Bên bờ hạnh phúc

Khi sắc xuân đang đến với mọi nhà, lòng người chợt ấm lại với bao niềm hy vọng mới. Tết nguyên đán này, bà con ở nông thôn Vĩnh Long còn có thêm niềm vui vì thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện 2 năm qua, nhiều bà con lớn tuổi, phụ nữ nông thôn, lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động đã có thêm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, cùng góp phần xây dựng nên một diện mạo nông thôn mới với nhiều khởi sắc.

Khi người lao động có việc làm, kinh tế hộ gia đình ổn định sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển

 

Đến xã Trung Hiếu huyện Vũng Liêm thăm nhà chị Lâm Thị Hạnh vào những ngày cận tết, không khí làm việc vẫn rất sôi động. Đã hai năm nay, nhờ có thêm nghề dệt chiếu và đan thảm mà gia đình chị sống sung túc hơn. Mỗi khi hết mùa vụ là lại làm hàng thủ công mỹ nghệ, thu nhập không bị gián đoạn mà còn có thể tích lũy để cải thiện kinh tế gia đình. Theo chị, công việc này nhẹ nhàng lại dễ làm. Nhà chị có tất cả 4 thành viên thì cả 4 người đều có thể tham gia lao động. Tương tự chị Hạnh, Chị Phạm Thị Mười cũng rất hăng say với nghề mới này. Bởi chị có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi trong ngày, làm việc tại nhà, có thêm thu nhập mà lại có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho gia đình.

Niềm vui của chị Hạnh, chị Mười cũng là niềm vui chung của hàng trăm lao động nông thôn ở xã Trung Hiếu. Chỉ tính riêng ở HTX Thủ công mỹ nghệ Nhân Trí đã giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động nữ tại địa phương. Ngoài hơn 60 lao động trực tiếp làm việc tại các phân xưởng, số còn lại chủ yếu lãnh hàng về nhà làm. Thế mà cái nghề tưởng như làm chơi nhưng ăn thiệt này đã đem lại thu nhập đáng kể cho các chị em. Chị nào không có thời gian thì thu nhập xấp xỉ 1 triệu đồng một tháng, còn cần mẫn hơn thì thu nhập mỗi tháng có thể lên đến 3 triệu đồng. Không chỉ vậy, ngày tết, ngày lễ hay ngày nhập học của con em , HTX luôn dành những chế độ quà tặng kịp thời để động viên, khích lệ người lao động gắn bó hơn trong công việc.

Xã Trung Hiếu trước nay vốn là một xã thuần nông, đời sống của bà con phụ thuộc vào ruộng rẫy. Kể từ khi có chính sách thúc đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì thu nhập của bà con đã tăng lên đáng kể. Khi người lao động có việc làm, kinh tế hộ gia đình ổn định sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Đó cũng chính là những nét đổi thay trên các xã nông thôn mới hiện nay.

Đã hai năm nay, nhờ có thêm nghề dệt chiếu và đan thảm mà gia đình chị Lâm Thị Hạnh sống sung túc hơn.

 

Cái khó nhất trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính là thay đổi tư duy, tập quán sống và lao động thuần nông. Thời gian qua, nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động , việc đào tạo nghề luôn đi sát với thực tiễn sản xuất nên đã tạo nên một sự chuyển biến lớn trong nhận thức cho lực lượng lao động nông thôn, góp phần xây dựng đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa, cũng là thực hiện quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới mà Tỉnh Ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo từ đầu năm 2011. Đồng thời, là một hướng đi đúng theo nghị quyết của Đảng về chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Sau hai năm thực hiện quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ về “ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Vĩnh Long đã đạt được những kết quả đáng kể trong giải quyết việc làm cho nguồn lao động nông thôn, các địa phương có điều kiện thực hiện tốt tiêu chí nâng cao thu nhập cho người lao động trong xây dựng xã nông thôn mới. Toàn tỉnh đã có 487 lớp đào tạo nghề được thực hiện, với hơn 14.000 lao động được đào tạo. Tỷ lệ giải quyết việc làm cho lực lượng lao động sau đào tạo là gần 80%. Nhờ sự gắn kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất nên người lao động nông thôn có nhiều điều kiện để tiếp cận việc làm, nhiều cơ sở còn ưu tiên đào tạo, tuyển dụng những lao động có độ tuổi trên 40. Nếu không làm việc tại xưởng, người lao động được nhận hàng về nhà làm, có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nếu không làm việc tại xưởng, người lao động được nhận hàng về nhà làm, có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Điểm thành công nhất trong hai năm qua chính là việc đào tạo nghề luôn gắn với giải quyết việc làm. Đối với ngành nghề nông nghiệp thì giúp nâng cao trình độ kiến thức, nâng cao kỹ thuật canh tác; còn đối với ngành nghề phi nông nghiệp thì dạy nghề gắn với làng nghề, gắn với các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp , qua đó , phát triển thêm các ngành nghề truyền thống, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Nhiều nơi thực hiện việc dạy nghề theo đơn đặt hàng, dạy nghề ngay trong doanh nghiệp.

Điều này tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp và người lao động, tạo lợi ích hài hòa người giữa doanh nghiệp với người lao động. Như Cty may Khang Thịnh tại thị Trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, có nhu cầu phát triển sản xuất cần lượng lao động lớn, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển dụng công nhân. Chính nhờ sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công tỉnh, thông qua chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ sau 1 năm , doanh nghiệp đã đào tạo và tuyển dụng gần 500 lao động tại địa phương, nâng tổng số lao động tại doanh nghiệp hiện nay lên hơn 800 lao động.

HIện mức lương trung bình của công nhân là 2,5 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, cái được lớn nhất chính là công việc này đã góp phần lớn vào sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động nông thôn. Công nhân không chỉ được rèn luyện về tác phong lao động công nghiệp, mà thông qua các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, họ còn được rèn luyện về đạo đức lối sống, giúp cho đời sống vật chất và tinh thần không ngừng tiến bộ.

Công nhân không chỉ được rèn luyện về tác phong lao động công nghiệp, mà thông qua các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, họ còn được rèn luyện về đạo đức lối sống, giúp cho đời sống vật chất và tinh thần không ngừng tiến bộ

 

Từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính Phủ ,được cụ thể hóa thành chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn ,gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng xã nông thôn mới tại địa phương, trong 2 năm qua, người lao động nông thôn ở Vĩnh Long đã có nhiều cơ hội tiếp cận với những ngành nghề mới, với những cơ hội việc làm và nguồn thu nhập tăng thêm . Kinh tế ổn định, gia đình sẽ ấm no và cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi tiếp cận với môi trường làm việc mới, mỗi người sẽ tự ý thức và phát huy hơn nữa khả năng và sự sáng tạo của mình.

Ngành nghề mới tạo nên nét mới trong đời sống người dân nông thôn Vĩnh Long. Ngành nghề mới cũng đang góp phần làm thay da đổi thịt cho những làng quê vốn có cuộc sống thuần nông . Một mùa xuân nữa lại bắt đầu, người dân lại nô nức đón xuân với một tinh thần lao động mới, với niềm hy vọng cho cuộc sống tốt đẹp hơn bằng chính sự đóng góp từ sức lao động, từ sự thay đổi quan niệm sống và làm việc ngay trên làng quê đổi mới.

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *