Bên bờ hạnh phúc

 Trên Quốc lộ 30 dài 120 km chạy dọc theo bờ bắc sông Tiền, xuất phát từ ngã ba An Thái Trung trênQuốc lộ I A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đi vào Đồng Tháp từ huyện Cao Lãnh, đến thành phố Cao Lãnh, sau đó đi qua huyện Thanh Bình chừng vài chục km là rẽ vào thị trấn Tràm Chim nằm trên Quốc lộ 844 là tới trung tâm huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp.

 

 

Huyện Tam Nôngnằm ở phía bắc tỉnh Đồng Tháp, phía bắc giáp huyện Tân Hồng và Hồng Ngự, phía nam là huyện Thanh Bình, phía đông giáp tỉnh Long An và huyện Tháp Mười, phía tây là con sông Tiền làm ranh giới với An Giang.

Và đến rồi mới biết, người dân ở vùng phèn chua thuộc các xã: Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành A, Tân Công Sínhđã bén duyên với con cá lóc. Dù cũng trải qua nhiều phen lận đận với giống cá này, nhưng nhiều nông dân ở đây vẫn không bỏ nghề nuôi cá lóc . Vì chính nhờ cá lóc mà cuộc sống của họ ngày càng khấm khá hơn.

Vùng đất này trước đây  nổi tiếng hoang hóa và không dễ sống. Muốn đủ ăn phải tốn hao nhiều sức lực, quyết tâm và khó nhất là vốn liếng…

Thế nhưng giờ đây, nông dân Tam Nông đang sở hữu những mô hình sản xuất chăn nuôi đầy hiệu quả, đủ để vượt khó làm giàu. Cụ thể như mô hình trồng ớt, trồng đậu nành xen 2 vụ lúa trong năm…; rồi mô hình thả nuôi cá lóc trên hầm cũng được nông dân Tam Nông áp dụng thành công.

Theo chân anh Nguyễn Sỹ Khánh, trưởng trạm Thủy sản huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng bà Lại Thị Thương, ở ấp C xã Phú Thọ- lúc các con bà đang xuống hàng tấn thức ăn cho cá. 

Bà sinh ra ở Nam Vang (thủ đô Phnôm Pênh – Campuchia). Nhà nghèo không nghề nghiệp, không đất đai sản xuất, lấy chồng xong bà lang thang khắp nơi tìm việc. Sau năm 1975, con kênh Đồng Tiến được đào xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Nghe nhiều người đồn đại vùng này đất rộng người thưa, cá tôm nhiều vô kể, thế là vợ chồng bà lặn lội từ Campuchia sang Tam Nông cất chòi lập nghiệp.

Đúng như lời đồn, xứ Tam Nông thời đó hoang vắng, đìu hiu, đi 3- 4 cây số mới có một mái nhà, đất đai mênh mông nhưng toàn bộ đều nhiễm phèn chua, trồng lúa chưa được, trồng màu cũng không xong. Vợ chồng bà phải đi làm nghề đăng, nghề lưới đánh bắt cá đồng.

Nhưng nghề đăng, nghề lưới cũng không thể giúp gia đình bà có cuộc sống khá hơn- vì nguồn cá đồng đã dần dần cạn kiệt. Từ đó, vợ chồng bà chuyển sang nghề nuôi cá lóc.

Xã Phú Thọ có diện tích nuôi thủy sản khoảng 34 ha, gồm các mô hình như: nuôi cá tra, tôm càng xanh, cá lóc, nuôi lươn và các loại cá khác… Hiện nuôi trồng thủy sản góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, mô hình nuôi cá lóc được bà con nông dân đầu tư nhiều.

 

Ở vùng phèn chua xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có ông Nguyễn Văn Dính mà người ta thường gọi là "vua cá lóc", bởi ông là người đầu tiên khai sinh nghề nuôi cá lóc ở Đồng Tháp Mười. Nhưng rất tiếc lúc chúng tôi đến thì ông Dính không có ở nhà, chỉ gặp được anh Nguyễn Sỹ Điền là con trai thứ sáu của ông đang ở bên hầm cá lóc.

 Anh kể: ban đầu, anh cũng như những hộ di dân khác, được nhà nước cấp cho 3 ha đất phèn. Vợ chồng mừng rỡ, gom góp tiền mua lúa giống gieo sạ. Đất phèn, lại gặp hạn nặng, lúa chỉ sống được hơn tháng, rồi khô héo dần mà chết. Cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo thêm.

 Không nản chí, anh tiếp tục mua lúa giống sạ tiếp vụ 2, vụ 3… nhưng lúc đó lúa không sống được trên vùng đất phèn chua, lau sậy này. Thiếu ăn, áp lực sinh kế làm cho hàng loạt hộ dân bắt đầu bỏ vùng Đồng Tháp Mười khắc nghiệt ra đi tìm nơi ở khác.

Riêng anh một mực bám trụ quyết tâm chinh phục vùng đất khó. Nhưng trải qua thực tế của chính mình, anh biết nếu cứ độc canh cây lúa thì rất khó vươn lên làm giàu. Vậy là, anh tiếp tục tìm tòi những mô hình làm ăn mới. Đến những năm 1990, công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười bắt đầu có hiệu quả, thấy người dân khắp nơi về Tam Nông sinh sống ngày càng đông, nguồn cá đồng tự nhiên bị khai thác cạn kiệt dần, anh nảy sinh ý định nuôi cá lóc đồng.

 Thông thường, cứ đến tháng 4, tháng 5 âm lịch, mưa xuống thì cá lóc mẹ sinh sản rất nhiều. Thế là, anh đi vớt cá con (tức cá ròng ròng) đem về nuôi. Đến nay, gia đình anh đã có một trang trại gần 2 ha mặt nước , chuyên  nuôi cá lóc thâm canh. Bình quân mỗi năm trang trại của anh Sỹ Điền cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn cá lóc thương phẩm, thu nhập cả tỉ đồng.

Thấy gia đình anh Nguyễn Sỹ Điền nuôi cá lóc đạt hiệu quả cao, nhiều hộ chung quanh bắt đầu xẻ mương, đào ao chuyển sang nuôi cá lóc. Nhiều người ở Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành A, Tân Công Sính (huyện Tam Nông)… và kể cả từ Cà Mau, An Giang, Kiên Giang…, cũng tìm đến học hỏi mô hình nuôi cá lóc của anh.

Tại xã Phú Thọ, nghề ương cá lóc giống cũng đã trở thành một nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng. Và, mô hình này đang được nhìn nhận là một nghề mới đem lại hiệu quả cao.

 Do trên địa bàn xã không có trại giống để cung cấp giống cá lóc chất lượng , nên bà con nông dân đã tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm để sản xuất con giống.Người đồng bằng bao giờ cũng nhiều sáng tạo từ cuộc sống…

Đang thả nuôi cá mà chuyển sang nghề làm khô đối với nhiều người rất kiêng kỵ. Thế nhưng, ở xóm nghề sản xuất khô nằm bên bờ kinh Đồng Tiến này, đã có nhiều nông dân vượt qua mặc cảm ấy, để theo học nghề làm khô cá lóc. Và, cũng nhờ nghề này, mà cuộc sống của họ ngày càng khấm khá hơn. Chị Nguyễn Thị Tiền ở ấp A, xã Phú Thọ là một ví dụ. Cơ sở sản xuất khô cá lóc của chị Tiền ở ấp A xã Phú Thọ, là một trong những cơ sở sản xuất lớn và lâu năm ở Tam Nông.

Chị cho biết: Gia đình chị bắt đầu làm nghề này từ năm 1993. Lúc đó chỉ làm số lượng ít và chị có một sạp ngoài chợ để bán hàng. Mấy năm nay, sản phẩm làm ra nhiều nên phải mở rộng  cho được thị trường.

Theo chị Tiền, nghề làm khô cá lóc đến với chị cũng rất tình cờ. Gần 20 năm trước, gia đình chị làm nghề buôn bán cá ở xứ Tràm Chim. Khi số lượng cá tươi nhiều, bán không hết nên gia đình phải làm khô cá lóc đem ra chợ bán. Được khách hàng góp ý, nên sản phẩm dần dần hoàn thiện.

 

Quan sát kỹ qui trình sản xuất, chúng tôi thấy để làm ra được sản phẩm khô cũng lắm công phu: từ khâu làm cá, muối, rửa để không còn mùi tanh; rồi làm lạnh, xả đông, và quan trọng nhất là khâu ướp gia vị để có được vị thơm đặc trưng của khô cá lóc. Ngon hay không là do công đoạn ướp gia vị, đó là bí quyết để tạo ra sản phẩm khô cá lóc Tam Nông nổi tiếng khắp nơi. Thường thì 4,2 kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1 kg cá lóc khô và phải phơi trong 4 nắng mới xuất bán được.

Sản phẩm khô cá lóc ở Tam Nông có hương vị đặc trưng rất riêng và đây cũng là bí quyết gia truyền… Hầu hết những sản phẩm khô cá lóc ở đây đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Sản phẩm làm ra được thị trường rất ưa chuộng, có lẽ cũng nhờ cái duyên của vùng đất Tam Nông.

Ngoài ra, Tam Nông cũng rất nổi tiếng với mắm cá lóc được nhiều người phương xa ưa thích.

Nhà văn Đoàn Giỏi, nguyên quán ở Tiền Giang, khi xa cách quê hương Nam bộ, tập kết ra Bắc, nhớ tha thiết món mắm lóc trứ danh, đã chuyển lời qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam”. Thử nghe một đoạn ông rao hàng: “… Nam bộ ai mà không biết ăn mắm. Từ những thị tứ đông đúc, đến các nơi hẻo lánh xa xôi, bất cứ chợ lớn, chợ nhỏ nào cũng đều có bán mắm. Mà mắm lóc trứ danh lừng lẫy từ xưa nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh là mắm Đồng Tháp Mười và Long Xuyên”.

Quả vậy, cá lóc làm nên hương vị đặc trưng của vùng đất nầy. Từ con cá lóc, người dân Tam Nông khéo chế biến thành nhiều món ăn: cá lóc làm khô , cá lóc kho tiêu, cá lóc nấu canh chua, cá lóc nướng trui, cá lóc làm chà bông, cá lóc làm gỏi, cá lóc nhúng giấm, nhưng vẫn đặc biệt là món mắm cá lóc.

Nghề nuôi cá lóc đang chứng minh được hiệu quả kinh tế  trên vùng đất Tam Nông, Đồng Tháp, góp phần làm nên sức sống mới của Đồng Tháp Mười.

Có thể người đồng bằng vẫn thích con cá lóc đồng tự nhiên hơn cá lóc trong ao nuôi chuyên nghiệp, nhưng cuộc sống vốn biến đổi không ngừng và con người rồi phải thích nghi. Câu chuyện hôm nay có lẽ chỉ dừng lại ở một góc Tam Nông hôm nay, với những người dân Tam Nông  chí thú làm ăn trên quê hương giờ đã có quá nhiều thay đổi.

Bây giờ về Tam Nông ai cũng cảm nhận được bộ mặt nông thôn đã khởi sắc. Đồng bưng hoang vắng năm xưa, nay đã trở thành đồng lúa thẳng cánh cò bay, những làng quê trù phú chan hòa ánh điện. Những con lộ nông thôn được lót bê tông, trải nhựa bằng phẳng, những ngôi nhà cao tầng mới xây thật khang trang, đẹp mắt… biểu hiện cho sự khá giả, sung túc của một miền quê vùng sâu Đồng Tháp Mười.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *