Bên bờ hạnh phúc

Tháng 10 là mùa đẹp nhất của khu rừng này. Vẻ đẹp rất riêng của vùng rừng ngập nước. Khi ấy, đồng bằng sông Cửu Long cũng đang trôi qua mùa lũ lớn … Con nước về, mang theo phù sa và sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng hạ lưu châu thổ.

Nước về… Vạn vật cũng đổi thay- làm nên sự khác biệt giữa hai mùa: mùa nắng và mùa mưa ở miền Tây Nam Bộ.

 

 

Từ lâu, Rừng Ngập Ngọt là tên gọi thân thuộc, đáng yêu và gần gũi với người bản xứ. Những khu rừng ngập nước này thường xuyên chịu sự tác động của lũ theo dòng Mêkong tràn về , phân bố rộng rãi ở ĐBSCL như: Láng Sen, Mộc Hóa ( Long An); Gáo Giồng, Tràm Chim (Đồng Tháp); Trà Sư (An Giang), U Minh (Cà Mau, Kiên Giang)..vv…

Rừng được hình thành bởi điều kiện đặc thù về tự nhiên và hệ sinh thái vùng ngập nước .  Rừng ngập ngọt có lung, đầm, bưng, trấp, đồng cỏ, những vạt rừng thưa với hệ động thực vật phong phú theo mùa.

Và khi nói đến rừng ngập nước thì giá trị và tài sản lớn lao nhất – chính là Nước. Rừng Ngập Ngọt ĐBSCL là một trong những khu rừng ngập nước hiếm hoi còn sót lại ở Đông Dương.

Vào thập niên 90, rừng còn trên 170 ngàn hecta. Do nhiều nguyên nhân , con số này ngày càng giảm đi đáng kể. Dẫu vậy, rừng ngập ngọt đồng bằng  vẫn giữ nguyên hệ sinh thái đa dạng và đặc trưng của vùng ngập nước quanh năm.

 Đối với rừng trên cạn, thường chỉ có một tầng cây cao và các loại thân tầm gửi hay cây thân thấp. Còn cánh rừng ngập nước này , có đủ sự hiện diện của các loài động thực vật trên cạn, dưới nước và cả động thực vật lưỡng cư …. Sự đa dạng của rừng còn chuyển động theo mùa.

Khi nước tràn về…..

Hệ sinh thái đầu nguồn là những vạt rừng Tràm dày đặc, trở thành hệ thống điều tiết nước cho phía hạ nguồn; góp phần giảm vận tốc nước của lũ Mekong, đồng thời ứng phó với hiện tượng  thiếu nước trong mùa khô.

Và ở đây, chính nơi cánh rừng này, nước trở thành sức mạnh , gắn kết cuộc sống con người với thiên nhiên , không thể tách rời nhau, làm nên sự sống sinh động của cánh rừng-nơi từng được xem là một thời hoang hóa.

Hò…ơ…..

Ai vô Đồng Tháp em thương

Nước phèn, kinh cạn vấn vương tháng ngày. 

Chính ở nơi kinh phèn nước cạn ấy , vẻ đẹp của rừng  toát lên sự hấp dẫn kỳ lạ. Mùa Sen nở,  thiên nhiên giao hòa cùng trời đất ; vẻ đẹp bình dị mà không kém phần sang trọng.

Cũng từ nơi này, lan tỏa tình yêu cuộc sống….

Không được biết đến nhiều như người chị hoa sen, nhưng màu hoa súng giữa rừng cũng đủ níu giữ lòng người.

Sức sống mạnh mẽ của loài thủy mộc này được thể hiện qua khả năng”vượt nước”. Hễ nước lên đến đâu thì lá và thân cọng vươn dài đến đó. Cây súng thích nghi với thiên nhiên và vượt qua khó khăn , như ý chí của chính cư dân vùng rừng..

Loại hoa của đồng bưng này có mặt ở rừng ngập ngọt ngay từ những ngày đầu khai mở. Súng có thể nhúng sâu chân mình trong nước, chịu được cái hạn của mùa khô, biết tự tái sinh khi nước lũ tràn về.

 

 

Khi mùa nước lên, súng vươn dài, nổi thân mình, xòe lá, khoe bông… Và không phải ai cũng biết rằng bên dưới tầng nước ấy, bao giờ cũng còn sót lại những tay lá ngắn của mùa nước cạn vừa qua….

 Buổi sớm mai, hoa lung linh bung cánh cho những chú ong lấy mật, mang về kết tổ trong những tán Tràm. Loài động vật của rừng này có khả năng dự báo thiên nhiên đầy nhạy cảm.

 Mùa súng dại trổ bông, ong tụ tập nhiều hơn. Chính những nếp sinh hoạt tự nhiên của muôn loài , làm cho mùa lũ ở đồng bằng trở nên gần gũi, giao hòa với thiên nhiên.

Nước về…

Thảm nắng vàng dễ cháy trong mùa khô , đã úa màu vì khô hạn, bất chợt khoác lên mình chiếc áo xanh mơn khi mua mưa đến.

Thoạt nhìn, tưởng chừng năng là loài vô dụng . Nhưng rừng có lý của rừng –  bãi năng này chính là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn sếu, trích …., cũng là nơi trú ngụ làm tổ ấm cho những loài chim nước.

Mùa khô, đàn chim di trú đến những nơi xa hơn , có nguồn thức ăn dồi dào hơn . Mùa mưa đến, chim lại hội tụ về đây , vì đã có những cọng năng non mướt cho bữa tiệc mỗi ngày. Đây cũng là lúc chúng trở về mái nhà quen thuộc để sinh sôi, nảy nở.

Thảm năng thường phát triển tốt ở vùng đất ngập phèn. Cây nhúng sâu chân mình dưới nước, mặc cho lớp rong rêu phủ đầy sống dựa vào thân.

Không chỉ là nơi làm tổ và thức ăn cho các loài chim, đồng năng còn là nơi lý tưởng cho muôn loài trú ngụ. Như đôi chuồn chuồn nước này, chúng đang làm nhiệm vụ truyền giống bên dưới những cánh đồng năng.

Trong khu rừng nầy, không riêng gì những bãi Năng thấp mà những ngọn Tràm cao cũng là nơi lý tưởng cho các loài chim làm tổ. Cả một xã hội loài chim quây quần , với đủ các cảm xúc: yêu thương, ghét gian, ghen hờn…, làm nên sự sinh động và náo nhiệt của khu rừng vào mùa nước lớn.

Cũng vào mùa này, những con chim non mới nở chưa tự biết bay, chưa biết tìm kiếm thức ăn rất dễ trượt chân xuống nước. Số lượng đàn thường hao hụt nhiều sau mỗi đợt giông bão đi qua.

 Chỉ vào mùa khô hạn, chim mới phải xa rừng. Chim mẹ tha mồi về tổ , cần mẫn nuôi lớn những đứa con nhỏ bé của mình. Rồi chim bố lại bay đi , chia sớt phần cực nhọc…. nhường lại nhiệm vụ giữ tổ chim non và buổi nghỉ ngơi cho con chim mẹ vừa mới quay về.

 

Chim trời cá nước cùng hội tụ quần cư trong những xẻo rừng ngập ngọt…

Loài chim này đang săn cá . Nó đang rình mồi, chờ vận may đến… Còn đàn cá nhỏ vẫn thong dong…

Quy luật sinh tồn trong khu rừng này là vậy, tự nhiên nhưng vẫn tương tác để cùng phát triển – đặc trưng riêng có của rừng ngập ngọt. 

 Vào mùa nước lên, cá theo nước tràn về và ở lại nơi cánh rừng này. Khi ấy, rừng ngập ngọt không chỉ là nơi cư trú mà còn là môi trường lý tưởng cho bầy cá sinh sôi nảy nở và trở thành nguồn gien quí. Nhiều nhất vẫn là các loài cá đen.

Trăn, rắn, rùa… cũng đang bám lấy rừng.

Nguồn sản vật làm rừng ngập ngọt trở thành địa chỉ hội ngộ của nhiều lớp cư dân tứ xứ , cùng đến sinh cơ lập nghiệp. Qua nhiều thế hệ, họ trở thành cư dân bản địa và là chủ nhân của những cánh rừng.

Mùa nước nổi về…..

Nơi đây, không chỉ có đàn ông lặn lội mưu sinh, mà phụ nữ miệt rừng cũng đã quen chòng chành sông nước… Và những tuổi thơ lớn lên, quen vị ngọt của rừng từ lúc vừa chập chững biết đi.Không ở đâu rừng và người lại khắng khít với nhau đến vậy…

Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho con người nhiều sản vật. Con người cũng gìn giữ, nâng niu để gửi lại mùa sau…

Câu chuyện của rừng vẫn đang tiếp diễn.

…..Mùa khô đến…..

Nắng nóng làm rạn cả mặt rừng. Lá khô, thân tràm bong ra từng mảng…. Cá ngoi ngóp trốn  nắng, ục như cơm sôi trong con kênh phèn nước cạn. Cuộc sống muôn loài cũng có sự đổi thay. 

Rừng mùa nầy hiểm họa bất ngờ. Mỗi nơi có một cách để cứu rừng riêng.Nhưng có một điểm chung ở rừng ngập ngọt là không thiếu nước để chữa cháy, dù đang mùa nắng hạn.

 

Bên dưới lớp lá khô, các tầng thực vật thấp nhiều nơi vẫn đang âm ỉ …Chỉ có những loại động thực vật thủy sinh là không hề gì, chúng lại sinh sôi khi biến cố đi qua. Rồi nước và phù sa lại theo mùa về với những cánh rừng.

Loại thực vật tái sinh nhanh nhất trong khu rừng này chính là thảm dương xỉ. Từng cọng vươn thẳng lên đón nắng, những chiếc lá non cuộn tròn, tạo nên sức sống mãnh liệt của đất rừng . Tầng thực vật bậc thấp này tạo nên tấm thảm dầy hỗ trợ sự sinh sôi và phát triển cho những loài động thực vật khác , giữ cuộc sống và màu xanh cho rừng qua bao biến cố.

Mưa đầu mùa đã về…

Cơn mưa có thể không đủ tưới mát cả khu rừng ngập ngọt, nhưng đủ để báo hiệu cho muôn loài về thời điểm tái sinh.

Rừng ngật ngọt là vậy. Khí hậu dẫu có khắc nghiệt, đỏng đảnh đổi thay, rừng vẫn mạnh mẽ thủy chung với con người. Những cư dân của rừng đã bao lần chứng kiến mầm rừng xanh trở lại cùng mùa ngập nước. Họ yêu quý vùng rừng ngập ngọt, như chính cuộc sống của mình.

 

Nước là lẽ sống của rừng ngập ngọt, vùng rừng đặc thù chỉ có ở miền Tây Nam Bộ. Và nước ở đây vẫn còn hào phóng…Nhưng nước cũng không phải là tài nguyên vô hạn, nếu con người vô trách nhiệm với thiên nhiên.

Và nếu đã lỡ một lần có lỗi, hãy dạy cho những trẻ thơ bài học về rừng. Để mai nầy, khi các con lớn lên trên vùng rừng ngập nước , vẫn thấy được hương sắc ngọt ngào của rừng ban tặng.

Hãy giữ lấy rừng , giữ lấy những câu chuyện đẹp của rừng trong cuộc sống hôm nay…/

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *