Bên bờ hạnh phúc

Mặc dù không thuộc hàng cây đặc sản, giá trị cao, nhưng nếu biết cách khai thác, cây ổi vẫn cho thu nhập khá cao. Nhiều năm qua, mô hình trồng ổi cũng giúp cho bà con ở xã Long Hưng, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thoát nghèo, cải thiện được cuộc sống.

 

Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, cây ổi chỉ là một cây tầm thường, không có giá trị cao, khó làm giàu, nhưng đối với gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang lại là một câu chuyện khác.

Năm 2004, gia đình ông bắt đầu chuyển mấy công đất trồng rẫy sang trồng ổi không hạt, đến nay nhân rộng ra gần 1,8 ha, lợi nhuận hàng năm từ 150 đến 200 triệu đồng. Nguồn lợi từ vườn ổi không chỉ giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống mà còn là nguồn vốn quan trọng để ông bà lo nhà cửa, đất đai cho 05 người con của mình đã thành gia lập thất. Như vậy, lợi ích kinh tế của cây ổi đâu phải nhỏ, vấn đề là ở người nông dân cần phải biết cách khai thác đúng tiềm năng của cây trồng này. Được biết, tại xã Long Hưng này, có hàng trăm ha ổi không hạt, tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như gia đình ông Hải.

Ông Nguyễn Văn Hải  

 

Việc cho cây ổi ra trái quanh năm, hiện nay, không còn là điều quá khó khăn hay bí mật của riêng nhà nông nào, mà kiến thức đó đã trở nên rất phổ biến, hầu như người nông dân nào cũng biết. Tuy vậy, khi bắt tay vào thực tế công việc thì không dễ dàng thành công. Đa số những thất bại trong mô mô hình trồng ổi là do người nông dân thiếu sự quan tâm đầu tư công sức của mình vào đó. Có người tính toán được, trong tiền lãi của vườn ổi, thì công lao động đã đóng góp không dưới  50%, và theo cách nghĩ nào đó, đây cũng thuộc dạng mô hình lấy công làm lời.

Theo suy nghĩ của nhiều người, những hộ đã có tuổi như vợ chồng ông Hải nên chọn những cây lâu năm như vú sữa, bưởi, xoài, dừa,… canh tác để dưỡng già, bởi những cây ấy ít tốn công hơn. Tuy nhiên, với bản tính cần cù chịu khó đã quen nên ông Hải không ngại khó khăn, vẫn quyết định chọn cây ổi tìm đường đi lên cho gia đình.

 

Ông bà cho biết, mấy năm trước diện tích trồng còn ít, nên công cán không nhiều, không thuê mướn thêm lao động gia đình vẫn đảm đương được. Nay diện tích đã tăng lên gần 18 công, vì vậy thỉnh thoảng ông bà phải mướn thêm lao động nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ.

Ông bà còn chia sẻ, trồng ổi này tương tự như trồng hoa màu vậy, suốt ngày phải có mặt ngoài vườn, kề cận với nó, quan tâm nó, thấy có dấu hiệu gì thì xử lý ngay, tránh để lây lan sang diện rộng mà không hay biết thì nguy hiểm. Trước đây, ông bà cũng từng trồng rẫy, trồng lúa trên mảnh đất gần 2 ha này, cũng đầu tắt mặt tối suốt cả ngày nhưng cái công còn không đủ bù đắp, lấy đâu ra có dư mà tích lũy,… Thế rồi, cây ổi không hạt chính là niềm hy vọng và nó để lại cho vợ chồng ông bà nhiều đêm trăn trở. Cuối cùng chúng cũng cùng với ông bà viết nên câu chuyện làm giàu ở vùng quê hẻo lánh này. Mặc dù hiện nay, còn nhiều khó khăn vướn mắc như giá cả bấp bênh, bệnh lạ xuất hiện nhưng cây ổi không hạt đối với gia đình ông Hải cũng như đa số nhà vườn ở đây vẫn là cây trồng chủ lực, cải thiện kinh tế gia đình cho họ.

Vườn ổi còn đang xanh tốt, đang muốn vươn mình tiếp tục sự sống, điều đó đang thể hiện ước mơ và niềm hy vọng của gia đình ông Hải đã đặt vào đây. Họ hy vọng trong bối cảnh khó khăn như hiên nay, đây sẽ là mô hình bền vững không chỉ cho gia đình mình mà còn là niềm vui, niềm hy vọng cho rất nhiều hộ khác ở địa phương. 

Thúy Hằng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *