trường làm ăn quen thuộc, mà còn vì trong lòng họ vẫn yêu mến và biết ơn đất nước đã cưu mang họ thuở tay trắng tha phương.

Có một quan niệm rất sai lầm của một số người về người Hoa. Rằng họ chỉ lo kiếm tiền chứ không cần học, miễn có tiền là có tất cả, nếu cần, họ sẽ mua hoặc mướn người có trình độ và chuyên môn làm việc cho họ. Thực tế, những doanh nhân người Hoa xuất thân từ chỗ bần hàn thì không được đến trường bao nhiêu. Nếu họ thành đạt, tức là họ đã biết học được khá nhiều từ trong cuộc đời và nhất định biết giá trị của tri thức. Họ mướn người có học làm việc cho họ vì họ ý thức chỗ thiếu sót của họ. Nhưng người Hoa luôn luôn coi trọng việc học. Có một ông già người Hoa làm tương ở một chợ nhỏ ở miền Tây, ông tự làm tương rồi tự đóng chai đóng hũ, rồi tự chở sản phẩm của mình trên chiếc xuồng ba lá, một mình chèo qua sông Cửu Long, len lỏi vô từng con rạch nhỏ, tới những quán lá trong những làng xã heo hút để bỏ mối mấy chai nước tương. Mua cái khăn lau mặt về, ông cắt làm hai, xài một nửa, để dành một nửa, vì xài nguyên một cái khăn lớn thì hơi lãng phí. Con người cần cù và rất mực tiện tặn ấy dẫn đứa con trai của mình lên Sài Gòn, mướn phòng ở, đóng đầy đủ học phí khá cao ở một trường trung học tư thục nổi tiếng, để cho con trai ông ăn học. Ông về nhà tiếp tục làm tương, còn con trai ông sau này làm thơ (tác giả quyển Hoa Hướng Dương, chữ Hoa) và làm giám đốc một công ty du lịch.

Nhiều người cũng tưởng rằng người Hoa giàu có, xài tiền thoải mái. Thực ra, trong đời sống gia đình, người Hoa rất tiện tặn, không thích khoe tiền của. Tôi có một ông bác họ buôn bán ở chợ Biên Hòa. Hồi tôi còn nhỏ xíu, ba tôi có dẫn tôi đến chơi nhà bác mấy ngày. Buổi sáng, bác gái kêu tôi dậy “ăn cháo”. Từ trước cho đến lúc đó, tôi sống ở làng quê, buổi sáng nói “ăn sáng”, nhưng người ta ăn khoai, ăn bắp, có khi ăn cơm hay bánh đúc, bánh tằm… chứ không ai ăn “sáng” cả. Nên tôi nghĩ, nhà bác giàu như vầy, nói ăn cháo, nhưng chắc là ăn hủ tíu xíu mại… Nào ngờ, bác tôi đưa cho tôi đúng là chén cháo với mấy hột đậu gì đen thui mặn chát. Nhìn quanh, thấy ai cũng ăn như vậy và ăn rất ngon lành. Tôi hơi thất vọng là tiếng Tiều nói “ăn cháo” thì chỉ ăn cháo mà thôi.

Nhưng khi cần thiết cho lợi ích kinh doanh hay lợi ích của cộng đồng, thì họ sẵn sàng chi hào phóng. Nếu nói rằng người Hoa có bí quyết kinh doanh thì đó là bí quyết xài tiền. Nghệ thuật kinh doanh của người Hoa là biết xài tiền chứ không phải chỉ biết kiếm tiền và giữ tiền. Họ tai tiếng khá nhiều trong việc hối lộ và hủ hóa cán bộ. Họ cũng mang tiếng không ít là chơi bời trác táng thâu đêm. Tôi không biện hộ mấy chuyện đó làm chi. Tôi chỉ kể thêm vài trường hợp người Hoa xài tiền hào phóng. Vào giữa thế kỷ, ở miền Tây, con em người Hoa chỉ học hết tiểu học rồi thôi, hoặc lên thành phố học tiếp. Ông bang trưởng Trương Minh Chánh ở Sóc Trăng hô hào quyên góp tiền của xây dựng một ngôi trường trung học, mọi người dù giàu dù nghèo đều đóng góp và đã xây được một ngôi trường khang trang, nơi đã đào tạo cho phong trào công nhân người Hoa ở thành phố những cán bộ lãnh đạo giỏi. Ở Chợ Lớn thì trường học, nhà thương, chùa chiền của người Hoa nhiều quá không cần kể chi tiết. Có lần, năm ngoái, tại một buổi tiệc nhỏ vài mươi doanh nhân người Hoa và sự có mặt của ông Nguyễn Văn Linh, đã quyên được hàng tỷ đồng để đóng góp xây dựng bệnh viện miễn phí thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả những đồng tiền hào phóng mà người Hoa chi ra đều nhằm tạo thuận lợi cho công việc làm ăn của họ, có khi gián tiếp và dài lâu. Tất nhiên, không kể sự chi tiêu cho hưởng thụ.

Bản thân mình nỗ lực làm giàu để phát triển cộng đồng, đóng góp vào cộng đồng vì lợi ích của bản thân và lợi ích lâu dài. Sự thành công của cá nhân người Hoa không thể tách rời sự phát triển của xã hội Việt Nam, đồng thời mang những nét đặc thù của dân tộc.

Mọi người Hoa khi sinh ra đều được thừa kế một gia tài chung lớn lao là nền văn minh 5.000 năm, dù họ có là thế hệ thứ hai, ba… sinh ra ở nơi rất xa cố hương. Theo sử sách để lại thì 1.000 năm trước công nguyên, xã hội Trung Quốc đã xuất hiện tầng lớp thương nhân, và họ đã đi “tiếp thị” ở nhiều nước Á Âu khi Chúa mới ra đời. Dù thương nhân chỉ được xếp vào hàng thứ tư sau sĩ, nông, công trong bậc thang xã hội thời đó, nhưng tầng lớp này cũng đã cống hiến một nhân vật lịch sử đáng nể về mặt đầu tư : Cha của Tần Thủy Hoàng, và nghệ thuật kinh doanh của ông cho đến nay chưa ai qua mặt! Những thương nhân người Hoa ngày nay là hậu duệ của ông tổ kinh doanh ba ngàn tuổi, và có hai ngàn năm tích lũy kinh nghiệm trên thương trường quốc tế. Với gia tài ấy, một người biết thừa hưởng và phát huy phần vốn mặc nhiên đã có, coi như ra trận trên vai một người khổng lồ. Không thể không nhìn thấy ưu thế đó.

Có một lần, tôi hỏi một doanh nhân người Hoa : Làm thế nào để thành đạt? Ông chỉ tay vào tủ sách của ông và bảo : Đọc đi.

Tôi hăm hở lục lọi, và tìm thấy trong tủ sách của một nhà kinh doanh thành công nào là Kinh Thi, Kinh Dịch, nào là Tam Quốc Chí, Sử Ký, nào là Chiến Quốc Sách, Hán Thư, nào Tây Du Ký, Thủy Hử , Hồng Lâu Mộng… nói chung là một sưu tập đáng kể về kho tàng văn học cổ điển Trung Hoa. Thấy tôi chưng hửng, ông bảo :

– Trong đó có thể tìm thấy phần nào tinh hoa của văn minh Trung Hoa. Chính nền tảng văn hóa là cái “bảo kê” cho sự thành đạt, trong kinh doanh cũng như trong những lãnh vực khác. Nền tảng này càng dày, tính bảo đảm càng cao.

Lý Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *