Bên bờ hạnh phúc

Khi nói đến những mô hình nuôi heo làm giàu, thường chúng ta hay gặp những nông dân có tay nghề giỏi nuôi heo nái cũng như heo thịt, ít khi nhắc đến những mô hình nuôi heo đực giống. Những người trong chuyên môn thì cho rằng mô hình này không dễ thành công nên số lượng nông dân theo nghề cũng ít. Tuy nhiên những ai thành công với nghề này thì khả năng làm giàu cũng không khó. Nông dân Trần Văn Sáu ở ấp An Hội 3, xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là một trong những điển hình thành công với mô hình nuôi heo đực giống.

 

Nếu như hơn 30 năm trước, nghề nuôi heo đực giống chỉ giúp cho gia đình ông Trần Văn Sáu hay còn gọi là Sáu Bành ở ấp An Hội 3, xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long chỉ có thể kiếm sống qua ngày, thì giờ đây cũng chính cái nghề ấy đã giúp gia đình ông làm giàu và trở nên nổi tiếng xa hơn. Giờ đây, không những nông dân tại địa phương biết tiếng tăm Sáu Bành mà nhiều bà con khác huyện khác tỉnh cũng biết đến tên tuổi và uy tín của ông trong nghề nuôi heo đực giống. 

Gia đình ông Sáu có đến 11 anh chị em, nên hoàn cảnh kinh tế cũng khá eo hẹp. Lúc mới lập gia đình riêng, vợ chồng ông được chia 4 công ruộng và 2 công vườn. So với nhiều gia đình khác cùng thời, thì số đất đai ấy cũng được gọi là khá, nhưng canh tác trong điều kiện không mấy thuận lợi thì khó khăn vẫn cứ khó khăn. Cả một gia đình 4 – 5 nhân khẩu chỉ sống nhờ vào 01 vụ lúa mùa trong năm để sinh sống, vì vậy để có thêm nguồn thu nhập trang trải chi tiêu trong nhà, lo cho con cái ăn học, vợ chồng ông phải tính đến chuyện chăn nuôi thêm. Ban đầu, chỉ nuôi vài con heo thịt coi như bỏ ồng, sau ông bà học cách nuôi heo nái, tuy nhiên không có đủ vốn để nuôi dù chỉ 01 con heo nái. Từ đó, ông mới suy nghĩ đến việc nuôi heo đực giống. Bởi ông nhận thấy, xung quanh có khá nhiều bà con nuôi heo để nái nhưng lại ít thấy người nuôi heo đực phối giống, ông nghĩ nếu thành công được nghề này chắc cũng có cơ hội tích lũy vốn.

Với đức tính cần cù chịu khó, ông Sáu làm nghề cũng khá thuận lợi mang nguồn thu nhập kha khá về cho gia đình. Tuy nhiên, những năm sau đó khi Nhà nước cho nhập khẩu nhiều giống heo ngoại để cải thiện chất lượng con giống nội địa đồng thời cũng phát triển kỹ thuật gieo tinh khá mới – gieo tinh nhân tạo. Điều đó cũng có nghĩa, việc chở con giống đi phối trực tiếp không còn phù hợp nữa, vì thế hầu hết những người làm nghề giống như ông Sáu đều đóng cửa thôi nghề. Riêng với ông Sáu lại quyết tâm theo nghề.

 

Ông Sáu chia sẻ, quyết định theo đuổi nghề phải cần nhiều vốn bởi giá một con giống nhập trị giá hàng chục triệu đồng, rồi phải tính đến tỉ lệ rủi ro. Chẳng hạn mua 2 con về có thể chỉ khai thác được 1 con hoặc không khai thác được con nào phải bán giá heo thịt, chịu lỗ. Mặt khác, phải đầu tư thêm dụng cụ lấy tinh, bảo quản và kiển tra tinh,… nói chung là phải đổi mới toàn bộ. Nhưng phải nói rằng, không có sự chuyển đổi nào mà không gặp khó khăn. Với gia đình ông Sáu, có lúc gia đình ông phải bán ruộng đất nhà, cầm cố ruộng của người thân, vay nợ ngân hàng,…để đầu tư cho cái nghề khó tính này. 

Thường nghe nói “chỉ có người phụ nghề chứ nghề không phụ người”, có lẽ đã đúng với trường hợp của ông Sáu – một người hết lòng vì nghề. Thế là những năm sau đó, ông đã thành công. Có được vốn khá, ông bắt đầu đa dạng hóa nguồn con giống phục vụ theo yêu cầu của người nuôi, dần hồi số lượng heo giống ngày một tăng. Đến nay, chuồng trại của ông đã có trên 35 con đực giống nhập trực tiếp từ Đài Loan, Mỹ,…trị giá gần 1 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại quy mô này, được biết kế hoạch thời gian tới ông nâng số lượng con giống lên trên từ 45 đến 50 con. Ông cho biết, sau thời gian gặp khó khăn chung về tình hình dịch bệnh, nay ông đã đầu vài trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại khá chuẩn như thế này. Là nông dân không được học nghề bài bản, nhưng qua gần 35 năm kinh nghiệm trong nghề, ông cũng đã tích lũy một vốn kiến thức khá hay cho nghề của mình. Hiện ông cũng khuyến khích các con theo nghề và cho đi học qua trường lớp để dần dần chuẩn hóa trại giống của mình.

Với uy tín và chất lượng nhiều năm qua, hiện nay lượng khách hàng của trại cũng khá đông, trung bình mỗi ngày có từ 50 đến 80 khách hàng.

Ngoài nguồn thu nhập từ việc bán và gieo tinh heo nhân tạo, gia đình ông Sáu còn nuôi gần chục heo nái và gần trăm heo thịt để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Nhờ vậy, những năm qua, gia đình ông đã xóa được nợ, mua thêm đất đai canh tác, đến nay ông đã có trên trên 1,5 ha ruộng vườn, và 3 người con của ông bà đều có cơ ngơi ổn định, một thành quả đáng mừng sau cả một quá trình dài phấn đấu.

 

Để khép kín mô hình của mình, ngoài việc sử dụng biogas để nấu bếp, phát điện, ông còn lập nên vườn thanh long ruột đỏ gần 400 trụ, sử dụng nguồn phân chuồng có sẵn, thế nên dù trong trại lúc nào số lượng heo cũng trên trăm con nhưng môi trường sống xung quanh vẫn luôn được đảm bảo sạch sẽ thông thoáng, rất phù hợp với yêu cầu về những mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường ngày nay.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *