Bên bờ hạnh phúc

Dừa Bến Tre. Ảnh ppd.com.vn

Sản phẩm 3 con khỉ bịt mắt, bịt tai và bịt miệng Rất khó có loại cây trồng nào có giá trị sử dụng như cây dừa. Dừa đồng hành với người Bến Tre không chỉ trong chiến đấu, mà còn góp phần đắc lực trong việc xây dựng lại quê hương. Dù “ba chìm bảy nổi” do lắm thứ, nhưng dừa vẫn một mực đi theo con người như hình với bóng, từ cái ăn đến cái ở, từ mở mắt chào đời đến răng long tóc bạc, còn cây dừa thì lá vẫn “tươi xanh mãi đến giờ”. Có lẽ chính vì vậy, mà không phải ngẫu nhiên nhà thơ Lê Anh Xuân lại hỏi: “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi”.

Không biết cớ sự gì mà người đời lại khái quát “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Có lẽ do “Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ” mà vì vậy, đã tạo nên con người sống trên đất cù lao này vừa dịu dàng, thướt tha như “tóc dài bay trong gió”, vừa mạnh mẽ “như nước lũ tràn về”.

“Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”. Dừa cũng biết lợi dụng sức chảy của dòng sông, mà đoàn kết lại để đánh sập cầu Bình Chánh, cắt đứt huyết mạch giao thông bộ trên tỉnh lộ 26 xưa, ngăn bước tiến của quân thù từ thị xã Bến Tre về hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri – gọi “bè thần” là vậy. Dừa là trạm canh gác giặc, là điểm “chém dè” lúc túng đường khi giặc ruồng bố, là cột cờ của quân giải phóng, là “trạm thông tin” dán áp phích tuyên truyền cổ động, và cũng là nơi làm rơi rụng mấy chiếc trực thăng.

Dừa là vật liệu cho con người làm nhà che nắng, che mưa. Là cái nôi cho trẻ thơ, là cái giường cho tuổi già yên giấc ngủ. Trong lúc khốn khó, không chỉ có “cầu tre lắc lẻo”, mà “cây cầu dừa” bắt nối se duyên trai gái và trong thực tế rất vững chảy để nối lại tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Người Bến Tre đã sớm biết kết hợp chất béo của dừa, vị ngọt đậm đà của mía, độ mặn nồng của biển, hòa quyện với hương thơm đồng nội để tạo nên hương vị quê hương. Tép rang dừa, cá bóng kho dừa, mắm chưng với nước cốt dừa, bí đỏ hầm dừa… là những món ăn thường nhật khó quên. Lươn um dừa, ếch – nhái xào dừa, thịt trâu xào lá lốt, thịt bò xào lá cách với nước cốt dừa mà ăn cơm thì ngon hết chỗ chê. Mấy ông bạn nhậu mà lấy ra làm đồ nhấm để “lai rai” với rượu đế thì giống như “rượu ngon lại có bạn hiền”. Trong những ngày tư, ngày tết, dù nghèo, nhưng cũng phải có nồi thịt heo kho tàu với dăm ba trứng vịt và tôm lóng, nhưng kho với nước dừa thì càng thấm đậm tình người, tình đất. “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” đi vào thơ ca và đến nay vẫn giữ vững thương hiệu, cũng có sự góp mặt của dừa. “Kẹo Mỏ Cày vừa thơm, vừa béo” tiếng bay khắp gần xa, và từ đó, không biết nhà thơ nào phát hiện thêm “Gái Mỏ Cày cũng vừa khéo vừa ngoan”, lại có dừa góp thêm hương vị.

Dừa không chỉ có vậy. Đến cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Trường Ngân cũng đủ làm cho ta “mê hồn”, bởi bàn tay của ông chủ đã ngoài 60 tuổi, học chỉ mới lóp 8 trường làng, rồi đi bộ đội, xuất ngũ, nay ngồi trên máy vi tính và từ thực tế “vẽ” ra hơn 500 sản phẩm từ dừa phục vụ cho đời. Thân và gáo dừa làm đũa, muỗng, nĩa, đĩa, bình, ly, tách, hộp đựng thuốc, gạt tàn thuốc, gương, lược, túi xách tay, đồi mồi, tôm, cua, ếch, nhái, bình hoa, có cả các loại cúp bóng đá,… trông thật là xinh. Đồ chơi cho trẻ em là búp bê, thì rất khó tưởng tượng nổi khi có cả từ xe lôi có người kéo, đến xe ngựa, xe lôi đạp, xe lôi máy, rồi vespa, xe Jeep,… nó còn ẩn chứa một ý nghĩa thật thú vị là “ôn lại kiến thức cho đời”. Chà dừa (có người gọi là râu) là sản phẩm lồng đèn, lẵng hoa. Mo nan làm thuyền hoa. Cọng lá dừa làm giỏ xách, lẵng hoa. Sơ dừa làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá. Trái dừa nào có hình dáng đẹp thì làm 12 con giáp, năm nào con đó, nhưng “lọt vào năm Thìn và Tỵ, với Rồng và Rắn thì dài mà trái dừa lại tròn, phải mất gần 3 năm mới tạo được hình thù. Thật là khó”. Còn trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, cũng xuất sang được các nước khó tính như Pháp, Hà Lan. Trái dừa điếc cũng đến được Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với biểu tượng trái bóng bầu dục. Trầm lặng vào hình thù ngộ nghĩnh của 3 chú khỉ đang che mắt, che tai và che miệng sẽ lóe lên một triết lý phương Đông: Việc xấu không nhìn, lời xấu không nghe, nói có hại cho người không nói. Hoặc có ý “chính trị” một tí là hộp danh thiếp từ mô hình cái mõ Đồng Khởi, sẽ cho ta cái “danh” trong “thiếp” vang vọng mãi như tiếng mõ năm xưa.

Đúng là từ trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng, từ đồ chơi của em bé đến gương, lượt của phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi trang trọng, từ trong nước ra nước ngo&ag
rave;i, thậm chí còn “ngang nhiên” đến các thị trường khó tính, cũng có mặt sản phẩm của hai chữ Trường Ngân.

Không chỉ có Trường Ngân, mà tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước cũng có, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có, hợp tác xã cũng có và hàng ngàn hộ tư nhân, cá thể đang “phanh da xẻ thịt” cây dừa, làm tăng thêm giá trị. Cơm dừa hiện tại còn 3 sản phẩm chính. Dầu dừa thô là mặt hàng truyền thống, nhưng vì sức cạnh tranh yếu nên nhường chỗ cho cơm dừa nạo sấy, sản xuất ra để xuất khẩu, đem về ngoại tệ cho đất nước. Kẹo dừa vẫn là mặt hàng có thương hiệu mạnh. Sắp tới sẽ có sản phẩm mới là sữa dừa và bột sữa dừa ra đời góp mặt cùng bè bạn gần xa. Nước dừa ngày xưa không sử dụng, cùng lắm là mấy bà nông dân nấu cao lại, gọi là nước màu dừa, nay vẫn hái ra tiền, thậm chí là ngoại tệ, với một sản phẩm có cái tên mới nghe qua lạnh và cứng như đá, nhưng thực ra rất mềm mại, đó là thạch dừa. Vỏ dừa có hai thành phần chính, chỉ sơ dừa ngoài việc làm các loại thảm, còn một phần cùng với mụn dừa tạo ra nhiều sản phẩm khác như dán lót sàn, nệm ghế,… phục vụ cho người.

Từ dừa, tất cả đều hái ra tiền, và cùng góp mặt với xã hội, giải quyết hàng chục ngàn lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Không chỉ xoá đói, giảm nghèo, mà dừa còn tham gia tích cực cho phát triển về sau. Nghĩ thật là hay. Sắp tới, Bến Tre tăng diện tích, tìm mọi cách nâng cao sản lượng và chất lượng vườn dừa là vậy.

Theo Lê Quang Nhung – Bentre.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *